Người đàn ông ở TPHCM phải bồi thường khi để chó cắn chết chó hàng xóm
(Dân trí) - Chủ sở hữu trong vụ chó cắn chết chó phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác, nên tòa chấp nhận yêu cầu của bà T., buộc ông B. phải bồi thường thiệt hại.
TAND TPHCM vừa công bố bản án phúc thẩm vụ tranh chấp bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra giữa nguyên đơn là bà H.T.D.T. (48 tuổi) và bị đơn là ông T.H.B. (55 tuổi, cùng ngụ tại TPHCM).
Theo đó, HĐXX không chấp nhận kháng cáo của bị đơn, buộc ông B. bồi thường 11,5 triệu đồng tiền khám, điều trị và tiền tiêu hủy con chó của bà T..
Theo nội dung vụ kiện, tối 9/9/2023, khi bà T. mở cửa rào cho con dâu vào nhà, con chó của ông B. đã xông vào cắn con chó Phốc sóc của bà T..
Bà T. mang con chó đến phòng khám điều trị 5 ngày nhưng không qua khỏi.
Sau đó, bà T. khởi kiện yêu cầu ông B. bồi thường 20 triệu đồng giá trị con chó (sau đó nguyên đơn rút lại yêu cầu này vì không có hóa đơn) và 11,5 triệu đồng chi phí điều trị và tiền tiêu hủy.
Ông B. cho rằng hôm xảy ra vụ việc, ông đã khóa cửa đi ngủ nên việc bà T. cho rằng con chó của ông xông vào sân và cắn con chó của bà là không có căn cứ. Bị đơn chỉ đồng ý hỗ trợ cho bà T. vì cùng là người nuôi chó nên có sự đồng cảm.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ông B. cho rằng, bà T. không đăng ký vật nuôi nên đề nghị HĐXX không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Xét xử sơ thẩm, TAND quận 10 đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà T., buộc ông B. phải bồi thường cho nguyên đơn 11,5 triệu đồng.
Sau phiên sơ thẩm, bị đơn kháng cáo đề nghị hủy bản án trên vì vi phạm tố tụng nghiêm trọng.
Xử phúc thẩm, HĐXX xác định, ông B. có lỗi khi để con chó của mình chạy ra đường mà không đeo rọ mõm, không xích giữ chó, không có người dắt, từ đó, con chó của bị đơn đã cắn con chó của nguyên đơn.
Phía bà T. phải đưa con chó đi điều trị, đến khi con chó bị chết và phải tiêu hủy, gây thiệt hại cho nguyên đơn, nên bị đơn phải bồi thường toàn bộ thiệt hại do con chó của mình gây ra.
Đối với yêu cầu bồi thường thiệt hại của nguyên đơn, HĐXX nhận định, khoản 1 điều 603 Bộ luật Dân sự 2015 quy định rất rõ: "Chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác", nên yêu cầu của bà T. về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do con chó của ông B. gây ra là có cơ sở.
Đồng thời, bà T. cung cấp được hóa đơn chứng từ về chi phí điều trị và tiêu hủy chó nên tòa đã chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn.
Từ những phân tích trên, HĐXX quyết định bác kháng cáo của ông B., tuyên y án sơ thẩm.