Quảng Trị
Người dân cảnh giác từ vụ bẫy “tín dụng đen” hàng trăm tỷ
(Dân trí) - Tại kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh Quảng Trị (khóa VII, nhiệm kỳ 2016-2021), các vấn đề liên quan đến vụ vỡ nợ hàng trăm tỷ đồng gây chấn động dư luận, bẫy “tín dụng đen” được đưa ra trao đổi tại nghị trường.
Ông Trần Đức Việt – Giám đốc Công an tỉnh Quảng Trị cho biết, Công an tỉnh đang tiếp tục điều tra, xử lý đối tượng Trần Thị Nhàn (SN 1986, quê ở Phù Hóa, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình; trú tại phường 5, TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị), làm rõ các vấn đề liên quan đến vụ vỡ nợ hàng trăm tỷ đồng.
Theo giám đốc Công an tỉnh Quảng Trị, thông tin dư luận cho rằng vụ vỡ nợ với con số lớn hàng trăm tỷ đồng, nhưng cơ quan điều tra phải sàng lọc, số nào là quan hệ dân sự, số nào phạm tội hình sự. Nếu liên quan đến quan hệ dân sự thì phải điều chỉnh bằng luật dân sự, chứ không thể xử lý hình sự.
Người đứng đầu ngành Công an Quảng Trị thông tin, hiện trên địa bàn có 11 công ty tài chính, 14 cơ sở và 138 cá nhân hoạt động cho vay lãi suất quá quy định của ngân hàng, dưới dạng cho vay tài chính, cầm đồ, cho vay lãi suất cao.
“Các hoạt động này đều núp dưới “chiêu bài” hoạt động quan hệ dân sự. Khi giao dịch dân sự với nhau bằng miệng, hoặc văn bản nhưng lãi suất theo quy định của ngân hàng. Chính vì vậy, khi hậu quả xảy ra thì gây khó khăn cho cơ quan công an trong việc thu thập tài liệu, chứng cứ. Không đủ căn cứ để thực hiện truy tố, tòa cũng không xử được”, ông Việt nêu.
Hiện công an đang điều tra, khảo sát, đi sâu tìm hiểu nếu phát hiện sẽ xử lý theo quy định của pháp luật. Bộ công an cũng đã có chỉ đạo về tích cực đấu tranh với tội phạm trên lĩnh vực “tín dụng đen”.
Ông Việt cho rằng, trong khi ngân hàng quy định mức lãi suất cho vay không được vượt quá 20%, nhưng thủ đoạn của những người cho vay với lãi suất rất cao, khoảng 5-10 ngàn đồng/triệu/ngày.
Đại tá, giám đốc Công an tỉnh Quảng Trị - ông Trần Đức Việt đề xuất 4 nhóm vấn đề: Tuyên truyền người dân nâng cao tinh thần cảnh giác, tránh sa vào bẫy tín dụng đen, khi tiến hành giao dịch dân sự phải nắm các quy định để tự bảo vệ mình; Siết chặt quản lý nhà nước về tiền tệ, có chính sách huy động vốn từ người dân; Quản lý các tổ chức tín dụng, các cơ sở cầm đồ….; Tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các nguồn vốn vay.
Như Dân trí đã đưa tin, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Trị đã quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, ra lệnh tạm giam 4 tháng đối với Trần Thị Nhàn để điều tra, làm rõ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trước đó, nhiều người đã đến Công an tỉnh Quảng Trị trình báo việc cho Nhàn vay số tiền lớn, nhưng đến hạn đối tượng không trả theo cam kết. Được biết, tổng số tiền mà người dân trình báo đã cho Nhàn vay khoảng 400 tỉ đồng.
Để vay được tiền, Nhàn dùng vỏ bọc là người kinh doanh nhà đất, cần tiền để đáo hạn ngân hàng nên ai cho vay sẽ được trả lãi suất rất cao. Từ tháng 8/2018, do Nhàn mất khả năng trả nên những người cho vay mới trình báo.
Quá trình điều tra xác minh thấy có dấu hiệu tội phạm nên cơ quan CSĐT đã bắt tạm giam đối tượng 4 tháng để làm rõ.
Đ. Đức