Vụ cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi:
Một chuyên gia người Nhật Bản gây thiệt hại gần 600 tỷ đồng
(Dân trí) - Ông TaKao Inami đã ký biên bản nghiệm thu công trình xây dựng dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đảm bảo chất lượng, gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng.
Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra kết luận điều tra và đề nghị truy tố 36 bị can trong vụ án tội vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
Trong vụ án này, bị can TaKao Inami (sinh năm 1949, quốc tịch Nhật Bản) bị đề nghị truy tố về tội vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng.
Thiệt hại vụ án 811 tỷ đồng
Theo điều tra, dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư, tổng chiều dài gần 140km, trong đó giai đoạn 1 của dự án dài 65km từ TP Đà Nẵng tới TP Tam Kỳ (Quảng Nam); giai đoạn 2 dài hơn 74km.
Dự án được khởi công năm 2013 và từ tháng 9/2018 đã đưa vào sử dụng 65km của giai đoạn 1. Tuy nhiên, khi vừa đi vào sử dụng, đường cao tốc đã xuất hiện rất nhiều điểm hư hỏng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới vận hành khai thác.
Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định giá trị các hạng mục công trình xây dựng không đảm bảo nhưng chủ đầu tư và các đơn vị khác nghiệm thu thanh toán số tiền 811 tỷ đồng. Trong đó, TaKao Inami gây thiệt hại và chịu trách nhiệm đối với số tiền 568 tỷ đồng đã được thanh toán cho các hạng mục công trình không đảm bảo chất lượng theo các hồ sơ thanh toán.
Cơ quan điều tra xác định chất lượng các hạng mục công trình xây dựng không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, yêu cầu thiết kế dự án, như chiều dày các lớp vật liệu không đảm bảo quy định, độ rỗng dư, hàm lượng nhựa, hệ số thấm không đạt yêu cầu quy định, độ mài mòn, chỉ số dẻo không đạt yêu cầu, cường độ chịu tải trọng của mặt đường không đảm bảo quy định, không đạt yêu cầu quy định, đặc biệt đến thời gian ông Takao Inami thay mặt đơn vị tư vấn giám sát dự án 7 báo cáo đánh giá chất lượng công trình xây dựng hoàn thành.
Một số chuyên gia đã về nước trước khi khởi tố vụ án
Tại cơ quan điều tra, ông TaKao Inami khai để thực hiện công tác giám sát thi công dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi do tổng công ty VEC làm chủ đầu tư, liên danh các nhà thầu tư vấn giám sát dự án đã thành lập văn phòng tư vấn giám sát dự án đặt trụ sở tại TP Đà Nẵng.
Ngày 1/1/2017, ông TaKao Inami chính thức được bổ nhiệm làm tư vấn trưởng kiêm giám đốc văn phòng, đồng thời là giám đốc dự án. Ông TaKao Inami có trách nhiệm tổ chức công tác giám sát, kiểm soát chất lượng thi công cùng các kỹ sư thường trú dự án tại các văn phòng hiện trường và các kỹ sư giám sát. Ông này đã đại diện Nhà thầu tư vấn giám sát ký các biên bản chấp thuận vật liệu nguồn sử dụng cho các gói thầu, các biên bản nghiệm thu chuyển giai đoạn của gói thầu số 7.
Ngày 20/7/2007, ông TaKao Inami thay mặt liên danh tư vấn giám sát ký 7 báo cáo gửi chủ đầu tư dự án, đánh giá công trình xây dựng của 7 gói thầu đã xây lắp dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đảm bảo chất lượng, đề nghị đưa vào khai thác sử dụng.
Ngày 21/7/2017, với tư cách là thành viên hội đồng nghiệm thu cơ sở dự án, ông TaKao Inami đã ký biên bản họp hội đồng nghiệm thu cơ sở đánh giá công trình xây dựng 65km dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đảm bảo chất lượng, đề nghị đưa vào khai thác sử dụng khi có 5/7 gói thầu chưa hoàn thành công tác thi công.
Ông TaKao Inami khẳng định mình là người chịu trách nhiệm chính với công việc của tư vấn giám sát đối với công tác chất lượng của công trình vì ông là người ký vào các báo cáo giám sát và báo cáo cuối cùng trình lên chủ đầu tư về chất lượng công trình, là người chịu trách nhiệm khi chất lượng công trình không đảm bảo cùng với các kỹ sư thường trú, kỹ sư tư vấn giám sát thi công xây dựng các gói thầu thuộc giai đoạn 1 dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
Hiện nay, ông TaKao Inami đang được áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú.
Trong vụ án này, có một số chuyên gia người Nhật Bản, Tây Ban Nha có liên quan tới sai phạm nhưng đã về nước trước khi khởi tố vụ án. Bộ Công an đã có các yêu cầu tương trợ Tư pháp các nước Tây Ban Nha, Nhật Bản đề nghị phối hợp xác minh để làm căn cứ giải quyết vụ án. Đến nay, chưa có kết quả trả lời. Do đó, để đảm bảo tiến độ giải quyết vụ án nên cơ quan điều tra quyết định tách vụ án hình sự liên quan để xử lý sau.