1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Mất xe ô tô vì chủ quan

Xe ô tô là gia tài lớn đối với nhiều gia đình, thế nhưng không ít chủ xe chủ quan cho rằng trộm ô tô khó hơn nhiều so với trộm xe máy. Chính vì tâm lý này đã góp phần tạo điều kiện cho tình trạng trộm cắp xe ô tô có dấu hiệu tăng lên trong thời gian qua.


Xuất hiện những ổ nhóm chuyên nghiệp

Xuất hiện những ổ nhóm chuyên nghiệp

Theo thống kê của Đội Chống tội xâm phạm sở hữu thuộc Phòng Cảnh sát Hình sự - Công an TP Hà Nội, tính từ đầu năm 2014 đến nay trên địa bàn TP Hà Nội đã xảy ra 6 vụ mất trộm xe ô tô.

Mới đây nhất vào ngày 2-5, là trường hợp của anh Nguyễn Hữu Hải trú tại phường Quan Hoa, Cầu Giấy, Hà Nội. Khoảng 23h đêm cùng ngày, anh Hải đi chiếc xe ô tô Toyota Innova BKS: 29A-762.59 đỗ ở trong ngõ ở tại khu vực tập thể Bộ Kế hoạch và Đầu tư thuộc phường Quan Hoa, Cầu Giấy, Hà Nội sau đó về nhà. Khoảng 1 tiếng sau đó, anh Hải từ nhà đi ra thì phát hiện chiếc xe của mình đã biến mất. Sau khi nhận được đơn trình báo của anh Hải, Công an quận Cầu Giấy và Phòng Cảnh sát Hình sự, CATP Hà Nội hiện đang tiến hành điều tra truy tìm hung thủ. 

Không chỉ ở Hà Nội mà trong thời gian gần đây, tại một số tỉnh, thành phố đã liên tiếp xảy ra các vụ trộm cắp xe ô tô có giá trị lớn. Để trộm cắp xe ô tô, kẻ gian đã sử dụng nhiều thủ đoạn mà chủ phương tiện không thể ngờ tới.

Thực tế cho thấy, các vụ trộm cắp xe ô tô đang có chiều hướng gia tăng  và một điều đáng báo động là các đối tượng trộm cắp không chỉ dừng lại ở các cá nhân đơn lẻ mà đã hình thành các ổ nhóm chuyên nghiệp với nhiều thủ đoạn hết sức tinh vi, hoạt động trên địa bàn rộng. Có thể kể đến băng trộm ô tô liên tỉnh táo tợn gồm nhiều đối tượng ở các tỉnh Nam Định và Thái Bình bị Công an tỉnh Thanh Hóa triệt phá trong năm 2013.

Các đối tượng này thường đem theo đồ nghề gồm van phá khóa điện, xà cầy, bình xịt hơi cay, lưỡi lê… đi thành từng nhóm từ 3 đến 4 tên trên một chiếc xe ô tô, lòng vòng qua các tuyến phố, khu đô thị của Hà Nội và các tỉnh như Ninh Bình, Nam Định, Thanh Hóa… Bất kể thời gian, giờ giấc, thậm chí là cả ban ngày, nếu phát hiện xe ô tô nào đỗ ở lề đường không có người trông coi sẽ tìm cách ra tay.

Băng nhóm này thường cử một đối tượng cầm theo lê hoặc dao và bình xịt hơi cảnh giới đồng thời để chống trả nếu bị truy đuổi. Đối tượng thứ 2 ngồi sẵn trên xe ô tô nổ máy nếu bị phát hiện sẽ đưa đồng bọn bỏ chạy. Các đối tượng còn lại sẽ tìm cách mở cửa, phá khóa để ăn trộm xe. Với thủ đoạn này, băng nhóm trên đã gây ra hàng chục vụ trộm cắp xe ô tô tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc gây bức xúc trong dư luận.

Cũng liên quan tới ổ nhóm chuyên hoạt động trộm cắp xe ô tô, ngày 6/6 vừa qua Phòng CSĐT Tội phạm về trật tự xã hội, Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã triệt phá thành công một đường dây trộm cắp xe ô tô liên tỉnh.

Chỉ tính trong khoảng thời gian từ tháng 5/2013 đến tháng 4/2014, các đối tượng này đã lấy trộm được 6 chiếc xe ô tô tại các tỉnh Đồng Nai, Bình Phước, Bình Thuận và Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong đó có 3 chiếc xe đã được làm giả giấy tờ rồi bán cho một đối tượng ở tại Đống Đa, Hà Nội. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã phối hợp với Công an TP Hà Nội thu hồi được tang vật là 1 chiếc xe hiệu Toyota Fortuner và 2 chiếc xe Toyota Innova mà các ổ nhóm này đưa ra ngoài Bắc để tiêu thụ.

Nhận dạng những thủ đoạn tinh vi


Nhận dạng những thủ đoạn tinh vi

Thiếu tá Phan Quang Vinh, Đội phó Đội Chống tội phạm xâm phạm sở hữu - Phòng Cảnh sát Hình sự Công an TP Hà Nội cho biết, các đối tượng ăn trộm xe ô tô thường sử dụng những thủ đoạn hết sức tinh vi và đa dạng.

Tuy nhiên dù có tinh vi, đa dạng đến mức nào thì cũng đều dựa trên sự sơ hở, mất cảnh giác của người dân. Nguyên lý này tuy hết sức đơn giản nhưng không phải ai cũng để ý. Nhiều chủ xe có tâm lý cho rằng sau khi khóa xe là đã an toàn và vô tư vứt xe ở những nơi đường vắng người qua lại, sân chung cư buổi đêm, ngõ tối, khuất tầm nhìn và không có người trông giữ.

Đây chính là nguyên nhân phổ biến nhất trong các vụ mất trộm ô tô. Trường hợp chiếc xe Kia Moring của anh Nguyễn Văn Dũng ở Định Công, Hoàng Mai là một ví dụ. Do thói quen nên anh Dũng không gửi xe vào bãi mà để ở ngay khu vực Đầm Sen, phường Định Công rồi về nhà.

Xe không có người trông giữ, khu vực này lại vắng người qua lại nên khi anh Dũng ra lấy xe thì chiếc xe đã không cánh mà bay. May mắn cho anh Dũng là chỉ một thời gian ngắn sau đó, Công an quận Hoàng Mai đã làm rõ đối tượng trộm cắp là Đỗ Đức Anh (SN 1980), ở tổ 21 phường Định Công. Đức Anh khai nhận, nhiều lần đi qua khu vực này, phát hiện chiếc xe ô tô thường xuyên không có người trông giữ nên đã lấy trộm.

Đối với các đối các đối tượng trộm cắp chuyên nghiêp việc lấy trộm một chiếc xe ô tô là một công việc không mấy khó khăn. Anh Viên chủ gara xe ô tô Viên Lạnh ở khu vực đường Lạc Trung cho biết, đối với những đối tượng có nghề, có kiến thức về xe ô tô chúng có thể có nhiều cách để đột nhập vào trong xe. Muốn kín đáo và chuyên nghiệp chúng có thể tháo ốp chắn bùn ở bánh trước, đoạn gần cửa lái, móc cụm dây điện ra rồi xác định xem dây nào điều khiển mở khóa cửa. Sau đó, chúng sẽ tách dây điện và kiếm một đoạn dây đồng để đấu nối với dây mở chốt cửa.

Một cách khác là có thể sử dụng kinh nghiệm và dụng cụ hết sức đơn giản của một thợ khóa, gồm một con dao cứng có lưỡi mỏng, dây thép nhỏ có độ cứng vừa phải. Kẻ trộm có thể dùng đầu lưỡi dao mỏng lách vào khe tiếp giáp giữa cửa nơi ghế lái và thân xe để tạo ra một khe hở nhỏ. Sau đó chúng sẽ luồn thanh thép nhỏ đã được uốn cong đầu qua khe hở vào chốt khóa để mở cửa. Tất nhiên, phương pháp thủ công này sẽ không áp dụng được với những loại xe hiện đại có chốt khóa được thiết kế một cách tinh vi. Còn đơn giản hơn nữa kẻ gian có thể dùng vật cứng đập vỡ kính hoặc dùng dao kim cương cắt kính bên cửa lái rồi thò tay vào trong bật chốt cửa, sau đó chúng sẽ dùng một chiếc vam phá khóa đa năng phá khóa điện của xe ô tô và tẩu thoát.

Căn cứ vào những vụ trộm ô tô xảy ra trong thời gian gần đây, Thiếu tá Phan Quang Vinh cho biết, một số đối tượng trộm cắp xe ô tô còn nhắm vào đối tượng là những doanh nghiệp cho thuê hoặc mượn xe ô tô. Để thực hiện ý đồ của mình chúng thường lợi dụng việc việc chủ xe tin tưởng giao chìa khóa xe ô tô để đánh thêm một chiếc chìa khóa khác và chờ đợi sơ hở là ra tay hành động.

Điển hình cho trường hợp này là vụ trộm cắp xe ô tô xảy tại phố Hàng Rươi, quận Hoàn Kiếm - Hà Nội đã bị Công an quận Hoàn Kiếm khám phá ngày 25-1 vừa qua. Trong vụ việc, kẻ gian được xác định chính là Nguyễn Thành Trung (SN 1978, HKTT ở tổ 7, phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội) lái xe riêng của người bị hại. Theo khai nhận của Trung, do túng tiền nên hắn nảy sinh ý định trộm cắp xe ô tô của công ty nơi mình đang làm việc. Trung đã tranh thủ đánh thêm chìa khóa “xơ cua” của xe, sau đó theo dõi hoạt động của chủ xe. Khi người này mất cảnh giác, đỗ xe ở ngoài đường, Trung đã sử dụng chiếc chìa khóa phụ này để thực hiện hành vi trộm cắp ô tô.

Nâng cao cảnh giác và ý thức phòng ngừa

Trong rất nhiều vụ trộm xe ô tô trong thời gian qua, có một điểm ít người ngờ đến đó chính là sự tiếp tay một cách vô tình của các chủ xe giúp cho đối tượng trộm cắp thực hiện hành vi của mình một cách dễ dàng hơn.

Theo phân tích của Thiếu tá Phan Quang Vinh, có không ít chủ xe có thói quen chỉ mang theo người chìa khóa điện để khóa cửa xe và vẫn để chìa khóa phụ (để khởi động xe) ở lại trong xe. Điều này không chỉ “khiêu khích” đối tượng có hành vi trộm cắp mà trong một số trường hợp nó còn vô tình giúp kẻ trộm dễ dàng hơn trong việc lấy cắp xe. Thêm một thói quen xấu khác đó là việc cất giữ các loại giấy tờ xe ở ngay trong chiếc xe của mình. Trong trường hợp này, nếu lấy trộm thành công chiếc xe kẻ gian sẽ đàng hoàng tiêu thụ chiếc xe mà không gặp phải khó khăn nào. 

Về con đường tiêu thụ của những chiếc xe gian, theo cán bộ của Phòng Cảnh sát Hình sự ngoài một số ít trường hợp bán lại cho các xưởng cơ khí để mổ xẻ phụ tùng đem bán lẻ, hầu hết những xe gian này đều được các đối tượng tìm cách đưa ra tỉnh ngoài để tiêu thụ. Trong nhiều trường hợp để tránh sự truy tìm của lực lượng chức năng các đối tượng sẽ làm hồ sơ giả cho chiếc xe trên cơ sở đục lại số khung, số máy, sơn lại vỏ ngoài và làm đăng ký mới.

Thiếu tá Phan Quang Vinh cảnh báo, để tránh mua phải những chiếc xe gian lận trong trường hợp như vậy, người dân cần phải tỉnh táo thực hiện các hợp đồng mua bán chính chủ có công chứng theo đúng các quy định của pháp luật. Còn đối với các trường hợp là các công ty vận tải, các doanh nghiệp cho thuê xe cần phải có biện pháp phòng ngừa, đề cao cảnh giác đối trong trường hợp khách hàng thuê xe có những dấu hiệu bất minh.

Để tránh việc chiếc xe ô tô trở thành miếng mồi ngon của kẻ trộm, theo Thiếu tá Phan Quang Vinh, các chủ xe nên gửi xe ô tô của mình ở những nơi có người trông coi hoặc đỗ xe ở những chỗ đông người. Bên cạnh đó cần phải sử dụng các thiết bị báo động hoặc một số công cụ thiết bị bảo vệ khác như thiết bị ngăn chặn khởi động xe, khóa vô lăng, ngăn ống dẫn nhiên liệu hay chìa khóa thông minh. Ngoài ra, nếu có điều kiện, chủ xe nên lắp thêm những thiết bị định vị GPS trong xe của mình.

Điều này sẽ giúp các cơ quan chức năng có thể nhanh chóng phát hiện được dấu vết nếu như chiếc xe không may bị kẻ gian lấy đi.

Theo Thu Huệ
An Ninh Thủ Đô