Hà Nội:
Mập mờ, giả danh doanh nghiệp Quân đội để lừa đảo
Trước và sau khi "siêu lừa" Nguyễn Anh Quân, trú tại đường Đặng Thai Mai, phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội bỏ trốn và bị bắt tại Mỹ theo quyết định truy nã quốc tế, dư luận đặt nhiều câu hỏi xung quanh những thủ đoạn phạm tội của đối tượng này.
Với nền tảng kinh doanh của gia đình, cách đây hơn 10 năm, Nguyễn Anh Quân đã được bố đẻ giao cho làm Giám đốc Chi nhánh Công ty Du lịch và Khách sạn Vĩnh Phúc tại Hà Nội.
Dù không được ký hợp đồng với đối tác, nhưng Quân vẫn sử dụng pháp nhân công ty của bố mình ký hợp đồng bán cho Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Tiến Hòa 120 xe máy Honda Win 100, trị giá hơn 2,7 tỷ đồng. Không có xe giao cho bên mua, Quân đánh bài "chuồn".
Con đường "thoát hiểm" mà Quân chọn khi đó là trốn sang Lào qua cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh), nhưng chưa sang được nước bạn thì bị bắt. Tòa sơ thẩm Tòa án nhân dân TP Hà Nội tuyên phạt Quân 3 năm tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản của công dân", Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân Tối cao giảm án xuống còn 2 năm tù giam.
Ngay từ năm 2008, tức là sau 2 năm khi có quyết định giao đất của UBND TP Vĩnh Yên (tỉnh Vĩnh Phúc) cho Quân thực hiện "dự án trang trại", đối tượng này đã có ý định "đào tẩu" khi liên tục có đơn xin nhập cảnh vào Mỹ.
Trong đơn, Quân "ém" việc đã từng chấp hành mức án 2 năm tù giam, để lý lịch được sạch sẽ. Chính sự gian dối này, mà ngay sau khi bị bắt tại Mỹ theo quyết định truy nã của Interpol, luật pháp Hoa Kỳ sẽ đưa Quân ra xét xử về tội gian dối. Sống trong thời đại thông tin, mà đến nước này, Quân "cãi chày cãi cối": không khai việc bị kết án, vì chỉ liên quan đến pháp luật dân sự Việt Nam?!
Trở lại "dự án trang trại" gây đình đám dư luận, vì liên quan đến một số cán bộ chủ chốt của TP Vĩnh Yên và tỉnh Vĩnh Phúc, năm 2006, Quân muốn xin đất tại phường Đồng Tâm, TP Vĩnh Yên để làm khu đô thị mới, nhưng lại nhờ một số hộ gia đình đứng tên, xin giao 25,5ha đất để làm "trang trại".
Sau khi có quyết định giao đất, Quân đã bán trao tay số đất này cho một doanh nghiệp khác. Cũng trong thời gian này, Nguyễn Anh Quân với tư cách là Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Đá quý Thế giới làm thủ tục nhập khẩu 34 chiếc xe ôtô du lịch vào Việt Nam qua cửa khẩu cảng biển Hải Phòng.
Theo hồ sơ nhập khẩu mà doanh nghiệp trình báo thì lô hàng này được miễn thuế nhập khẩu để phục vụ dự án tại thị trấn huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc theo giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư. Nhưng khi kiểm tra thực tế thì lô hàng 34 chiếc xe ôtô nằm trong danh mục phải nộp thuế.
Lúc này, Công ty TNHH Đá quý Thế giới nại lý do không có tiền nộp thuế và xin "tái xuất", song thực chất là đem cho thuê và đem bán cả lô xe cho doanh nghiệp khác. Đến nay, Công ty TNHH Đá quý Thế giới còn nợ thuế nhập khẩu hơn 55 tỷ đồng.
Đến bây giờ, chúng tôi cũng chưa biết đích xác Nguyễn Anh Quân đã nắm giữ bao nhiêu chức vụ trong nhiều doanh nghiệp mà Quân tham gia; nhưng có một doanh nghiệp mà Quân rất khuyếch trương danh xưng "Tổng giám đốc" của mình, đó là Công ty cổ phần BETA BQP, có trụ sở tại phố Phạm Ngũ Lão, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Khi đặt tên doanh nghiệp này, Quân đã chủ định thêm chữ "BQP" vào tên công ty, mà khi đọc, ai cũng suy đoán theo hướng ba chữ viết tắt của cụm từ "Bộ Quốc phòng"; về mặt pháp lý thì đó là 3 chữ cái vô thưởng vô phạt, không ai có thể cấm khi sử dụng làm tên cho doanh nghiệp.
Điều "nhạy cảm" thứ hai là trụ sở doanh nghiệp lại được đặt trên phố Phạm Ngũ Lão, một phố "nhà binh", nơi có bản doanh của Quân khu Thủ đô (trước đây) và Nhà khách Bộ Quốc phòng hiện nay.
Chính vì sự "mập mờ" trong tên gọi, địa điểm, cộng với những thủ đoạn gian dối khác, Quân đã làm cho các đối tác lầm tưởng Công ty cổ phần BETA BQP là của Bộ Quốc phòng.
Sau đó, Quân tung tin với các đối tác Công ty cổ phần BETA - BQP đang là nhà đầu tư thứ phát tại Dự án phát triển khu đô thị mới Thanh Hà A - Hà Nội của Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 5 để lừa đảo, chiếm đoạt tiền của nhiều bị hại đã đầu tư mua nhà, đất tại dự án với số tiền chiếm đoạt lên đến hơn 502 tỷ đồng. Số tiền này được Quân sử dụng vào việc chi dùng cá nhân không liên quan gì đến việc đầu tư vào dự án Thanh Hà A - Hà Nội. Đây chỉ là thủ đoạn lừa đảo của Quân mà thôi.
Quá trình thu thập tài liệu về Nguyễn Anh Quân, Công an TP Hà Nội được biết Công ty cổ phần BETA BQP không phải là doanh nghiệp do Bộ Quốc phòng quản lý và Nguyễn Anh Quân - Tổng Giám đốc Công ty BETA BQP không thuộc biên chế của một Tổng cục nào thuộc Bộ Quốc phòng.
Trước những vi phạm của Quân liên quan đến "dự án trang trại" tại phường Đồng Tâm, TP Vĩnh Yên, ngày 23/12/2011, cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam đối với Nguyễn Anh Quân. Do Quân đã trốn khỏi nơi cư trú, nên cơ quan CSĐT Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã ra quyết định truy nã.
Tiếp đó, vì Quân là đối tượng chính trong vụ án lừa đảo bán đất đai tại dự án Thanh Hà A - Hà Nội, cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã khởi tố bị can, ra lệnh bắt giữ đối với Quân. Nhưng Quân đã trốn ra nước ngoài nên cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã ra quyết định truy nã.
Hiện Quân đã bị cơ quan chức năng Hoa Kỳ bắt giữ theo lệnh truy nã đỏ. Đồng thời chờ xử lý vì khai báo gian lận để vào Mỹ. Xung quanh việc bỏ trốn của Nguyễn Anh Quân, đã có nhiều luồng dư luận trái chiều.
Nhưng thực tế Quân đã trốn bằng đường bộ sang Lào; để từ đó tiếp tục trốn sang Đức và Hoa Kỳ. Tuy nhiên, nhiều khả năng, sau khi chịu án phạt bởi pháp luật Hoa Kỳ, Nguyễn Anh Quân sẽ được trao trả cho phía Việt Nam xử lý theo quy định của pháp luật