1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Mạo nhận dự án của mình để kêu gọi góp vốn rồi chiếm đoạt tiền

Xuân Sinh

(Dân trí) - Khi cơn sốt đất bùng lên, nhiều người lao vào như con thiêu thân mong kiếm lời. Nhưng khi cơn sốt đi qua, nhiều người đã trở thành tội phạm với tội danh lừa đảo.

Cuối năm 2021 đầu năm 2022, Hà Tĩnh trải qua cơn "sốt đất" chưa từng có trong vòng 10 năm qua. Thời điểm ấy, từ nông thôn đến thành thị, nơi đâu cũng thấy cảnh người người đổ xô đi xem đất, mua đất, buôn bất động sản. Tuy nhiên, cơn "sốt đất" đi qua, nhiều người rơi vào cảnh nợ nần, có người thành tội phạm.

Mới đây, Công an tỉnh Hà Tĩnh đã khởi tố, bắt hàng loạt đối tượng về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản liên quan đến đất đai.

Mạo nhận dự án của mình để kêu gọi góp vốn rồi chiếm đoạt tiền - 1

Mai Chí Phương, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Huy Đoàn Hưng tại cơ quan điều tra (Ảnh: Công an Hà Tĩnh).

Cụ thể, vào đầu tháng 11, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Hà Tĩnh nhận được đơn của bà N.T.T., trú tại thành phố Hà Tĩnh, tố cáo Mai Chí Phương (SN 1988), Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Huy Đoàn Hưng (trụ sở đóng tại , thành phố Hà Tĩnh), cùng vợ là Võ Thị Thành (SN 1990), có hành vi lừa đảo chiếm đoạt số tiền hàng chục tỷ đồng.

Theo bà T., khoảng tháng 9, vợ chồng Mai Chí Phương liên hệ với bà để thông tin về một số dự án khu dân cư tại xã Thạch Đài (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) mà công ty của họ vừa trúng thầu.

Để tạo lòng tin, bà T. được 2 vợ chồng Phương dẫn đi thực địa tại các khu dân cư đang thi công dở dang và cho biết, dự án đang cần đẩy nhanh tiến độ, song vốn chưa về kịp. Phương đề nghị bà T. cùng góp vốn. Vì là chỗ làm ăn thân thiết, sau đó bà T. đã nhiều lần chuyển tiền cho hai vợ chồng Phương hàng chục tỷ đồng.

Mạo nhận dự án của mình để kêu gọi góp vốn rồi chiếm đoạt tiền - 2

Thời điểm sốt đất, từ thành thị đến nông thôn, từng đoàn người đổ xô đi săn lùng đất để kiếm lời (Ảnh: Xuân Sinh).

Tuy nhiên, sau đó nhiều lần bà T. hỏi về tiến độ dự án thì cả hai vợ chồng đều trả lời ậm ờ, trốn tránh. Nghi ngờ, bà đến chính quyền tìm hiểu thì mới ngã ngửa, những dự án đó là có thật nhưng không phải do Công ty TNHH Huy Đoàn Hưng trúng thầu. Đòi lại tiền không được, bà T. đã làm đơn tố cáo gửi đến cơ quan công an.

Vào cuộc điều tra, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an Hà Tĩnh còn phát hiện, ngoài bị hại N.T.T., còn có nhiều người khác là nạn nhân của hai vợ chồng Phương. Ngày 27/11, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hà Tĩnh đã khởi tố bị can đối với Mai Chí Phương và Võ Thị Thành về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Tại cơ quan điều tra, bước đầu Phương và vợ khai nhận, do bị hút vào cơn sốt đất hồi đầu năm, hai vợ chồng đã gom hết vốn liếng để đầu tư vào đất đai.

Đến lúc thị trường bất động sản hạ nhiệt quá nhanh, không kịp trở tay nên thua lỗ, cần tiền để trả các khoản nợ, nên hai vợ chồng đã thống nhất đưa các thông tin gian dối về việc Công ty TNHH Xây dựng Huy Đoàn Hưng đang thực hiện một số dự án khu dân cư để kêu gọi đầu tư, góp vốn.

Số tiền chiếm đoạt được, vợ chồng Phương đã sử dụng để trả nợ cho nhiều người và chi vào nhiều mục đích khác nhau, đến nay không còn khả năng trả nợ.

Mạo nhận dự án của mình để kêu gọi góp vốn rồi chiếm đoạt tiền - 3

Phạm Thị Oanh bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Hà Tĩnh ra quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam để điều tra về hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" (Ảnh: Công an Hà Tĩnh).

Hay như trường hợp của Phạm Thị Oanh (SN 1981, trú tại xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) cũng bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Hà Tĩnh ra quyết định khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam để điều tra về hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" vào đầu tháng 10/2022.

Do trước đó, đối tượng này vay tiền với lãi suất cao để mua bán đất, nhưng sau đó thị trường bất động sản "đóng băng" dẫn tới thua lỗ và không còn khả năng trả nợ. Bị chủ nợ thúc ép, Oanh đã tìm gặp nhiều người, với chiêu bài kêu gọi góp tiền mua đất được trả tiền lãi trước. Đồng thời, đối tượng này hứa hẹn khi bán được đất sẽ thu về lợi nhuận cao, qua đó lừa của nhiều người, chiếm đoạt số tiền hơn 2,7 tỷ đồng.

Anh N.H.P., giám đốc một công ty bất động sản ở Hà Tĩnh cho biết, cuối năm 2021 đầu năm 2022 là thời điểm "sốt đất". Trước đó, vào những năm 2011-2012 cũng diễn ra tình trạng tương tự. Đây là tình trạng "sốt đất ảo", bị những nhóm người môi giới đẩy giá trong một thời gian ngắn.

"Tình trạng sốt đất vừa qua chỉ kéo dài khoảng hơn 5 tháng. Khi thấy giá đất tăng lên từng ngày, nhiều nhà đầu tư không có hoặc chỉ có ít tiền mặt, rồi đi vay thêm tiền để đổ vào "ôm đất, lướt sóng". Nhưng chưa kịp bán thì cơn sốt đất qua đi. Tiền sẽ nằm ở đất, bán thì không ai mua, đồng thời khi lãi suất tăng lên thì rất khó có khả năng để trả lãi, dẫn tới vỡ nợ", anh P. chia sẻ.

Theo Công an tỉnh Hà Tĩnh, từ tháng 6/2022 tới nay, đơn vị này đã nhận được rất nhiều đơn thư của các bị hại, là nạn nhân trong các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến đất. Điểm chung của các vụ việc là đối tượng "bể" do ôm nhiều bìa đỏ trong đợt đất sốt, mục đích là để "lướt sóng" kiếm lời.