Mảnh đời bất hạnh của tên cướp 9x
Bao năm qua, dẫu có đói khổ, nhưng nó không bao giờ chạm vào tiền cho thuê nhà mà để dành cho em ăn học nên người. Dẫu sao, đó cũng là phần "người" rất đáng ghi nhận của một kẻ tội phạm…
Bố nghiện ma túy, mẹ bỏ đi từ nhỏ, Học bước ra xã hội mưu sinh từ năm 12 tuổi. Cuộc sống lang bạt, giang hồ không làm nó gục ngã. Nhưng khi đã trưởng thành, đoàn tụ cùng mẹ, nó lại bước theo "vết xe đổ" của bố. Nó bảo biết sai lầm thì đã muộn.
Nguyễn Văn Học.
Ngày 1/9 vừa qua, Công an quận Ba Đình (Hà Nội) cho biết vừa điều tra, khám phá ổ nhóm chuyên cướp tài sản của lái xe taxi trên địa bàn Hà Nội, bắt giữ 2 đối tượng gồm Nguyễn Văn Học (23 tuổi) ở Cống Vị, Ba Đình và Nguyễn Tuấn Anh (36 tuổi) ở Đình Xuyên, Gia Lâm, Hà Nội.
Tại Cơ quan điều tra, các đối tượng khai nhận do nghiện ma túy nên đã bàn nhau đi cướp tài sản của lái xe taxi. Học là người gọi taxi, còn Tuấn Anh đi xe máy bám theo phía sau. Khi đến đoạn đường vắng, hai đối tượng cùng nhau khống chế, cướp tài sản của lái xe.
Với thủ đoạn trên, khoảng 1 giờ 15 phút ngày 16/8, Học đã thuê taxi Hãng VIC do anh Phạm Văn Phong điều khiển, đi từ ngõ 92 Đào Tấn đến Phúc Xá. Trên đường đi, Học vờ mượn điện thoại của anh Phong để gọi cho người thân đón, thực chất là gọi cho Tuấn Anh hẹn địa điểm cướp tài sản. Khi anh Phong lái xe đến gần chợ Long Biên, Tuấn Anh đi xe máy chờ sẵn ở đó. Trên xe, Học dùng tay ghì cổ anh Phong vào ghế lái, đấm vào mặt rồi cướp 1 điện thoại Nokia 1208, 700.000 đồng rồi lên xe máy của Tuấn Anh bỏ chạy.
Qua đấu tranh, Tuấn Anh và Học còn khai nhận khoảng 2 giờ ngày 22/8, Học thuê taxi của anh Phạm Văn Đạo, lái xe taxi Hãng Thành Công chở từ phố Nguyễn Thái Học đến ngõ 76 An Dương. Học đánh anh Đạo, cướp 1 điện thoại Nokia và 300.000 đồng rồi lên xe máy của Tuấn Anh chờ sẵn tẩu thoát.
Cơ quan CSĐT Công an quận Ba Đình đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Văn Học và Nguyễn Tuấn Anh về tội "Cướp tài sản", tiếp tục mở rộng vụ án.
Theo điều tra viên Đội Điều tra hình sự, Công an quận Ba Đình, thì việc Cơ quan Công an điều tra, bắt giữ sớm được Nguyễn Văn Học và Nguyễn Tuấn Anh, đã góp phần quan trọng ngăn chặn được hành vi nguy hiểm của 2 đối tượng này. Ai dám chắc một khi lên cơn nghiện ma túy, 2 con nghiện này sẽ không sử dụng hung khí?
Những vụ ban đầu có thể chỉ đơn giản là đe dọa, dùng tay chân đánh lái xe taxi. Nhưng trường hợp nếu bị lái xe chống cự hoặc hô hoán, cơn nghiện thúc ép, rất có thể các đối tượng sẽ gây ra những vụ án nghiêm trọng, nguy hiểm đến tính mạng của người bị hại.
Nước mắt đắng của tên cướp
Thân hình cơ bắp, chuyên ra tay đánh đòn "phủ đầu" các lái xe taxi để cướp tài sản, vậy mà khi ngồi trước mặt điều tra viên, Nguyễn Văn Học mếu máo như một đứa trẻ. Nhất là khi nhắc đến gia đình, bố mẹ thì Học gục xuống bàn, khóc nấc lên từng chặp.
Trong ký ức của Học, gia đình chỉ là những mảnh vỡ sắc nhọn. Năm Học lên 6 tuổi thì bố mẹ bỏ nhau. "Mẹ cháu bỏ đi từ đó đến giờ, chỉ có 2 anh em ở với bố. Năm 12 tuổi bố cháu mất, chỉ còn 2 anh em ở với nhau" - Học sụt sịt.
Ký ức về người cha nghiện ma túy, sau khi mẹ nó bỏ đi, chỉ là những trận đòi roi lên 2 đứa con nhỏ, mà theo Học là để "quay" tiền bà nội nó. Nghĩa là mỗi khi lên cơn nghiện, bố nó mang 2 anh em ra đánh cho bà nội xót cháu, phải đưa tiền cho con trai để mua ma túy. Học chỉ học hết lớp 3. Thế nhưng nó không biết chữ vì học dốt quá. Cô giáo cho nó lên lớp, vì chẳng lẽ cứ để nó ngồi mãi ở lớp 1. Nó chỉ biết vẽ tên của nó lên giấy mà không hề biết đọc, biết viết.
Sau khi bố mất, nó lang thang, xin vào đoàn xiếc môtô bay ở khu vực Công viên Thống Nhất kiếm sống. Nó làm tất cả các việc vặt, để đổi lấy cơm ăn hàng ngày. Nó bảo tự lo được thân. Còn nhà cho thuê lấy tiền cho đứa em gái ăn học.
Khoảng hơn 1 năm nay, Học bỏ đoàn xiếc, dạt ra chợ Long Biên mưu sinh. Nó xin làm bốc vác hàng trong chợ. Công việc chính của nó làm vào ban đêm, khi xe ôtô chở nông sản từ các tỉnh đổ về. Nó bảo lương tháng không dư dật, nhưng cũng đủ nuôi thân. Thời gian làm trong đoàn xiếc, nó quen bưng bê, mang vác những vật nặng, lại chịu khó tập tành nên thể lực tốt, người nở nang như lực sĩ. Có lẽ vì có sức khỏe nên khi bập vào ma túy, nhìn nó vẫn khỏe mạnh chứ không gầy còm, lẩy bẩy như mấy tay nghiện nặng.
Nó bảo cũng mới chỉ dính vào ma túy mấy tháng nay, từ khi nó quen với vợ chồng Nguyễn Tuấn Anh. Tuấn Anh làm con nuôi một gia đình ở Đình Xuyên, Gia Lâm nhưng cũng bỏ nhà dạt đến chợ Long Biên đã nhiều năm nay. Cả hai vợ chồng Tuấn Anh đều nghiện ma túy nặng, lại bị HIV giai đoạn cuối. Vợ chồng Tuấn Anh không có nhà, sống nhờ trên chiếc thuyền ở xóm thuyền chài thuộc phường Phúc Xá. Hàng ngày, Tuấn Anh mượn được chiếc xe máy ra cổng chợ Long Biên kiếm thêm cuốc xe ôm. Tiền kiếm được chẳng đủ để một con nghiện nặng như thế thỏa mãn.
Nguyễn Văn Học khai rằng, ban đầu quen nhau, vợ chồng Tuấn Anh mời nó hít ma túy. Học sợ vì nghĩ đến cái cảnh bố nó ngày xưa từng vật vã, từng đánh đập mẹ con nó, bán hết đồ đạc trong nhà, rồi cuối cùng chết vì nghiện. Thế nhưng mời mãi rồi nó cũng thấy xuôi xuôi, thử cảm giác xem sao.
Một vài lần thành nghiện. Lương "cửu vạn" của nó một đêm không đủ tiền mua thuốc. Nên khi nghe Tuấn Anh bàn kế hoạch cướp tài sản của lái xe taxi, Học đồng ý ngay. Nhờ to khỏe nên Học nhận nhiệm vụ vẫy taxi, điều đến đoạn vắng thì ra tay đánh để cướp tài sản. Còn Tuấn Anh đi xe máy phía sau hỗ trợ, đợi Học cướp tài sản xong thì chở nhau đi trốn.
Hỏi Học có giận mẹ không, khi mẹ nó bao nhiêu năm bỏ bẵng các con, để nó và em vất vả tự chăm nhau. Nó lại òa khóc như một đứa trẻ. Nó bảo ngày xưa thì giận mẹ lắm, nhưng giờ lớn rồi, nó không giận nữa mà thương mẹ nhiều lắm. Nó bảo mẹ nó khổ quá mới bỏ đi. Từ khi nó ra chợ Long Biên làm "cửu vạn", nó thấy thương mẹ nhiều hơn. Mẹ nó mở quán nước chè chén ở ven chợ mưu sinh. Nó đi làm đêm, ngày về chỗ mẹ ở ăn cơm. Nó bảo dạo này mẹ nó không được khỏe như trước.
Thỉnh thoảng, nó thấy mẹ ôm bụng quằn quại kêu đau. Nhưng hỏi mẹ bị bệnh gì, mẹ nó nhất định không nói, cũng không đi khám bệnh. "Cháu biết mẹ cháu thương con nên giấu bệnh, không cho chúng cháu biết. Cháu thấy có lỗi với mẹ cháu. Cháu làm mẹ cháu khổ thêm". Học cúi mặt, đưa tay lên quệt nước mắt.
Sám hối muộn màng
Chợ Long Biên, khu chợ đầu mối giữa lòng Hà Nội được ví như một xã hội thu nhỏ. Bà H., chủ quán nước chè chén vỉa hè, mẹ của Nguyễn Văn Học là một trong số hàng trăm, hàng nghìn số phận từ nơi khác phiêu bạt tới, mưu sinh tại khu chợ đầu mối sầm uất nhất giữa lòng Hà Nội này.
Đối tượng Nguyễn Văn Học tại Công an quận Ba Đình.
Dường như cuộc sống giang hồ đã lấy đi hết nước mắt của người đàn bà này. Hỏi chuyện gia đình, bà H. bảo, có 7 anh chị em tất cả nhưng giờ thì "chết hết rồi". Cái chết của những người thân thích được bà H. kể một cách hết sức bình thản như chuyện đã rồi.
Bà H. là thứ 6 trong số 7 anh chị em. Giờ chỉ còn lại bà H. và người mẹ già gần 90 tuổi. Bà H nói trước kia cũng có nhà ở Nghĩa Dũng. Nhưng 5 người con trai bắt mẹ phải bán nhà để chia cho mỗi đứa một ít. Thế là bán. Thế là thành không có nhà. Bà H. đón mẹ già về ở cùng.
Số phận long đong cũng không cho bà H. một mái ấm yên ổn. Bà H. lấy bố thằng Học là người chồng thứ 2. Lúc đó bà H. buôn bán thịt lợn ở chợ Cống Vị. Bố thằng Học chẳng làm gì. Một mình bà H. chèo chống nuôi cả nhà.
Bà H kể thời gian đầu, cả nhà ở chung với mẹ chồng. Nhà bà nội của thằng Học trước nhiều đất lắm. Một dải đất hàng nghìn mét vuông từ đầu ngõ đến cuối ngõ. Nhưng rồi các con cũng bán hết. Bà H. xin mẹ chồng mảnh đất ao cuối ngõ, san lấp dựng được ngôi nhà 2 tầng gần 60m2. Nhưng nhà vừa xây xong thì vợ chồng chia tay.
Nguyên nhân theo bà H, vì bố thằng Học nghiện ma túy nặng. Tiền đi chợ về không đủ để bố thằng Học hút hít. Mỗi lần lên cơn vật, bố thằng Học lại lôi mẹ nó ra đánh.
"Ra tòa, tôi nhận nuôi thằng Học và em gái nó. Tôi thuê nhà ở An Dương, đưa con về ở nhưng bố nó đến bắt 2 con về. Mục đích là muốn vòi tiền của tôi. Mỗi lần tôi muốn thăm con, phải đưa cho bố nó 500.000 đồng" - bà rơm rớm nước mắt khi lý giải nguyên nhân tại sao sau khi ly hôn, bà không nuôi 2 anh em thằng Học. "Có đưa tiền cho bố nó thì các con cũng chẳng được gì nên khi nào bố nó đi vắng tôi mới lén về nhà, gửi tiền cho mẹ chồng nhờ chăm các cháu. Nhưng bố nó cũng biết. Tôi về, bố nó lại sang gây sự với bà, bắt đưa tiền. Nếu không đưa, bố nó mang 2 đứa trẻ ra đánh cho bà nội xót cháu phải chi tiền ra".
Người đàn bà lặng lẽ thở dài: "Hồi ly hôn bố thằng Học, lẽ ra tôi nhận nuôi các con thì được chia nửa ngôi nhà. Nhưng tôi không đòi chia mà chấp nhận đi thuê nhà, là bởi tôi biết nếu cái nhà đó chia đôi, bố nó nghiện như thế trước sau cũng bán nhà đi. Như thế mà mất hết, con cái cũng chẳng được gì. Nên tôi bàn với mẹ chồng viết di chúc để lại ngôi nhà đó cho 2 anh em thằng Học. Sau này tôi được anh chồng cho biết mẹ chồng tôi đã viết di chúc gửi Hội Phụ nữ phường. Đợi khi nào 2 anh em thằng Học trưởng thành hết, người ta sẽ chuyển di chúc đó cho các cháu".
Mấy năm sau khi ly hôn, bố thằng Học bị bắt và đi tù ở trại Tân Kỳ (Nghệ An) về tội ma túy rồi chết trong trại giam. Thời gian đầu bà H. về nhà cũ ở chung với các con. Nhưng anh chị em trong nhà không hòa hợp nên bà H. lại đi thuê nhà, mang theo em gái thằng Học. Thằng Học bảo ở lại trông nom nhà cửa nên không theo mẹ. Nó ở một phòng tầng một, nơi có bàn thờ bố. Còn tầng trên cho thuê lấy tiền nuôi em gái ăn học.
Bà H. kể, nhờ có tiền thuê nhà, em gái Học giờ đang học cao đẳng. Từ khi Học ra chợ Long Biên làm, mẹ con mới có thời gian gần gũi nhau hơn. "Khoảng 2 tháng nay, tôi thấy nó có biểu hiện lạ của người nghiện ma túy. Tôi gặng hỏi nó, bảo nó nếu con lỡ dính vào thì để mẹ cai nghiện cho con. Mẹ sẵn sàng ở nhà hầu con, để con cai bằng được, chứ không như bố thì khổ lắm. Nó gạt phắt đi, bảo mẹ không phải lo. Sau đó thấy nó vẫn đi làm đều đặn, cũng không xin tiền, không lấy trộm đồ, cũng không lấy tiền thuê nhà tiêu nên yên tâm. Nào ngờ…" - bà H. thở dài.
Chiều muộn. Những hộ kinh doanh trong chợ Long Biên hối hả dọn hàng. Những người đàn ông, đàn bà làm công việc "cửu vạn", gánh hàng thuê cũng vội vã làm nốt việc để trở về nhà. Chỉ sau bữa cơm tối, ngả lưng vài tiếng là họ đã phải ra chợ. Khi thành phố đi ngủ thì cuộc sống hối hả ở khu chợ đầu mối Long Biên dường như mới bắt đầu. Nếu như không dính vào ma túy thì Nguyễn Văn Học đã có mặt cùng những người lao động ở chợ. Cuộc mưu sinh tuy vất vả nhưng vẫn là cuộc sống của người lương thiện. Tự lập kiếm sống từ nhỏ, nhưng đến lúc trưởng thành, Học đã không vượt qua được cám dỗ của ma túy, để rồi tự đưa chân vào con đường phạm tội.
"Cháu thương em gái cháu lắm. Mỗi khi cháu ốm, chỉ có em gái ở bên cạnh chăm cháu. Cháu có đói cũng không chạm vào số tiền thuê nhà đó, để em cháu được ăn học nên người. Nếu cô gặp em cháu, cô cho cháu gửi lời xin lỗi em. Anh sai lầm rồi em ạ. Em hãy cố gắng học tốt nhé. Cháu chỉ nhắn thế thôi". Thằng Học nức nở nhờ tôi chuyển lời tới em gái nó, trước khi bước vào nhà tạm giam.
Giá như nó kịp tỉnh ngộ sớm hơn…