1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Màn tranh luận “nảy lửa” tại phiên xử 6 quan chức đường sắt

(Dân trí) - Các luật sư bào chữa cho các bị cáo cho rằng thân chủ của mình không phạm tội hoặc bị truy tố ở khung quá nặng, từ đó đề nghị HĐXX tuyên vô tội hoặc trả hồ sơ điều tra bổ sung. Đáp lại, đại diện Viện KSND TP Hà Nội chỉ rõ hành vi phạm tội của từng bị cáo và hậu quả các bị cáo gây ra.

Luật sư đề nghị tuyên… vô tội!

Sau phần luận tội của đại diện Viện KSND TP Hà Nội, các luật sư bắt đầu tranh luận, đối đáp, đưa ra các quan điểm bào chữa cho thân chủ của mình. Nhiều luật sư đồng quan điểm với nhau cho rằng, vụ án này không có nguyên đơn dân sự, phía JTC không có đơn yêu cầu thu hồi số tiền đã giao cho RPMU nên không có căn cứ để truy tố các bị cáo.

Ngoài ra, các luật sư cho rằng, hành vi của các bị cáo không gây ra hậu quả, không làm thiệt hại đến Nhà nước; việc gây ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản khó có thể xác định được hậu quả.

Các luật sư tranh luận trước tòa.
Các luật sư tranh luận trước tòa.

Luật sư bào chữa cho bị cáo Phạm Hải Bằng cho rằng, hành vi của các bị cáo chưa gây hậu quả thì không cấu thành tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Số tiền 11 tỷ đồng là khoản chi hợp lý đối với bất kỳ doanh nghiệp nào và số tiền này đã có sự thỏa thuận giữa RPMU và JTC.

“Vụ án không xác định được bị hại thì không thể buộc các bị cáo phải có trách nhiệm bồi thường.” - luật sư bào chữa cho Phạm Hải Bằng nêu quan điểm và đề nghị HĐXX trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Đồng quan điểm trên, luật sư bào chữa cho bị cáo Trần Văn Lục cho rằng, trong vụ án này không có nguyên đơn dân sự, phía JTC cũng không yêu cầu bồi thường thiệt hại. Số tiền 11 tỷ đồng do JTC tự nguyện “ủy quyền” cho RPMU giải quyết một số việc như họp hành, lễ ký hợp đồng…

Đối với khoản tiền 100 triệu đồng Bằng “chúc Tết” Lục, bị cáo Lục và luật sư đều cho rằng đó là món quà “tình cảm” của Bằng. Đó là món quà thể hiện sự tôn trọng lễ nghi, tôn sư trọng đạo vì Trần Văn Lục có công trong việc dạy dỗ, dìu dắt Phạm Hải Bằng từ ngày mới ra trường. Ngoài ra, luật sư cũng cho rằng, Trần Văn Lục không biết về nguồn gốc số tiền được biếu.

Từ đó, luật sư bào chữa cho Trần Văn Lục cho rằng không có cơ sở để truy tố thân chủ mình về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Luật sư bào chữa cho Nguyễn Văn Hiếu lại đề nghị HĐXX tuyên bị cáo Hiếu không phạm tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hành trong khi thi hành công vụ”. Theo phân tích của luật sư này, việc các bị cáo Bằng, Huy, Thái nhận tiền của JTC diễn ra trước khi Hiếu quản lý chức vụ Giám đốc RPMU, nằm ngoài khả năng quản lý của Hiếu.

Cũng theo vị luật sư này, lời khai của bị cáo Bằng và bị cáo Thái trong việc báo cáo Hiếu việc sử dụng tiền của JTC có mâu thuẫn, không có sự thống nhất trong việc đưa số tiền 50 triệu đồng cho bị cáo Hiếu.

Đồng tình với việc truy tố các bị cáo theo tội danh ở Điều 281 Bộ luật Hình sự, song luật sư bào chữa cho Nguyễn Nam Thái cho rằng, các cơ quan tố tụng chỉ cần truy tố thân chủ của mình ở khoản 1 Điều 281 (có mức án tối đa 5 năm tù) là đủ sức răn đe, thay vì khoản 3 (có mức án tối đa đến 15 năm tú) như cáo trạng truy tố.

“Hành vi của bị cáo Thái không thể nói là gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Bị cáo tham gia vào vụ việc ở giai đoạn cuối, giữ vai trò thứ yếu, phạm tội lần đầu, có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác.” -  luật sư phân tích và đề nghị HĐXX xem xét các tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo Thái, xét xử bị cáo từ 1-2 năm tù nhưng cho hưởng án treo.

Viện KSND “vạch tội” các bị cáo

Đối đáp lại quan điểm bào chữa của các luật sư, hai vị đại diện Viện KSND TP Hà Nội cho rằng, các luật sư có nhiều quan điểm bào chữa giống nhau nên đại diện Viện KSND sẽ tranh luận theo từng vấn đề, không đối đáp với từng luật sư.

Trước quan điểm của các luật sư cho rằng, vụ án này không có nguyên đơn dân sự, không có căn cứ để truy tố các bị cáo, đại diện Viện KSND một lần nữa khẳng định, ngay từ đầu, vụ án đã không xác định JTC là nguyên đơn dân sự. Việc khởi tố, xét xử xuất phát từ đề nghị từ chính quyền Nhật Bản, sau khi phía bạn đã xét xử vụ án liên quan đến JTC trong việc cạnh tranh không lành mạnh.

Đại diện Viện KSND TP Hà Nội nêu quan điểm đối đáp với các luật sư.
Đại diện Viện KSND TP Hà Nội nêu quan điểm đối đáp với các luật sư.

“Các luật sư cho rằng hành vi của các bị cáo không làm ảnh hưởng đến quan hệ giữa hai nước. Thực tế, chính quyền Nhật Bản xác định đây là sự việc nghiêm trọng, ảnh hưởng đến quan hệ hai nước, ảnh hưởng đến chính sách ODA của nước bạn. Sau khi xét xử JTC về hành vi cạnh tranh không lành mạnh, chính quyền Nhật đã đề nghị Việt Nam nếu sự việc đúng như báo chí phản ánh thì rất nghiêm trọng, cần xử lý nghiêm.” - đại diện Viện KSND nêu quan điểm và cho rằng, hành vi của các bị cáo đã gây ảnh hưởng đến chính sách ODA của Nhật Bản tại thời điểm sự việc xảy ra.

“Cáo trạng truy tố là có căn cứ. Việc đưa các bị cáo ra xét xử là để Chính phủ Nhật Bản ghi nhận, tạo lòng tin phía nước bạn.” - đại diện Viện KSND khẳng định.

Đối với quan điểm của các bị cáo và luật sư cho rằng khoản chi phí 11 tỷ đồng nhận từ JTC là hợp lý, đại diện Viện KSND đã vạch ra các quy định của pháp luật, quy chế của RPMU để nêu rõ, khoản chi phí trên là không hợp pháp.

Trước quan điểm cho rằng, các bị cáo không có sự câu kết, không có sự đồng phạm trong việc làm trái công vụ, đại diện Viện KSND khẳng định, các chứng cứ, tài liệu điều tra cho thấy các bị cáo có sự câu kết chặt chẽ, bàn bạc thống nhất từ trên xuống dưới.

“Trong vụ án này, bị cáo Bằng, Duy và Thái thực hiện hành vi phạm tội quyết liệt, tích cực nhất. Dấu hiệu vụ lợi của các bị cáo rất rõ ràng, thông qua công vụ đã có hành vi gợi ý để buộc nhà thầu phải có sự hỗ trợ, sau đó sử dụng vào các mục đích riêng.” - đại diện Viện KSND nhận định.

Phiên tòa đang tiếp tục với phần tranh luận của các bị cáo và phần đối đáp của các luật sư trước quan điểm của đại diện Viện KSND.

Tiến Nguyên