1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Lập số điện thoại giả của Bộ Công an lừa đảo chiếm đoạt lên đến 500 tỷ đồng

Phòng 6, Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao phối hợp với Công an tỉnh Quảng Nam vừa triệt phá thành công đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng việc lập số điện thoại của Bộ Công an.

Ban chuyên án đã thực hiện biện pháp ngăn chặn: phong tỏa 55 tài khoản ngân hàng của 25 cá nhân người Việt Nam và người Malaysia mở tài khoản tại Việt Nam với tổng số tiền phong tỏa 3.7 tỷ đồng.

Lập số điện thoại giả của Bộ Công an lừa đảo chiếm đoạt lên đến 500 tỷ đồng - 1

Đối tượng và tang vật

Bước đầu, hai đơn vị nghiệp vụ xác định: Các đối tượng phạm tội đã thiết lập tổng đài VoIP, giả lập số điện thoại: 069.2342593 (số điện thoại đường dây nóng Bộ Công an công bố để tiếp nhận thông tin CBCS Công an nhũng nhiễu, tham nhũng). 

Sau đó, các đối tượng phân vai giả danh Cơ quan CSĐT, Viện kiểm sát thông báo các bị hại “nợ tiền thanh toán qua thẻ ngân hàng”, “liên quan đến các vụ án đặc biệt nghiêm trọng như rửa tiền, buôn bán ma túy”, “thông tin cá nhân bị lộ lọt”, yêu cầu các bị hại phải cung cấp thông tin để phục vụ điều tra; các đối tượng yêu cầu bị hại lập tài khoản ngân hàng, đăng ký Internet Banking và dùng chính số điện thoại của bị hại làm mã OTP, yêu cầu bị hại nộp toàn bộ số tiền của mình vào tài khoản mới đăng ký.

Các đối tượng yêu cầu bị hại cài ứng dụng có logo của Bộ công an , nhập thông tin tài khoản Internet Banking vào ứng dụng với lý do để bảo mật thông tin.

Các đối tượng Đài Loan là chủ mưu cầm đầu, thuê các đối tượng người Việt Nam và Malaysia thực hiện hành vi lừa đảo. Tổ chức tội phạm được phân vai của từng đối tượng, trong đó có nhóm chuyên trách việc gọi điện đe dọa nạn nhân, có nhóm chuyên thực hiện các giao dịch qua tài khoản ngân hàng để tránh bị phát hiện và phong tỏa, có nhóm chuyên thuê mở tài khoản ngân hàng và thực hiện việc rút tiền.

Lập số điện thoại giả của Bộ Công an lừa đảo chiếm đoạt lên đến 500 tỷ đồng - 2

Làm việc với đối tượng Leng.

Do tính chất vụ án phức tạp, có yếu tố nước ngoài và sử dụng công nghệ cao để phạm tội, Công an tỉnh Quảng Nam (chủ trì là Phòng Cảnh sát hình sự) đã phối hợp chặt chẽ với Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Phòng 6) triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để thu thập thông tin, tài liệu, dữ liệu cơ liên quan đến hành vi phạm tội.

Từ kết quả công tác điều tra trinh sát, Ban chuyên án đã tổng hợp đầy đủ thông tin tài liệu thu thập được từ các nhà mạng, ngân hàng về nhóm đối tượng đang tập trung hoạt động tại địa bàn các tỉnh phía Nam, thậm chí có đối tượng hoạt động trên địa bàn Campuchia.

Các đối tượng liên tục di chuyển, thay đổi địa điểm hoạt động nhằm trốn tránh cơ quan công an, các trinh sát trong ban chuyên án đã liên tục phái theo sát di biến động của các đối tượng.

Ngày 12-1, Ban chuyên án đã họp và thống nhất quyết định phá án, triển khai đồng loạt các tổ công tác bắt giữ các đối tượng phạm tội tại địa bàn TP. Hồ Chí Minh.

Cụ thể, đã giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với LONG BOON LENG (SN 1991, Quốc tịch: Malaysia, nơi cấp: Johor Bahru tại căn hộ chung cư cao cấp Tresor phường 12, Quận 4, TP. Hồ Chí Minh). Trong đó, LONG BOON LENG, giữ vai trò chủ mưu, cầm đầu nhóm đối tượng người Việt hoạt động phạm tội chiếm đoạt tài sản; hoạt động theo sự chỉ đạo của đối tượng người Đài Loan;  LIM KEAN KEW (SN 1996, quốc tịch: Malaysia, nơi cấp KA Jang), có vai trò giám sát các hoạt động liên quan đến việc rút tiền của nhóm đối tượng tại Việt Nam theo sự chỉ đạo của đối tượng người Đài Loan.

NGUYỄN THỊ BÍCH TUYỀN (SN 1994, trú: An Hòa, Định An, Lấp Vò, Long An); NGUYỄN THỊ TRÀ MY (SN 1997, trú: Bình Lợi, Bình Thành, Lấp Vò, Đồng Tháp); TRẦN THỊ BĂNG NHI (SN 2000, trú tại: Tân An, Càng Long, Trà Vinh); CAO NGỌC NHI (SN 1998, trú: Phrom Penh – Campuchia); ĐỖ THỊ ĐÔNG (SN 1993, trú: Watnum, Phrom Penh, Campuchia); người mở tài khoản ngân hàng đưa cho đối tượng Malaysia để chiếm đoạt tiền của bị hại; CMND: 341925304 - vai trò: mở tài khoản ngân hàng đưa cho đối tượng Malaysia để chiếm đoạt tiền của bị hại.

TRẦN VĂN PHÁT (SN 1990, trú: 2G Đường số 16, phường 4, Quận 4, TP. Hồ Chí Minh), chuyên cung cấp số lượng lớn các thông tin tài khoản cá nhân người Việt Nam cho người nước ngoài; NGUYỄN THỊ BÉ (SN 1992, trú: An Hòa, Định An, Lấp Vò, Đồng Tháp), người giúp sức và thanh toán tiền cho đối tượng Jackson Liew (đây là đối tượng tổ chức cùng với đối tượng LONG BOON LENG – hiện đã xuất cảnh khỏi Việt Nam vào ngày 12-1 tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất) và VÕ THIÊN LONG  (SN 1988, trú: phường 13, quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh), là người bán thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng và rút tiền từ tài khoản ngân hàng cho các đối tượng Malaysia.

Tang vật, tài liệu tạm giữ: 57 điện thoại di động, 05 máy tính xách tay, 01 thiết bị Air Tel, 05 thiết bị lưu trữ, 289 sim điện thoại, 50 thẻ ATM các loại, 01 gói chất bột dạng tinh thể màu trắng(nghi vấn ma túy tổng hợp), các loại sổ sách giấy tờ khác có liên quan.

Kết quả điều tra ban đầu: Các đối tượng Quốc tịch Malaysia được nhóm đối tượng người Đài Loan chỉ đạo nhập cảnh vào Việt Nam với mục đích mua thông tin cá nhân của người Việt Nam và chuyển về cho nhóm người này để nhóm người Đài Loan dùng tổng đài VoIP giả danh số điện thoại của cơ quan Công an, Viện kiểm sát đe dọa nạn nhân và chiếm đoạt thông tin ngân hàng trực tuyến. Đồng thời nhóm người Malaysia còn có nhiệm vụ thuê người Việt Nam lập các tài khoản ngân hàng tại Việt Nam, sau đó chuyển thông tin tài khoản cho nhóm người tại Đài Loan để nhóm người này sử dụng thông tin ngân hàng đã chiếm đoạt được thông qua ứng dụng “Bộ Công an” chuyển khoản trực tuyến tiền từ tài khoản bị hại người Việt Nam vào các tài khoản ngân hàng do nhóm người Malaysia hoặc người Việt Nam được thuê quản lý và chiếm đoạt.,

Phân tích sao kê tài khoản ngân hàng do các đối tượng mở tại Việt Nam để nhận tiền lừa đảo thấy mỗi tài khoản trong 3 tháng giao dịch với số tiền 10 tỷ đồng, các đối tượng khai nhận sau 5 tháng sẽ thay đổi cách thức và thay đổi tài khoản ngân hàng khác để tiếp tục hoạt động.

Căn cứ số lượng thẻ ngân hàng thu được của các đối tượng ước tính số tiền các đối tượng đã chiếm đoạt của các bị hại trên khắp cả nước lên đến hơn 500 tỷ đồng.

Ban chuyên án đã thực hiện biện pháp ngăn chặn: phong tỏa 55 tài khoản ngân hàng của 25 cá nhân người Việt Nam và người Malaysia mở tài khoản tại Việt Nam với tổng số tiền phong tỏa 3.7 tỷ đồng.

Theo Xuân Mai

Công an nhân dân