Làm rõ hai tình tiết then chốt vụ anh em ruột đi cướp tiệm vàng ở TPHCM
(Dân trí) - Luật sư Tuấn cho rằng, cơ quan điều tra cần làm rõ thời điểm Đông và Đạt gây án, chủ tiệm vàng có mặt hay không và nghi phạm có dùng vũ lực hay đe dọa tức thì hay không.
Ngày 7/5, Phòng Cảnh sát hình sự Công an TPHCM đang tạm giữ Lê Duy Đông (SN 2002, quê Thanh Hóa) và anh trai là Lê Duy Đạt (SN 1995) để điều tra hành vi cướp tài sản.
Đông và Đạt là nghi phạm sử dụng búa cướp tiệm vàng trên đường Đặng Thúc Vịnh (huyện Hóc Môn) vào chiều 5/4. Cả hai bị lực lượng chức năng bắt giữ sau vài giờ gây án.

Đông tại cơ quan điều tra (Ảnh: C.T.).
Liên quan vụ việc, luật sư Trương Văn Tuấn (Văn phòng luật sư Trạng Sài Gòn, Đoàn Luật sư TPHCM) cho rằng, cơ quan điều tra cần làm rõ hai tình tiết quan trọng: Thứ nhất, thời điểm Đông đập vỡ tủ kính và lấy vàng, chủ tiệm có mặt tại hiện trường hay không? Thứ hai, Đông có sử dụng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực tức thì đối với chủ tiệm khi thực hiện hành vi hay không?
Luật sư Tuấn phân tích, nếu Đông dùng búa để đập tủ kính, chiếm đoạt vàng và có hành vi đe dọa hoặc tấn công ngay tức khắc nhằm khống chế chủ tiệm thì có dấu hiệu cấu thành tội Cướp tài sản theo Điều 168 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Theo điều luật này, người dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay lập tức hoặc có hành vi khiến người bị tấn công không thể chống cự nhằm chiếm đoạt tài sản, tùy mức độ và giá trị tài sản, có thể bị phạt tù từ 3 năm đến chung thân. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 đến 100 triệu đồng, quản chế hoặc cấm cư trú từ 1 đến 5 năm, hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Ngược lại, nếu Đông không sử dụng bạo lực mà chỉ lợi dụng sơ hở của chủ tiệm để hành động thì có thể bị truy cứu về tội Trộm cắp tài sản theo Điều 173 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017). Khung hình phạt có thể là cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 20 năm, kèm theo phạt tiền từ 5 đến 50 triệu đồng.
Luật sư Tuấn nhấn mạnh, tội Cướp tài sản là tội có cấu thành hình thức, được xem là hoàn thành ngay khi người phạm tội sử dụng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực tức khắc, khiến nạn nhân không thể chống cự, bất kể tài sản có bị chiếm đoạt hay không. Do đó, việc chưa lấy được vàng không phải là tình tiết giảm nhẹ cho Đông và Đạt khi ra tòa.

Tiệm vàng trên đường Đặng Thúc Vịnh xảy ra vụ cướp (Ảnh: N.H.).
Theo điều tra, khoảng 13h ngày 5/4, Đông và Đạt đi xe máy đến trước tiệm vàng trên đường Đặng Thúc Vịnh, huyện Hóc Môn, TPHCM. Đông xuống xe, một mình đi vào tiệm, cầm búa đập tủ kính rồi hốt vội một nắm vàng bỏ chạy. Tuy nhiên, chủ tiệm đã phát hiện hành vi của nghi phạm, đuổi theo xô ngã.
Trong lúc giằng co, Đông làm rơi vàng và chiếc búa xuống đất và bị người phụ nữ nhặt chiếc búa đập liên tiếp vào người. Thấy em trai yếu thế, Đạt chạy đến giải vây rồi cùng Đông lên xe tẩu thoát khi chưa lấy được tài sản.
Tại cơ quan điều tra, Đông khai vừa cưới vợ nhưng sa vào cờ bạc, nợ nần chồng chất nên kéo anh trai đi cướp tiệm vàng để trả nợ. Đạt khai vì thương em nên đồng ý chở đi gây án. Cả hai khai không nghiện ma túy, chưa có tiền án, tiền sự.