1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

“Lạ lùng” người đi tố cáo có nguy cơ trở thành… bị cáo

(Dân trí) - Xuất phát từ một quan hệ dân sự liên quan đến giấy nhận nợ giữa 2 người phụ nữ, cơ quan điều tra đã hình sự hóa vụ việc. Người đi tố cáo việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản lại bị khởi tố, bắt giam và đang có nguy cơ trở thành bị cáo.

Hình sự hóa quan hệ dân sự

Công an tỉnh Lào Cai mới đây đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và bắt tạm giam bà Nguyễn Thị Thoa (SN 1960, trú tại Phú Diễn, Từ Liêm, Hà Nội) về hành vi “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo Điều 140 Bộ luật hình sự. Xung quanh vụ án này, trong gần 6 năm qua, hàng chục kết quả giám định chữ ký - chứng cứ của vụ án - có nội dung trái ngược nhau khiến dư luận băn khoăn, việc khởi tố, bắt giam chưa thuyết phục, dễ dẫn đến oan sai.
 
Thông báo tạm giam bà Thoa của Công an tỉnh Lào Cai.
Thông báo tạm giam bà Thoa của Công an tỉnh Lào Cai.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, vụ án này có nguồn gốc từ một quan hệ dân sự, liên quan đến giấy nhận nợ ghi ngày 31/5/2008 giữa bà Nguyễn Thị Thoa và bà Nguyễn Thị Hợi (trú tại thị trấn Sapa, Lào Cai). Theo nội dung ghi trong giấy này, bà Hợi cho bà Thoa vay số tiền 1,9 tỷ đồng. Cuối năm 2008, khi bà Hợi đưa giấy ra để đòi nợ, cho rằng bà Hợi đã giả mạo chữ ký, tạo dựng giấy nhận nợ giả để lừa đảo, bà Thoa làm đơn tố cáo đến Công an tỉnh Lào Cai về hành vi của bà Hợi.

Sau quá trình xác minh, giám định chữ ký, ngày 8/1/2009, Công an tỉnh Lào Cai có thông báo tới bà Thoa khẳng định, chữ ký viết trên giấy biên nhận ngày 31/5/2008 mà bà Hợi đưa ra đòi nợ và mẫu chữ ký của bà Nguyễn Thị Thoa không phải do một người ký ra.

Đáng nói hơn, trong công văn này, Công an tỉnh Lào Cai còn nhấn mạnh: “Ngày 30/12/2008, Đỗ Thùy Dung, con gái bà Nguyễn Thị Hợi, công nhận chữ viết trên giấy biên nhận ngày 31/5/2008 là do Đỗ Thùy Dung viết và trong biên bản làm việc hồi 12h ngày 6/1/2009 bà Hợi đã nhận: Trên cơ sở pháp lý biên nhận ngày 31/5/2008 thì bà Hợi sai.”

Sự việc tưởng chừng đã “hai năm rõ mười” với bản kết luận giám định chữ ký cũng như lời “thú tội” của mẹ con bà Hợi, không hiểu vì lý do gì, vụ việc lại bất ngờ bị “chìm xuồng”. Công an tỉnh Lào Cai không những không tiến hành các bước tố tụng tiếp theo mà còn làm một việc “lạ lùng” là giao bản gốc giấy biên nhận ngày 31/5/2008 - vật chứng quan trọng nhất của vụ án - cho đối tượng đang bị tố cáo là bà Hợi để bà này khởi kiện ra tòa dân sự.

Phát hiện vi phạm nghiêm trọng này, ngày 28/1/2010, Viện KSND tỉnh Lào Cai đã vào cuộc, đề nghị chuyển hồ sơ về phòng Phòng CSĐT tội phạm về TTXH - Công an tỉnh Lào Cai để giải quyết lại. Sau hơn 3 năm, với hàng chục bản kết luận giám định chữ ký của nhiều cơ quan chức năng có nội dung trái ngược nhau (Dân trí sẽ thông tin chi tiết trong những bài báo sau), đến nay, vụ án bất ngờ bị CQĐT xoay ngược tình thế, “biến” người đi tố cáo có nguy cơ thành bị cáo.

Bắt giam trái pháp luật

Theo tìm hiểu của chúng tôi, bà Thoa là người mắc nhiều bệnh, thậm chí có bệnh hiểm nghèo. Có lẽ, khi tiến hành lệnh bắt tạm giam bà Thoa (ngày 22/2/2013), Cơ quan điều tra đã biết tình trạng bệnh tật của bà Thoa nên đã cử bác sỹ đi cùng để di chuyển bà Thoa từ Hà Nội lên Lào Cai.
 
Loạn kết luận giám định chữ ký.
"Loạn" kết luận giám định chữ ký.

Bà Thoa có thể trạng gầy yếu, trước khi bị bắt đã mắc nhiều bệnh, trong đó có bệnh ung thư vòm họng, phải xạ trị và mổ tại Bệnh viện K; thoát vị đĩa đệm (thoái hóa cột sống), phải mổ tại bệnh viện Việt Đức. Ngoài ra, bà Thoa còn phải điều trị tại các bệnh viện Đại học Y Hà Nội và Viện Quân y 108…, có bệnh điều trị tạm thời ổn định, có bệnh chưa ổn định, vẫn đang phải uống thuốc hàng ngày.

Đáng chú ý, việc chạy xạ từ nhiều năm qua đã ảnh hưởng xấu đến khả năng nghe, nhìn, đặc biệt bệnh loãng xương nặng, khả năng gẫy xương cao, ảnh hưởng đến hoạt động đi lại của bà Thoa. Nếu không có điều kiện chăm sóc, thuốc thang thăm khám kịp thời, sức khỏe của bà Thoa sẽ suy sụp rất nhanh, không những khó có khả năng đáp ứng được yêu cầu làm việc của cơ quan điều tra mà tính mạng của bà Thoa cũng không loại trừ khả năng bị đe dọa.

Chiểu theo các điều khoản của Bộ luật tố tụng hình sự, Quyết định tạm giam bà Nguyễn Thị Thoa của Công an tỉnh Lào Cai đã vi phạm nghiêm trọng khoản 2, Điều 88. Điều khoản này quy định: “Đối với bị can, bị cáo là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới ba mươi sáu tháng tuổi, là người già yếu, người bị bệnh nặng mà nơi cư trú rõ ràng thì không tạm giam mà áp dụng biện pháp ngăn chặn khác.”

Cũng chiểu theo điều khoản trên, bà Thoa không phải là đối tượng nguy hiểm cho trật tự xã hội, không có biểu hiện trốn chạy hoặc gây khó khăn cho công tác điều tra; tội phạm bị khởi tố không thuộc các tội xâm phạm an ninh quốc gia.

Một chi tiết đáng chú ý, ngày 18/8/2011, trước khi Công an tỉnh Lào Cai khởi tố vụ án hình sự hơn 1 năm, bà Thoa đã tự nguyện nộp 3 tỷ đồng tại cơ quan điều tra để trả cả gốc và lãi cho bà Hợi trong trường hợp cơ quan có thẩm quyền kết luận chữ ký tại Giấy vay nợ ngày 31/5/2008 là của bà Thoa.

Theo ông Đỗ Cao Thắng - nguyên Thẩm phán, Chánh tòa kinh tế TAND tối cao, trước mắt, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Lào Cai, Viện KSND tỉnh Lào Cai nên hủy bỏ biện pháp ngăn chặn giam giữ đối với bà Thoa mới thể hiện đúng bản chất nhân đạo trong pháp luật hình sự của Việt Nam.

Thu Trang