Nghệ An:
Ký ức buồn của cô gái suýt bị bán sang Trung Quốc
(Dân trí) - 14 tuổi, Cụt Thị Xay bị bán làm lao động khổ sai. Thoát được về quê, 5 năm sau, Xay rơi vào tay bọn buôn người. May mắn, Xay được giải thoát khi chưa chạm đất Trung Quốc.
Phiên tòa xét xử vụ án Xeo Văn Cam (SN 1986) và Moong Văn Uyên (SN 1985) cùng trú tại xã Hữu Kiệm, Kỳ Sơn, Nghệ An phạm tội mua bán người vắng hoe. Cả hội trường rộng chỉ có 2 bị cáo, 2 người nhà và bị hại Cụt Thị Xay, trú xã Mường Típ. Phiên tòa diễn ra chóng vánh bởi bị cáo thành khẩn khai báo mọi hành vi phạm tội của mình. Nhưng câu chuyện của Cụt Thị Xay cứ ám ảnh tôi về số phận của những cô gái miền núi cao nhẹ dạ đến đáng trách.
Nhẹ dạ, cả tin đến mức đáng trách, suýt chút nữa Cụt Thị Xay phải trả giá bằng cả cuộc đời mình.
Nhà có 4 anh chị em, bố mất sớm nên học hết lớp 9, Xay ở nhà đi rẫy theo “quyết định” mẹ. “Mẹ bảo con gái học từng đó là được rồi. Học nhiều chữ cũng không no được cái bụng. Em nghỉ học, 2 đứa em sau mới được đến trường. Rứa là nghỉ thôi. Nghỉ học rồi ở nhà đi rẫy trồng lúa, trồng gừng”, Xay nói.
14 tuổi, nghỉ học, cứ tưởng cuộc đời của Xay chỉ quanh quẩn trên con đường từ nhà lên rẫy, từ rẫy về nhà. Ấy nhưng không. Cô sơn nữ ấy vẫn mơ một lần được xuống núi. 14 tuổi, cuộc sống chỉ gói gọn trong bản, xa lắm là lên trường học, một vài lần được ra thị trấn chơi nên đối với Xay, thành phố là cái gì đó lung linh, rực rỡ và đủ đầy lắm.
Một người đàn ông đến bản, rủ Xay vào Sài Gòn làm thuê. Xay gật đầu ngay tắp lự dù chẳng biết Sài Gòn ở đâu. Đi cùng với Xay còn có 35 cô gái khác. Sau 2 ngày lắc lư trên xe khách, đặt chân xuống Sài Gòn, chưa kịp nhìn thấy vẻ tráng lệ, đẹp đẽ như lời giới thiệu thì Xay cùng các bạn được đưa thẳng tới một xưởng may.
“Ở đó, họ nhốt bọn em lại, dạy cách may rồi bắt làm việc. Một ngày làm 12- 13 tiếng đồng hồ, lương mỗi tháng 500 nghìn đồng nhưng họ giữ lại hết tiền. Làm việc cực nhọc, ăn uống kham khổ lắm”, Xay kể.
Không chịu được, Xay tìm cách bỏ trốn. Nhưng ra đến bến xe Miền Đông thì bị bắt lại. Sau cuộc trốn chạy ấy là một trận đòn thừa sống thiếu chết. Việc quản lý, giám sát đám công nhân “nhí” này được thắt chặt hơn. Nhưng cô gái lớn lên từ rừng núi bao la ấy không chịu được cuộc sống giam hãm, tù túng nên vẫn nuôi ý định bỏ trốn một lần nữa.
Giả vờ ngoan ngoãn, nghe lời nên việc quản lý Xay đã được nới lỏng hơn một chút. Mỗi tháng chủ xưởng phát cho các cô gái một ít tiền đủ để mua sắm các vật dụng tối thiểu. Với số tiền ít ỏi đó, Xay cố gắng dành dụm, chuẩn bị cho cuộc đào thoát.
Sau một thời gian dài chờ đợi, cơ hội đó cũng đến. Lợi dụng sự sơ hở của đám người canh giữ, Xay chạy thoát ra ngoài, nhảy đại lên một chiếc xe ôm ra thẳng bến xe miền Đông. Số tiền dành dụm chỉ đủ trả tiền xe về đến Vinh. Nhờ sự giúp đỡ của những người tốt bụng, Xay mới về được đến nhà, kết thúc 2 năm lao động khổ sai.
Trở về, Xay tiếp tục làm bạn với núi đồi, nương rẫy. Càng lớn, Xay càng đẹp. Nhiều anh chàng ngấp nghé làm bạn nhưng Xay chỉ ưng chàng trai cùng bản, hơn mình 6 tuổi.
Biết Xay có người yêu và chuẩn bị làm đám cưới nhưng những lần đến làm rẫy thuê ở đây, Moong Văn Uyên vẫn gạ gẫm Xay đi lấy chồng Trung Quốc, nếu đồng ý đi sẽ trả cho 30 triệu đồng. Cô gái sơn cước nửa đùa nửa thật, bảo nếu chồng bỏ thì đi.
Chuyện trai gái yêu đương không tránh khỏi cãi vã, Xay và anh người yêu cũng vậy. Nhiều khi mâu thuẫn bắt đầu từ những chuyện không đâu nhưng chẳng ai chịu nhường ai, thế là đòi chia tay. Nghe chồng sắp cưới nói thế, Xay tức quá đồng ý luôn. Chợt nhớ tới lời đề nghị của Uyên, cái suy nghĩ lấy chồng Trung Quốc để trả thù người yêu chợt lóe lên. Xay đi tìm Uyên, đồng ý đi lấy chồng Trung Quốc với điều kiện Uyên phải đưa trước cho Xay 30 triệu đồng. Chưa đủ tiền để đưa cho Xay, theo hướng dẫn của người phụ nữ tên Kim, Moong Văn Uyên và Xeo Văn Cam bảo xuống Vinh rồi trả tiền.
Xuống đến Tp Vinh, sau khi nhận được tiền từ người phụ nữ tên Kim, Xeo Văn Cam và Xay vào bưu điện gửi về cho mẹ Mai 20 triệu đồng. 10 triệu còn lại, Xay giữ cho mình.
“Cam đưa em lên ô tô rồi đi mãi. Ra đến Móng Cái thì 2 anh em được một xe ôm đón, chở đến bờ sông. Cam bảo đi qua sông này là đến Trung Quốc. Sang đó, cũng lấy chồng, sinh con như ở Việt Nam thôi nhưng cuộc sống sung sướng hơn”, Xay kế.
Khi Cam và Xay đang loay hoay tìm cách sang sông thì lực lượng Bộ đội biên phòng phát hiện và bắt giữ. “Em không sợ họ đưa sang Trung Quốc bán vào những chỗ xấu à?” - Tôi hỏi. Cô gái Khơ mú cười: “Họ bảo sang lấy chồng mà”. Tôi chẳng biết nên giận hay nên trách em. Càng không dám nghĩ đến giả thiết nếu bộ đội biên phòng không có mặt vào lúc ấy, cuộc đời em sẽ trôi về đâu?
Dù sao sự nhẹ dạ của Xay chưa khiến em phải trả giá bằng cả cuộc đời như một số sơn nữ khác. Sau những sóng gió, hạnh phúc cũng đã mỉm cười với Mai. Sau cái lần lấy chồng Trung Quốc “hụt” trở về, may mắn là anh người yêu đồng ý nối lại tình cảm. “Sau Tết em lấy chồng”, Xay khoe.
Trong phiên xét xử diễn ra vào chiều ngày 21/1, TAND tỉnh Nghệ An đã tuyên phạt Xeo Văn Cam 6 năm tù giam, Moong Văn Uyên 5 năm tù giam về tội mua bán người. Riêng người phụ nữ tên Kim đang được cơ quan chức năng xác minh làm rõ lý lịch và xử lý sau.
Hoàng Lam