1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Khu đất khiến cựu Chủ tịch Bình Thuận hầu tòa từng là nghĩa địa

Hải Nam

(Dân trí) - Từng là đất nghĩa địa, nên dù trải qua 6 lần đấu giá, 92.000m2 đất trên đều không được tổ chức, cá nhân nào đăng ký mua. Đại diện tỉnh Bình Thuận cho biết điều này tạo áp lực cho các bị cáo.

Sáng 11/5, phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Ngọc Hai (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận), Lương Văn Hải (cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận) và 8 đồng phạm trong vụ án Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí, tiếp tục phần xét hỏi.

Trong vụ án, UBND tỉnh Bình Thuận được xác định với tư cách là nguyên đơn dân sự. Trước tòa, đại diện UBND tỉnh này bày tỏ mong muốn HĐXX khoan hồng, giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo, đồng thời đề nghị được thu hồi thiệt hại để nộp lại ngân sách.

Theo đại diện tỉnh Bình Thuận, phần đất được giao cho Công ty Tân Việt Phát có nhiều bất cập, như thiếu mỹ quan, quá khứ là nghĩa địa... Vì vậy, sau 6 lần đấu giá, 92.000m2 đất trên đều không thành. Điều này tạo áp lực cho tỉnh trong việc thu ngân sách.

Khu đất khiến cựu Chủ tịch Bình Thuận hầu tòa từng là nghĩa địa - 1

Bị cáo Nguyễn Ngọc Hai (Ảnh: Hải Nam).

"Các bị cáo vì mục đích chung của tỉnh, chắc chắn không có động cơ vụ lợi", đại diện UBND tỉnh Bình Thuận nói.

Trước tòa, đại diện Công ty Tân Việt Phát có quan điểm tương tự, khi cho rằng các bị cáo không hưởng lợi ích gì từ việc giao đất cho doanh nghiệp này. Vị đại diện công ty khẳng định các bị cáo nguyên là lãnh đạo tỉnh, sở ban, ngành tỉnh Bình Thuận cũng chưa từng tiếp xúc với người của Tân Việt Phát.

Theo cơ quan chức năng, sau khi được tỉnh Bình Thuận giao 92.000m2 đất, Tân Việt Phát đã phân thành 500 lô đất, diện tích 100-2.000m2/lô. 500 mảnh đất này được tỉnh cấp 500 sổ đỏ. Sau đó, doanh nghiệp bán 475 lô, đã thu về 50% số tiền bán đất là gần 500 tỷ đồng.

Cáo trạng của VKS xác định, năm 2013, UBND tỉnh Bình Thuận giao Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh Bình Thuận tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất 92.600,9m2 (3 lô đất số 18, 19, 20), thuộc quỹ đất hai bên đường ĐT.706B, phường Phú Hài, TP Phan Thiết để thực hiện dự án xây dựng nhà ở thương mại. 

Từ ngày 25/10/2013 đến ngày 26/11/2015, Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh Bình Thuận và Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản tỉnh Bình Thuận thông báo bán đấu giá 6 lần (giá khởi điểm 1,2 triệu đồng/m2) nhưng không có tổ chức, cá nhân nào đăng ký mua hồ sơ đấu giá.

Khu đất khiến cựu Chủ tịch Bình Thuận hầu tòa từng là nghĩa địa - 2

Trung tâm Thương mại dịch vụ và Dân cư Đô thị Tân Việt Phát 2 (Ảnh: Báo Nhân dân).

Đầu năm 2016, giá đất trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, trong đó có các khu đất thuộc phường Phú Hài, thành phố Phan Thiết có biến động tăng. Sau đó, ông Hai ký ban hành Quyết định số 10/2016/QĐ-UBND quy định về đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Trong đó, VKS xác định, điểm b khoản 2 Điều 3 tại quyết định trên trái với quy định tại khoản 3 Điều 108 Luật Đất đai năm 2013. Đến tháng 1/2017, Công ty cổ phần Tân Việt Phát có công văn gửi UBND tỉnh Bình Thuận và Sở Tài nguyên và Môi trường, đề nghị giao cho Tân Việt Phát hơn 92.000 m2 đất trên, không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất.

Sở Tài nguyên và Môi trường sau đó có công văn tham mưu UBND tỉnh, đề nghị tỉnh cho chủ trương giao đất với giá cho thuê là 1,2 triệu đồng/m2. Tháng 2/2017, UBND tỉnh chấp thuận chủ trương trên. Tân Việt Phát sau đó nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và triển khai dự án Trung tâm Thương mại dịch vụ và Dân cư Đô thị Tân Việt Phát 2.