Không xử chung thân, tử hình người chưa thành niên phạm tội
(Dân trí) - Đó là một trong những quan điểm vừa được tổ soạn thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) đưa ra để lấy ý kiến rộng rãi của các bộ ngành liên quan.
Theo đó, tổ soạn thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) cho rằng việc xử lý người chưa thành niên phạm tội phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của người chưa thành niên và chủ yếu nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội.
Trong mọi trường hợp điều tra, truy tố, xét xử hành vi phạm tội của người chưa thành niên, các cơ quan tiến hành tố tụng phải xác định khả năng nhận thức của họ về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nguyên nhân và điều kiện gây ra tội phạm.
Theo đó, các cơ quan có thẩm quyền ưu tiên xem xét áp dụng các biện pháp thay thế xử lý hình sự, xử lý vi phạm hành chính đối với người chưa thành niên phạm tội.
Việc truy cứu trách nhiệm hình sự người chưa thành niên phạm tội chỉ trong trường hợp cần thiết và phải căn cứ vào tính chất của hành vi phạm tội, vào những đặc điểm về nhân thân và yêu cầu của việc phòng ngừa tội phạm.
Đáng chú ý, tổ soạn thảo đưa ra quan điểm về việc không xử phạt tù chung thân hoặc tử hình đối với người chưa thành niên phạm tội.
“Khi áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội cần hạn chế áp dụng hình phạt tù. Khi xử phạt tù có thời hạn, toà án cho người chưa thành niên phạm tội được hưởng mức án nhẹ hơn mức án áp dụng đối với người đã thành niên phạm tội tương ứng và trong thời gian thích hợp ngắn nhất. Không áp dụng hình phạt bổ sung đối với người chưa thành niên phạm tội”- tổ soạn thảo nêu quan điểm lấy ý kiến.
Đối với án đã tuyên đối với người chưa thành niên phạm tội khi chưa đủ 16 tuổi thì không tính để xác định tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm.
Theo Điều 90 của bản dự thảo, khi xử lý người chưa thành niên phạm tội, cơ quan điều tra, viện kiểm sát hoặc tòa án ưu tiên xem xét áp dụng một trong các biện pháp thay thế xử lý hình sự sau đây: a) Khiển trách; b) Hoà giải tại cộng đồng; c) Giám sát, giáo dục tại gia đình hoặc giám sát, giáo dục của cơ quan, tổ chức.
Ngoài ra, các cơ quan có thẩm quyền chỉ xem xét miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng biện pháp thay thế hình sự đối với người chưa thành niên khi có đủ các điều kiện sau: Có chứng cứ để chứng minh người chưa thành niên đã thực hiện một tội phạm; Người chưa thành niên phạm tội có thái độ hối cải, thành thật khai báo, tự nguyện khắc phục hậu quả do mình gây ra; Thuộc trường hợp phạm tội lần đầu, có nhiều tình tiết giảm nhẹ; Người chưa thành niên và người đại diện hợp pháp của họ đồng ý với việc áp dụng biện pháp thay thế xử lý hình sự.
Việc áp dụng biện pháp thay thế xử lý hình sự phải phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh phạm tội, nhân thân người phạm tội, tính chất mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội và trên cơ sở bảo đảm lợi ích của người bị hại, của cộng đồng.
Tuỳ từng trường hợp cụ thể, cơ quan có thẩm quyền ra quyết định miễn trách nhiệm hình sự, áp dụng biện pháp thay thế xử lý hình sự buộc người chưa thành niên phải chấp hành các nghĩa vụ theo quy định tại bộ luật này và ấn định thời gian từ 6 tháng đến 2 năm.
Người chưa thành niên được áp dụng biện pháp thay thế xử lý hình sự cố tình không thực hiện các nghĩa vụ thì cơ quan đã áp dụng biện pháp thay thế xử lý hình sự ra quyết định huỷ bỏ việc áp dụng biện pháp này và thủ tục tố tụng hình sự đối với người đó được tiến hành theo quy định chung
Khi áp dụng biện pháp khiển trách, cơ quan điều tra, viện kiểm sát hoặc tòa án buộc người được áp dụng biện pháp này thực hiện các nghĩa vụ sau đây: tuân thủ pháp luật, nội quy, quy chế của nơi cư trú, làm việc; trình diện trước cơ quan có thẩm quyền khi được yêu cầu; tham gia các chương trình học tập, dạy nghề, các chương trình tham vấn, phát triển kỹ năng sống phù hợp được tổ chức tại địa phương; tham gia lao động với hình thức phù hợp; trường hợp người chưa thành niên nghiện rượu, nghiện ma tuý thì phải cai nghiện.
Thế Kha