1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Khó xác định 4.500 tỉ đồng tăng vốn cho VNCB… đang ở đâu

(Dân trí) - Đại diện CB (tiền thân là VNCB) xác nhận trong thời gian Phạm Công Danh chuyển 4.500 tỉ đồng về ngân hàng để tăng vốn điều lệ thì tổng cộng có 80.000 tỉ đồng đi vào và 81.000 tỉ đồng đi ra. Do số tiền đó hòa chung vào dòng tiền của ngân hàng nên khó xác định số tiền này đang ở đâu.

Tiền ra vô nhiều nên không biết 4.500 tỉ đồng đang ở đâu

Ngày 16/1, TAND TPHCM tiếp tục phiên xử bị cáo Phạm Công Danh (sinh năm 1965, cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng VNCB, tập đoàn Thiên Thanh), Trầm Bê (cựu Chủ tịch Hội đồng tín dụng Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín - Sacombank) và 44 người khác về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Phạm Công Danh cho rằng bị ngân hàng nhà nước ép tăng vốn điều lệ.
Phạm Công Danh cho rằng bị ngân hàng nhà nước ép tăng vốn điều lệ.

Tại tòa, đại diện ngân hàng Thương mại TNHH MTV Xây dựng Việt Nam (CB) xác nhận trong số 13.000 tỉ đồng còn lại của CB có 4.500 tỉ đồng tăng vốn điều lệ (tức là khoản tiền Phạm Công Danh dùng nhiều hành vi sai phạm để đem về tăng vốn cho VNCB). Ở giai đoạn 14/2- 26/7/2014, VNCB đã sử dụng hơn 7.600 tỉ đồng tiền mặt, tiền gửi Ngân hàng Nhà nước. Trong đó bao gồm cả số tiền 4.500 tỉ đồng gửi tại LienVietPostbank chuyển về Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước. Số dư cuối ngày 26/7/2014 còn hơn 500 tỉ đồng.

Trước việc CB cung cấp nhiều số liệu, chủ tọa yêu cầu làm rõ dòng tiền sau khi rút khỏi VNCB được chuyển qua các ngân hàng bảo lãnh vay BIDV, TPBank, Sacombank rồi chuyển lòng vòng qua nhiều ngân hàng trước khi quay về VNCB để tăng vốn điều lệ 4.500 tỷ đồng "còn hay là hết?". Phía CB cho biết, từ ngày 14/2 đến 29/7/2014 khoản tiền 4.500 tỷ đồng vào, sau đó ra, còn hơn 500 tỷ đồng.

Đại diện CB xác nhận nhưng cho rằng thời điểm đó ngân hàng có đến 80.000 tỉ đồng đi vào trong đó có 4.500 tỉ là tiền tăng vốn điều lệ, rồi đi ra 81.000 tỉ. Do đó tiền của ngân hàng đã bị âm, số tiền hòa chung vào dòng tiền của ngân hàng nên khó xác định số tiền này đang ở đâu.

"Như vậy số tiền 4.500 tỉ đồng này không phải ông Danh sử dụng cá nhân đúng không?", luật sư tiếp tục đặt câu hỏi. Đại diện CB trả lời "đúng", nhưng cho rằng thời điểm đó ông Danh vẫn còn là Chủ tịch VNCB.

Liên quan việc sử dụng khoản tiền 4.500 tỉ đồng, chủ tọa đồng ý cho các luật sư của ông Danh sao chép các tài liệu do CB cung cấp trong phiên tòa chiều nay. Tòa cũng chuyển các tài liệu này cho đại diện Viện KSND TPHCM nghiên cứu.

NHNN thúc ép Phạm Công Danh?

Liên quan tới số tiền này, trong phiên tòa sáng 16/1, Phạm Công Danh khai: “Tại một cuộc họp tại NHNN phía Nam, dưới sự chủ trì là lãnh đạo cơ quan thanh tra giám sát nhà nước, cụ thể là Đặng Văn Thảo (thành viên thanh tra tổ giám sát ngân hàng VNCB) thì NHNN yêu cầu VNCB phải tăng vốn điều lệ, còn việc tăng vốn điều lệ ra sao, như thế nào thì do doanh nghiệp tự tính”.

Đối chất lời khai của Danh về việc bị NHNN thúc ép tăng vốn điều lệ, chủ toạ yêu cầu bị cáo Phan Thành Mai (nguyên Tổng giám đốc VNCB) trình bày thêm.

“Tại cuộc họp đó, anh Danh trình bày 2 - 3 lần với NHNN rằng muốn chia nhỏ các gói tăng vốn điều lệ thành nhiều giai đoạn vì VNCB thời điểm đó rất khó khăn. Tuy nhiên, NHNN vẫn yêu cầu VNCB phải tăng vốn điều lệ theo phương án tái cơ cấu, nên theo nhận thức của bị cáo thì NHNN thúc ép Danh tăng vốn điều lệ”, Phan Thành Mai trình bày.

Nhắc lại những lời khai trên của Danh và Mai tại phiên toà, HĐXX và đại diện Viện KSND TPHCM hỏi ông Thảo, ông Thảo thừa nhận có cuộc họp trên vào ngày 8/11/2013: “Sau đó, NHNN có thông báo sau cuộc họp. Thông báo có nhiều nội dung, trong đó có nội dung Tổ giám sát tại VNCB yêu cầu VNCB khẩn trương tăng vốn điều lệ theo nghị quyết đại hội cổ đông. Vì nếu không tăng vốn điều lệ thì nguy cơ VNCB phá sản”.

Ngoài ra, tại tòa, ông Thảo trình bày thêm, khi Tổ giám sát NHNN phát hiện VNCB dùng tiền gửi sang thị trường 2 bảo lãnh cho các khoản vay tiền, tổ sát giám có tiến hành thanh tra nhưng đang thanh tra giữa chừng thì Cơ quan điều tra Bộ Công an yêu cầu dừng lại nên không có biên bản việc thanh tra này.

Xuân Duy