Khát vọng hoàn lương
Những ngày thụ án, sự kinh hoàng, tuyệt vọng của nạn nhân, ánh mắt căm phẫn của thân nhân họ và cả những giọt nước mắt tủi thân, cam chịu của người mẹ già lặn lội hàng trăm cây số lên thăm con… đã không thôi ám ảnh phạm nhân Nguyễn Minh Dũng.
Được giám thị và các cán bộ quản giáo trại giam động viên, Dũng và nhiều phạm nhân khác dần xóa bỏ mặc cảm, quyết tâm cải tạo, làm lại cuộc đời.
Đoạn tuyệt với quá khứ lỗi lầm
Mới đây, tháp tùng Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kiểm tra công tác đặc xá năm 2015 tại trại giam Xuân Lộc (Đồng Nai), chúng tôi tình cờ gặp lại Nguyễn Minh Dũng (42 tuổi, nhà ở TPHCM).
Điển trai, công việc ổn định, nhà mặt tiền đường Phùng Khắc Khoan thuộc trung tâm quận 1, Nguyễn Minh Dũng từng là niềm mơ ước của nhiều cô gái ngày ấy. Vậy mà, chỉ một phút sai lầm, cậu phải trả giá bằng án tù chung thân về tội giết người vào năm 2000.
“Những ngày đầu, không đêm nào em ngủ ngon. Cứ nhắm mắt là khuôn mặt của nạn nhân, của thân nhân người bị hại lại hiện ra. Thảng thốt, đau đớn, kinh hoàng, tuyệt vọng. Tỉnh giấc, cả người ướt đẫm mồ hôi” – Dũng nhớ lại.
Bị giày vò bởi tội ác mình gây ra, đã có lần Dũng nghĩ đến cái chết để tự giải thoát. Nhưng, chính những giọt nước mắt tủi thân, cam chịu của người mẹ tần tảo, sự gần gũi, động viên của cán bộ quản giáo và giám thị trại giam Xuân Lộc đã giúp cậu nhận ra sự quý giá của cuộc sống cũng như phải mạnh mẽ đối diện để đoạn tuyệt với quá khứ tội lỗi.
“Tôi kêu gọi các doanh nhân, doanh nghiệp tạo điều kiện để người trở về sớm có việc làm ổn định, đẩy lùi nguy cơ tái phạm, góp phần giữ vững an ninh trật tự tại địa phương”.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Nguyễn Minh Dũng quyết tâm cải tạo và được giảm án. Sau gần 16 năm thụ án, cậu được các phạm nhân giới thiệu, trại giam đề xuất đặc xá nhân dịp lễ Quốc khánh 2/9 sắp tới.
“Tôi đã viết thư xin lỗi, xin thân nhân của người bị hại tha thứ. Tôi biết không có gì bù đắp được nỗi đau và sự mất mát của họ. Lá thư của tôi được trại giam lựa chọn, gửi cho gia đình người bị hại. Được đặc xá, tôi sẽ trở về làm lại cuộc đời và không bao giờ lặp lại sai lầm” – Dũng bày tỏ.
Đại tá Hồ Phi Thắng, Giám thị trại giam Xuân Lộc cho biết Nguyễn Minh Dũng nằm trong số 525 phạm nhân được xét đặc xá trong dịp này. Trạm giam đã tổ chức cho các phạm nhân giới thiệu và bỏ phiếu bầu chọn các phạm nhân đủ điều kiện, tiêu chuẩn đặc xá. Nhiều phạm nhân được xếp loại khá, tốt, lập công, có nhiều thành tích, sáng kiến được công nhận trong quá trình cải tạo…
Tuyệt đại đa số phạm nhân sau khi được đặc xá không tái phạm dù họ gặp không ít khó khăn. Anh Đỗ Tân Dụng (ấp 12, xã Xuân Tây, huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai) sau khi chấp hành xong án tù về tội chống người thi hành công vụ đã mạnh dạn vay vốn, mở xưởng làm cửa sắt, gây dựng đàn heo và trồng các loại nông sản có giá trị cao. Đến nay, gia đình anh đã có cuộc sống ổn định, các con được ăn học đầy đủ.
Còn chị Nguyễn Ngọc Phượng (ấp Phước Hòa, xã Long Phước huyện Long Thành, Đồng Nai) bị phạt 13 tháng tù về tội đánh bạc. Sau khi ra tù, bị kẻ xấu rủ rê, lôi kéo nhưng chị cương quyết từ chối. Chị Phương vay vốn mua xe nước mía, vợ chồng chí thú làm ăn, ổn định cuộc sống gia đình.
Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Bằng, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp (Bộ Công an) cho biết sẽ có khoảng 18.000 phạm nhân được đặc xá đợt này. Thực tế tỷ lệ tái phạm sau những lần đặc xá trước đây chỉ chiếm 0,73%.
Cần chia sẻ, cảm thông
Anh Dụng, chị Phượng và hàng trăm phạm nhân hoàn lương ở Đồng Nai may mắn được Quỹ “Doanh nhân với an ninh trật tự” cho vay lãi suất ưu đãi để làm kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống.
Theo đại diện Công an tỉnh Đồng Nai, sau hơn 5 năm đi vào hoạt động, quỹ đã huy động được hàng trăm lượt doanh nghiệp đóng góp với số tiền hơn 11 tỷ đồng. Hội đồng quản lý Quỹ đã xét chọn trao vốn cho trên 600 phạm nhân được đặc xá có nhu cầu vay vốn. Mức vay thấp nhất là 5 triệu đồng, cao nhất là 30 triệu đồng, thời hạn vay là 36 tháng, lãi suất 3% một năm.
Đặc biệt “Quỹ doanh nhân với an ninh trật tự” cho vay vốn ngay khi công bố quyết định chấp hành xong hình phạt tù, quyết định đặc xá tại trại tạm giam, giúp phạm nhân có vốn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh ổn định cuộc sống, đồng thời dẹp bỏ tâm lý tự ti, mặc cảm.
Tại TPHCM, Quỹ “Hòa nhập và phát triển cộng đồng” đã tư vấn cho hàng trăm người chấp hành xong án phạt tù các vấn đề pháp lý, như làm lại giấy tờ tùy thân, thủ tục xóa án tích, giải quyết việc làm. Một số doanh nghiệp còn tài trợ trao xe “bánh mì cộng đồng”, xe “thực phẩm cộng đồng”, xe “cà phê cộng đồng” cho các đối tượng của quỹ.
Ngày càng có nhiều doanh nghiệp quan tâm hỗ trợ những người hoàn lương tái hoà nhập cộng đồng. Xưởng mộc của ông Lê Thừa Như (huyện Hóc Môn, TPHCM) dạy nghề cho hơn 50 người chấp hành xong án phạt tù. Doanh nghiệp may gia công Trường Tùng (quận 7) nhận hàng chục người chấp hành xong án phạt tù vào làm việc. Ông Phạm Đức Bình, Tổng giám đốc Công ty Cám Thanh Bình (Đồng Nai) không chỉ đóng góp hàng trăm triệu đồng mỗi năm cho Quỹ “Doanh nhân với an ninh trật tự” mà còn nhận hàng chục người mãn hạn tù vào công ty làm việc...
Kiểm tra công tác đặc xá tại Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị mỗi gia đình, người dân không kỳ thị, xa lánh những người được đặc xá trở về tái hòa nhập cộng đồng.
Theo Huy Thịnh
Tiền phong