1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Kẻ thất nghiệp giả làm bác sĩ lừa tiền 800 triệu

Tự nhận đang làm việc ở khoa tim mạch bệnh viện Bạch Mai, Nguyễn Thị Thanh Huyền (SN 1976, ngụ phường Tân Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội) “nổ” có thể xin việc vào một số bệnh viện có tiếng ở Hà Nội. Bốn nạn nhân sau khi “nộp” gần 800 triệu đồng, không thấy con được nhận việc làm mới biết bị “ăn quả lừa” đã làm đơn tố cáo.

Thất nghiệp lại đi lừa đảo xin việc

Có mặt tại phiên tòa sơ thẩm vụ “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” ngày 13/1/2017, ông Nguyễn Hiếu là chồng của bị cáo Huyền gương mặt buồn thiu ngồi chờ đợi phía hành lang. Khi chiếc xe bịt bùng chở bị cáo đỗ trước cổng, người đàn ông tuổi ngũ tuần chạy vội đến nhìn vợ rồi thở dài. Ông cho biết vợ chỉ ở nhà loanh quanh làm việc vặt. Còn ông làm bảo vệ cho một ngân hàng gần nhà.

Có thời gian người chồng thậm chí không biết vợ làm gì, chỉ thấy một vài người đến nói xin việc vào bệnh viện gì đó: “Theo tôi biết thì cô ấy không thể xin được việc vào bệnh viện. Nhưng cô ấy nói có quen biết người này người kia nên tôi cũng không để ý. Sau này mới biết hành vi của cô ấy là lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, người chồng buồn rầu cho biết.

Tại tòa, Huyền khai tốt nghiệp trường trung cấp y Hà Nội năm 1998. Một năm sau đó được nhận vào hợp đồng tại bệnh viện Thanh Nhàn. Con đường sự nghiệp đứt quãng, Huyền chỉ ở nhà nội trợ. Bản thân rơi vào cảnh thất nghiệp nên Huyền đoán biết có nhiều người khác cũng tốt nghiệp ngành y nhưng không xin được việc như mình.

Thế là từ đó, cứ mỗi khi rảnh, người phụ nữ này đi đến các bệnh viện lân la làm quen. Huyền tự nhận có khả năng xin việc vào bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện Hữu Nghị Việt - Xô, bệnh viện hữu nghị Việt Đức.

Những bị hại có mặt tại phiên tòa đều khẳng định không biết Huyền là ai, làm công việc gì. Họ đều là những người mẹ có con học ngành y, muốn tìm việc cho con nên chấp nhận “đi cửa sau” để con có việc làm ở bệnh viện lớn.

Như bà Lã Thị Hương qua người cháu biết đến Huyền. Tháng 9/2014, bà Hương có con gái muốn xin vào bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Thấy cháu gái đánh tiếng có thể nhờ người xin việc giúp cho em nên bà Hương nhờ đưa đến nhà Huyền gặp gỡ. Trong buổi gặp mặt ấy, bà Hương còn rủ thêm một người bạn “đồng cảnh ngộ” đến nhờ Huyền xin vào bệnh viện làm việc.

Huyền táo tợn rao giá xin việc 300 triệu đồng/suất. Huyền thỏa thuận với bà Hương và bạn bà này phải đưa trước 150 triệu đồng/người để xin cho các con bị hại học lớp điều dưỡng tại bệnh viện và hứa hẹn sau khi tốt nghiệp sẽ cho thi công chức, cam đoan sẽ đỗ.

Bà Hương khai: “Huyền chỉ nói làm ở khoa tim mạch bệnh viện Bạch Mai. Bị cáo khẳng định hết tháng 5/2015 con gái tôi sẽ đi làm nhưng không thực hiện được. Tôi có đến nhà bị cáo đòi lại nhưng Huyền không trả lại tiền”.

Một nạn nhân khác cũng được người cháu bà Hương giới thiệu là bà Nguyễn Thị Quế ngụ huyện Gia Lâm cũng được giới thiệu tìm đến Huyền xin việc. Huyền hứa đến tháng 2/2015 sẽ xin được cho con bà Quế vào làm việc tại bệnh viện lớn ở Hà Nội với số tiền 270 triệu đồng. Tại tòa, nữ cán bộ “rởm” khai số tiền này đã đưa cho một bác sĩ ở bệnh viện này nhưng không lấy lại được.

Câu hỏi được HĐXX đặt ra cho các bị hại là người cháu đứng ra giới thiệu liệu có phải đồng phạm đứng đằng sau dẫn “mối” cho bị cáo hay không? “Tôi nghĩ cháu mình cũng là do tin người. Còn việc cháu có ăn chia cùng bị cáo không, chúng tôi không dám khẳng định”, một bị hại trả lời.

Bị cáo Huyền tại phiên tòa sơ thẩm
Bị cáo Huyền tại phiên tòa sơ thẩm

Hứa ra tù xin việc làm kiếm tiền trả nợ

Với trường hợp của bị hại Nguyễn Thị Luyến ở huyện Thanh Trì có con gái SN 1993 thời điểm năm 2013 đang học trường Cao đẳng y tế Bạch Mai. Được người bạn giới thiệu Huyền có quen biết rộng, bà Luyến liên hệ nhờ xin việc cho con vào bệnh viện. Huyền ra giá 300 triệu đồng đòng thời yêu cầu con bà phải tốt nghiệp loại giỏi và đặt trước 150 triệu đồng.

Ba tháng sau, con gái tốt nghiệp, bà Luyến đưa cho Huyền thêm 70 triệu đồng. Số tiền này, bị cáo Huyền khai trước tòa đã đưa cho một người đàn ông tên Cường làm việc tại khoa Phục hồi chức năng bệnh viện Bạch Mai nhờ xin việc. Tuy nhiên, người này bị cáo không nhớ mặt, không ghi giấy biên nhận và không có người chứng kiến.

Huyền khai sau khi biết không thể chạy được việc đã kéo dài thời gian bằng cách bảo con gái bà Luyến đem hơn 10 triệu đồng đến bệnh viện Bạch Mai nộp học chương trình “Chăm sóc bệnh nhân thận tiết niệu”. Sáu tháng sau, con bà Luyến được cấp chứng chỉ nhưng không được thi công chức như Huyền hứa hẹn. Hai mẹ con bà Luyến nhiều lần đến tìm gặp đòi lại tiền nhưng đều bị khất lần không trả:

“Bị cáo giới thiệu mình làm việc ở khoa tim mạch, cháu có lên hỏi nhưng mọi người nói không có ai tên Nguyễn Thị Thanh Huyền làm tại khoa cả. Sau đó, bị cáo khoác áo blue, đưa cho cháu tấm thẻ nhân viên bệnh viện Bạch Mai hứa sẽ xin được việc nên gia đình tin tưởng”, con bà Luyến trình bày.

Về phần chồng của bị cáo cho biết đang làm bảo vệ ở ngân hàng, còn vợ ở nhà chạy việc linh tinh. “Cô ấy nói quen nhiều người nên xin việc giúp chứ tôi không biết vợ đi lừa đảo. Tôi không được hưởng đồng nào từ số tiền cô ấy lừa gạt. Ở nhà tôi vẫn nuôi vợ, còn cô ấy đi suốt ngày”. Nói về số tiền bồi thường, ông này cho biết tài sản vợ chồng đều do một tay mình gây dựng. Người vợ chỉ có một chiếc xe đạp nên không thể khắc phục hậu quả được cho các bị hại.

Trước vành móng ngựa, bị cáo sụt sùi xin lỗi các bị hại, ngoài ra cho biết không có tiền để khắc phục hậu quả. “Ra tù em sẽ tìm việc làm để có tiền trả nợ mọi người. Giờ bị cáo chỉ xin được hưởng khoan hồng của pháp luật để sớm trở về nuôi con. Bị cáo chỉ nghĩ giúp đỡ người xin việc là “phúc đẳng hà sa” chứ bản thân không được hưởng đồng nào”.

Nữ bị cáo vừa dứt, tiếng ồn phản đối của các bị hại vang lên. Nhóm bị hại đề nghị xử lý bị cáo theo pháp luật và bồi thường lại số tiền Huyền đã lừa đảo. “Số tiền tôi đưa cho Huyền đều là đi vay. Trong số đó hơn 100 triệu là vay lãi, hàng tháng đều phải vất vả trả nợ.

Chúng tôi đề nghị bị cáo trả lại hết số tiền chúng tôi đã đưa”, một bị hại lên tiếng. Các bị hại khẳng định thủ đoạn lừa đảo của Huyền đều có chủ đích, được sắp xếp chứ không phải muốn giúp đỡ như lời bào chữa: “Nếu muốn giúp đỡ tại sao phải giới thiệu láo, mặc áo blue, đeo thẻ nhân viên giả”, nhóm bị hại đặt câu hỏi.

Kiểm sát viên nhận định hành vi của bị cáo đã xâm phạm trực tiếp đến tài sản của công dân, gây hoang mang dư luận. Hành vi của bị cáo là coi thường pháp luật và ảnh hưởng đến uy tín cơ quan nhà nước.

Đối với người phụ nữ giới thiệu các nạn nhân làm quen bị cáo, cơ quan tố tụng nhận định người này cũng bị Huyền lừa gạt, không thỏa thuận với bị cáo về việc hưởng lợi số tiền mà các bị hại đưa cho Huyền nhờ xin việc nên không xem xét xử lý. Đối với Huyền, sau khi nghị án HĐXX tuyên phạt bị cáo 13 năm tù. Ngoài ra bị cáo phải bồi thường tổng số tiền đã chiếm đoạt hơn 754 triệu đồng.

Theo Trịnh Ninh

Pháp luật Việt Nam