1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Hy hữu: Bị cáo xin tăng hình phạt… cho mình

(Dân trí) - Sau bản án sơ thẩm, bị cáo Tâm đã kháng cáo xin… tăng hình phạt tù cho mình vì nhận thấy bản án tòa tuyên chưa xứng đáng với những hành vi phạm tội mà bị cáo đã gây ra.

Ngày 19/4, Viện KSND Cấp cao tại TPHCM cho biết cơ quan này đã kháng nghị bản án phúc thẩm của TAND TP Cần Thơ; đề nghị Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại TPHCM xét xử giám đốc thẩm theo hướng hủy án để xét xử phúc thẩm theo đúng quy định của pháp luật đối với bị cáo Trần Hùng Tâm (sinh năm 1982, quê An Giang) về tội cướp giật tài sản.

Theo bản án phúc thẩm, ngày 17/1/2009, Trần Hùng Tâm và Trần Phước Hiền đi từ TP Long Xuyên (An Giang) đến quán cà phê tại TP Cần Thơ gặp Đoàn Văn Phúc.

Gặp bạn, Phúc cho biết bà Út (hàng xóm của Phúc) thường đi thu tiền hụi từ 16h đến 17h hằng ngày nên cả nhóm bàn bạc kế hoạch giật giỏ tiền của bà. Sau đó, Phúc chở Tâm bám theo bà Út trên đường bà đi thu tiền hụi rồi ra tay giật giỏ trên đoạn đường vắng. Sau khi giật giỏ xách, Tâm lấy điện thoại và được chia 6,5 triệu đồng.

Sau khi gây án, Tâm bỏ trốn lên TPHCM. Trong thời gian bỏ trốn, Tâm phạm tội và bị TAND quận Thủ Đức (TPHCM) xử 3 năm tù về tội trộm cắp tài sản vào năm 2012. Chấp hành xong hình phạt tù, Tâm lại phạm tội và bị tạm giam tại Trại tạm giam Công an tỉnh Bình Dương.

Sau khi xác định được tung tích Trần Hùng Tâm, ngày 29/4/2016, TAND quận Thốt Nốt xử sơ thẩm, tuyên phạt Tâm 8 năm 6 tháng tù về tội cướp giật tài sản (vụ cướp ngày 17/1/2009).

Tuy nhiên, sau đó Tâm kháng cáo xin tòa phúc thẩm… tăng hình phạt đối với bản thân mình vì Tâm cho rằng bản án trên chưa tương xứng với mức độ và hành vi của mình.

Xử phúc thẩm ngày 21/7/2016, TAND TP Cần Thơ chấp nhận kháng cáo của Tâm, sửa án sơ thẩm tăng lên thành 9 năm tù.

Theo Viện KSND Cấp cao tại TPHCM, trong vụ án này chỉ có Tâm kháng cáo xin tăng hình phạt, Viện KSND cùng cấp không kháng nghị và bị hại không kháng cáo yêu cầu tăng hình phạt. Tuy nhiên, theo khoản 3 Điều 249 Bộ Luật Tố tụng hình sự năm 2003 thì tòa phúc thẩm chỉ được quyền sửa án sơ thẩm theo hướng tăng hình phạt nếu Viện KSND kháng nghị hoặc người bị hại kháng cáo yêu cầu.

Vì vậy, việc tòa cấp phúc thẩm sửa án theo hướng tăng hình phạt đối với bị cáo Tâm trong trường hợp này là trái với quy định. Theo Viện KSND Cấp cao tại TPHCM, việc này là vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng hình sự trong xét xử, gây bất lợi cho bị cáo nên cần hủy án để xét xử lại.

Xuân Duy