1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Hủy án vụ đấu giá quyền thu phí cao tốc Trung Lương

Xuân Duy

(Dân trí) - Mới đây, Ủy ban thẩm phán TAND cấp cao tại TPHCM vừa mở phiên tòa xét xử giám đốc thẩm vụ án kinh doanh thương mại giữa nguyên đơn là công ty Cửu Long và bị đơn là công ty Yên Khánh.

Qua đó, HĐXX chấp nhận kháng nghị tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để xét xử lại. Đây là vụ án kinh doanh thương mại có liên quan tới vụ án ông Đinh La Thăng (sinh năm 1960, nguyên Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải), Nguyễn Hồng Trường (sinh năm 1957, nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải), Đinh Ngọc Hệ (Út “trọc) cùng đồng phạm.

Theo hồ sơ, dự án cao tốc TPHCM - Trung Lương (giai đoạn 1) được Thủ tướng phê duyệt vào năm 2004. Đại diện chủ đầu tư là công ty Cửu Long trực tiếp quản lý dự án, nguồn vốn do Bộ Tài chính ứng trước từ ngân sách Nhà nước với vốn đầu tư 9.884 tỷ đồng.

Hủy án vụ đấu giá quyền thu phí cao tốc Trung Lương - 1
Hủy án vụ đấu giá quyền thu phí cao tốc TPHCM - Trung Lương.

Trước đây, Thủ tướng đã chỉ đạo ngân hàng BIDV và các nhà đầu tư lập dự án để mua quyền thu phí của dự án và đầu tư xây dựng tiếp đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ theo hình thức BOT.

Ngày 4/11/2011, ngân hàng BIDV thay mặt các nhà đầu tư có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải đề nghị chuyển giao dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận theo hình thức BOT và đề án chuyển giao quyền thu phí đường cao tốc TPHCM - Trung Lương cho Bộ Giao thông vận tải để lựa chọn đơn vị khác.

Với mục đích chiếm đoạt quyền thu phí tuyến cao tốc TPHCM - Trung Lương, ngay từ đầu Út "trọc" đã có thủ đoạn gian dối. Bản thân Út “trọc” biết rõ tình hình tài chính công ty Yên Khánh không đủ điều kiện tham gia đấu giá mua quyền thu phí cao tốc TPHCM - Trung Lương nhưng đã chỉ đạo nhân viên làm báo cáo tài chính từ lỗ thành lãi, làm giả xác nhận của đơn vị kiểm toán trong báo cáo tài chính năm 2011, 2012 để tạo sự tin tưởng và được công nhận đủ điều kiện tham gia đấu giá.

Theo quy định của Hợp đồng số 4746/CIPM-HĐ ngày 30/12/2013 (về thanh toán tiền mua phí), công ty Yên Khánh phải thanh toán cho nhà đầu tư công ty Cửu Long 3 đợt, trong 10 tháng. Đợt 1 phải thanh toán trên 800 tỷ đồng, đợt 2 trên 601 tỷ đồng và đợt 3 là 601 tỷ đồng.

Sau đó, công ty Yên Khánh vẫn không nộp tiền theo cam kết nhưng vẫn không bị chấm dứt hợp đồng và đến ngày 30/3/2017, công ty Yên Khánh mới nộp đủ số tiền trúng đấu giá là 2.004 tỷ đồng.

Do công ty Yên Khánh vi phạm hợp đồng mua bán quyền thu phí (chậm thanh toán) nên công ty Cửu Long khởi kiện ra TAND quận Bình Thạnh (TPHCM) yêu cầu công ty Yên Khánh thanh toán số tiền phạt chậm thanh toán là 265 tỷ đồng.

Ngày 27/12/2018, TAND quận Bình Thạnh mở phiên tòa xét xử sơ thẩm và tuyên buộc công ty Yên Khánh phải thanh toán cho công ty Cửu Long số tiền phạt do vi phạm nghĩa vụ thanh toán là 163 tỷ đồng, đồng thời, chấp nhận phản tố buộc công ty Cửu Long phải thanh toán cho công ty Yên Khánh số tiền 127 tỷ đồng. Sau bản án sơ thẩm, các bên đồng loạt kháng cáo.

Ngày 9/7/2019, TAND TPHCM xét xử phúc thẩm, sửa bản án sơ thẩm tuyên buộc công ty Yên Khánh phải thanh toán cho công ty Cửu Long số tiền chậm thanh toán theo thỏa thuận hợp đồng 4746/CIPM-HĐ là 263 tỷ đồng, chấp nhận một phần yêu cầu của công ty Yên Khánh buộc công ty Cửu Long phải thanh toán cho công ty Yên Khánh số tiền bù đắp các thiệt hại do ảnh hưởng của việc lắp hệ thống ITS là 2,4 tỷ đồng, không chấp nhận yêu cầu buộc công ty Cửu Long hoàn trả cho công ty Yên Khánh số tiền 125 tỷ đồng.

Ngày 9/7/2018, công ty Yên Khánh có đơn đề nghị giám đốc thẩm đối với 2 bản án trên. Tiếp đó, Viện KSND cấp cao tại TPHCM đã ra yêu cầu hoãn thi hành án.

Ngày 25/2/2020, Viện KSND cấp cao tại TPHCM có quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị Ủy ban thẩm phán TAND cấp cao tại TPHCM tuyên hủy 2 bản án trên.

Ngày 4/5/2020 và ngày 19/8/2020, cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã có văn bản gửi TAND cấp cao tại TPHCM đề nghị hủy bản án sơ thẩm và phúc thẩm vụ án tranh chấp kinh doanh thương mại giữa công ty Yên Khánh và tổng công ty Cửu Long liên quan đến việc thực hiện hợp đồng mua, bán quyền thu phí cao tốc TPHCM - Trung Lương để đảm bảo xử lý triệt để, thống nhất trong vụ án hình sự do cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an thụ lý.

Tiếp đó, Ủy ban thẩm phán TAND cấp cao tại TPHCM mở phiên tòa giám đốc thẩm và chấp nhận kháng nghị tuyên hủy bản án sơ thẩm của TAND quận Bình Thạnh và bản án phúc thẩm của TAND TPHCM để giải quyết lại.