Hội đồng xét xử: Cựu điều tra viên Hoàng Văn Hưng không oan
(Dân trí) - Theo Hội đồng xét xử, hành vi của bị cáo Hoàng Văn Hưng mang tính chất đặc biệt nguy hiểm, gây ra bức xúc cho xã hội.
Hoàng Văn Hưng không thành khẩn, không ăn năn, không khắc phục hậu quả
Chiều 28/7, phiên tòa đại án "chuyến bay giải cứu" bước vào ngày tuyên án.
Công bố bản án, Hội đồng xét xử (HĐXX) khẳng định, bị cáo Hoàng Văn Hưng (cựu điều tra viên Bộ Công an) không oan; các đề nghị trả hồ sơ, tách vụ án để điều tra bổ sung của luật sư bào chữa cho bị cáo là không có căn cứ.
Để chứng minh cho kết luận trên, HĐXX đưa ra nhiều căn cứ buộc tội đối với Hưng, phần lớn là từ lời khai của ông Nguyễn Anh Tuấn (cựu Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội) và Nguyễn Thị Thanh Hằng (Phó Tổng giám đốc Công ty Bluesky).
Cụ thể, căn cứ vào lời khai của ông Tuấn và Hằng về việc Hưng nhận "chạy án" cho Hằng và Lê Hồng Sơn; việc Hưng yêu cầu đưa tiền; các cuộc gặp gỡ, nội dung các cuộc gặp; căn cứ vào nội dung ghi chép của Hằng về 13 lần chuyển tiền cho ông Tuấn để đưa cho Hưng...
Ngoài ra, HĐXX cũng đánh giá việc Hưng tiếp xúc, gặp gỡ Hằng - người đang bị điều tra - ở ngoài trụ sở cơ quan mà không báo cáo với đơn vị là vi phạm quy định của Bộ Công an.
Tại tòa, Hưng không thừa nhận các cáo buộc, cho rằng cơ quan điều tra buộc tội bị cáo bằng lời khai một chiều, không có chứng cứ. Về vấn đề này, HĐXX nhận định, việc thu thập bằng chứng của cơ quan điều tra, VKS là đúng quy định; bị cáo được giải trình, lấy lời khai nhiều lần, được cho viết bản tự khai để tự bào chữa nhưng bị cáo đã từ chối.
Trước lập luận của Hưng rằng lời khai của bị cáo Hằng và ông Tuấn là một chiều, không khách quan, HĐXX bác bỏ và giải thích các bị cáo được giam ở nhiều nơi khác nhau nhưng cùng cho một lời khai giống nhau.
Chủ tọa phiên tòa nhận định Hưng khai báo không thành khẩn, không trung thực, thay đổi lời khai. HĐXX đánh giá hành vi của bị cáo Hoàng Văn Hưng mang tính chất đặc biệt nguy hiểm, gây ra bức xúc cho xã hội.
"Mặc dù đã chuyển công tác nhưng Hoàng Văn Hưng vẫn đưa ra thông tin gian dối để nhận tiền của Lê Hồng Sơn, Nguyễn Thị Thanh Hằng. Sau khi nhận tiền bị cáo đã không giúp được như đã hứa hẹn nên đã phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", chủ tọa phiên tòa nói.
"Hưng lợi dụng chức vụ quyền hạn để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bị cáo không thành khẩn, không ăn năn, đến nay cũng không khắc phục hậu quả vụ án", chủ tọa phiên tòa nói và nhận định cần một mức án nghiêm khắc, cao hơn mức đề nghị của VKS dành cho bị cáo Hưng mới đủ sức răn đe.
Trước đó, theo VKS, có đủ căn cứ kết luận, Sơn và Hằng đưa hối lộ 2,65 triệu USD, Hưng lừa đảo chiếm đoạt 800.000 USD.
"Hưng sử dụng kiến thức để đối phó, trốn tránh. Tại tòa, Hưng quanh co chối tội, tạo áp lực cho bị cáo khác, xúc phạm cơ quan tố tụng", đại diện cơ quan giữ quyền công tố tại phiên tòa phát biểu và đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Hưng 19-20 năm tù.
Số tiền hối lộ đặc biệt lớn
HĐXX cho biết, tại phiên tòa một số luật sư bào chữa cho các bị cáo thuộc nhóm tội Nhận hối lộ cho rằng trong quá trình cấp phép chuyến bay không sách nhiễu, đòi hỏi doanh nghiệp chi tiền cảm ơn. Sau khi được cấp phép, các doanh nghiệp tự đến đưa tiền, quà cảm ơn; hành động này không phải là nhận hối lộ.
Tuy nhiên HĐXX nhận thấy quá trình xin cấp phép "chuyến bay giải cứu", các doanh nghiệp bị từ chối hoặc không được trả lời, trả lời chậm dẫn đến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, làm ăn thua lỗ.
Do đó, nhiều doanh nghiệp chủ động liên hệ các lãnh đạo của một số Bộ, ngành đặt vấn đề hỗ trợ nhờ vả, giúp đỡ tạo điều kiện.
Bị cáo Phạm Trung Kiên (cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế) và Vũ Anh Tuấn (cựu trưởng Phòng Tham mưu Cục Quản lý Xuất nhập cảnh) và một số người khác có hành vi đòi hỏi ra giá sách nhiễu, yêu cầu doanh nghiệp đưa tiền mới cấp phép.
Các quan chức còn lại dù không đưa yêu cầu lợi ích cụ thể, không trực tiếp thỏa thuận với doanh nghiệp về số tiền "lót tay" để cấp phép các chuyến bay nhưng đều gặp gỡ trao đổi, thống nhất sẽ tạo điều kiện doanh nghiệp.
Trước và sau các chuyến bay, các doanh nghiệp đưa tiền cho các công chức trên với danh nghĩa cảm ơn nhưng tiền cảm ơn đều dựa trên lượng chuyến bay, khách về nước.
Số tiền hối lộ mỗi lần đều ở mức đặc biệt lớn, có lần lên đến hàng tỷ đồng, hàng trăm nghìn USD; việc nhận tiền diễn ra nhiều lần, thường xuyên, liên tục.
"Các bị cáo đều nhận thức được nếu làm theo yêu cầu doanh nghiệp, doanh nghiệp sẽ chi tiền cảm ơn", HĐXX nêu.
Theo HĐXX, các bị cáo là lãnh đạo doanh nghiệp bị truy tố tội Đưa hối lộ nhận thức rõ việc cấp phép chuyến bay là thủ tục hành chính bình thường, không phải chi tiền. Song để được cấp phép nhiều chuyến bay, các doanh nghiệp đã liên hệ với quan chức.
Một số doanh nghiệp đưa tiền với mục đích để được cấp phép nhiều chuyến bay hơn, với số lượng hành khách nhiều hơn tại các nước mà doanh nghiệp mong muốn.
Hành vi này là đưa hối lộ. Các ý kiến bào chữa đây là tiền cảm ơn chứ không phải đưa hối lộ là không có căn cứ.
HĐXX cho biết, việc đưa - nhận hối lộ tồn tại dưới 2 dạng là đưa theo yêu cầu, thỏa thuận, mặc cả; hoặc gây khó khăn, mập mờ không minh bạch trong công tác cấp phép chuyến bay, buộc các doanh nghiệp chi tiền theo.