Nghệ An:
Hoãn xét xử vụ án đưa người sang Angola trái phép vì… vắng bị cáo
(Dân trí) - Phiên tòa xét xử nhóm đối tượng tổ chức đưa người đi nước ngoài trái phép đã phải hoãn lần thứ 2. Nguyên nhân là 1 trong số các bị cáo đã vắng mặt tại phiên tòa. Sự việc khiến những người có nghĩa vụ, quyền lợi liên quan hết sức bức xúc.
Sáng ngày 15/4, TAND tỉnh Nghệ An đưa vụ án “tổ chức người khác trốn đi nước ngoài và ở lại nước ngoài trái phép” do Nguyễn Minh Thìn (SN 1977, trú tại phường Nghi Hòa, thị xã Cửa Lò, Nghệ An) cầm đầu. Đây là lần thứ 2 vụ án được đưa ra xét xử.
Cùng bị đưa ra xét xử trong vụ án này còn có Mai Thị Bình (SN 1982, vợ của Thìn), Cao Văn Thân (SN 1964, trú thị xã Cửa Lò), Nguyễn Văn Minh (SN 1950, trú tại huyện Hưng Nguyên, Nghệ An), Mai Thị Thanh (SN 1980, trú thị xã Cửa Lò), Hoàng Song Toàn (SN 1983, trú tại Tp Vinh, Nghệ An). Các bị cáo được tại ngoại trong thời gian chờ xét xử.
Trước đó, như Dân trí đã đưa tin, anh Nguyễn Công Nguyên (SN 1984, trú tại thị xã Cửa Lò) tử vong tại Angola, do tiền viện phí và chi phí đưa thi hài về nước quá lớn nên đã nhờ Đại sứ quán Việt Nam tại Angola can thiệp. Sau đó, Công an tỉnh Nghệ An phát hiện, anh Nguyên được một đường dây tổ chức người khác trốn đi nước ngoài và ở lại nước ngoài trái phép do Nguyễn Minh Thìn cầm đầu.
Từ năm 2009 đến năm 2012, Nguyễn Minh Thìn, Mai Thị Bình, Cao Văn Thân, Nguyễn Văn Minh, Hoàng Song Toàn, Mai Thị Thanh mặc dù biết việc Nhà nước Việt Nam và Angola chưa ký kết hợp tác đưa người đi lao động và không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép tuyển dụng, cung ứng, sử dụng lao động nhưng đã nhận giấy tờ, thủ tục, tiền của các công dân rồi đến Công ty TNHH Thương mại và Du lịch H.A.Đ (Hà Nội) nhờ làm thủ tục xin cấp visa lao động hoặc visa du lịch.
Với các visa này, các công dân trên được đưa sang Angola làm việc trong các công trường xây dựng. Sau khi sang Angola các công dân này phải làm thuê cho các công trường xây dựng khác nhau hoặc buôn bán bất hợp pháp. Nhiều người bị cảnh sát nước sở tại bắt giữ và trục xuất về nước. Một số người khác vì không chịu được cảnh lao động khổ cực, lương thấp, đối mặt với nạn cướp bóc và nguy cơ dịch bệnh nên phải nhờ người nhà gửi tin qua “chuộc về”.
Trong 3 năm, nhóm của Thìn đã tổ chức hàng chục người sang Angola lao động. Mỗi lao động sang Angola làm việc phải nộp cho các đối tượng trên từ 5.000 đến 6.000 USD.
Tại thời điểm phiên tòa mở ra, bị cáo bị cáo Hoàng Song Toàn không có mặt. Những người đã nộp tiền cho nhóm đối tượng này tỏ ra bức xúc, cho rằng họ là người bị hại và yêu cầu tòa xét xử vắng mặt bị cáo trên. Ông Vi Văn Chắt – Chủ tọa phiên tòa cho rằng, các lao động đã nộp tiền cho các bị cáo biết trước việc sang Angola làm việc là bất hợp pháp nhưng vẫn đóng tiền để được đi. Do vậy, các lao động này là người có nghĩa vụ và quyền lợi liên quan trong vụ án chứ không phải là người bị hại.
Xét thấy sự vắng mặt của Hoàng Song Toàn ảnh hưởng đến quá trình xét xử và luận tội các bị cáo nên HĐXX đã tuyên bố hoãn phiên tòa.
Đây là lần thứ 2 phiên tòa được đưa ra xét xử nhưng bị tiếp tục bị hoãn khiến các lao động và người nhà của họ hết sức bức xúc. “Cần thiết phải sử dụng biện pháp cưỡng chế, buộc bị cáo có mặt tại phiên tòa. Chúng tôi đã mất tiền, sức khỏe, thậm chí là cả tính mạng khi đóng tiền cho họ để đi lao động bên Angola, giờ lại phải chờ đợi việc xét xử năm lần bảy lượt như thế này?”, một lao động bức xúc.
Hoàng Lam