1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Hoãn tòa vụ xử ba mẹ con vì chiếc đồng hồ nước: Luật sư nói gì?

(Dân trí) - Liên quan đến vụ án ba mẹ con vướng vòng lao lý vì bảo vệ chiếc đồng hồ nước không cho cơ quan chức năng tiến hành việc di dời, theo luật sư Hoàng Văn Hướng, quyền tài sản của gia đình đã bị xâm phạm. Hoạt động di dời chiếc đồng hồ không phải là hành vi công vụ.

Như Dân trí đã thông tin, ngày 28/11, TAND quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) mở phiên tòa xét xử cấp sơ thẩm đối với 3 bị cáo: Nguyễn Thị Minh Nguyệt (SN 1957), Nguyễn Bá Cường (SN 1981, con trai bà Nguyệt) và Nguyễn Thị Minh Thịnh (SN 1983, con gái bà Nguyệt), cùng trú tại số 15 Hàn Thuyên, phường Phạm Đình Hổ (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Các bị cáo này bị Viện kiểm sát truy tố về tội “Chống người thi hành công vụ”.

Theo cáo trạng, khoảng 15h ngày 19/8/2017, tại sân chơi chung trong ngõ 15 Hàn Thuyên (phường Phạm Đình Hổ), đơn vị thi công Dự án cải tạo mạng lưới cấp nước đến di chuyển đồng hồ nước của gia đình bà Nguyệt về vị trí thiết kế. Để đảm bảo an ninh trật tự, đi cùng đơn vị thi công là tổ công tác của Công an phường Phạm Đình Hổ.

Khi đơn vị thi công chuẩn bị tiến hành thi công thay đổi vị trí đồng hồ nước thì gặp phải sự ngăn cản từ gia đình bị cáo Nguyệt, dù cơ quan chức năng đã giải thích nhưng không nhận được sự hợp tác của gia đình.

Lúc này, bị cáo Cường chạy từ trong nhà ra, nhấc thúng thiết bị lên rồi ném đi. Ngay lập tức, tổ công tác lao vào khống chế anh Cường tại chỗ, còn bà Nguyệt thì chạy đến để can ngăn. Giữa các bên xảy ra giằng co, vật lộn khiến một cán bộ công an bị kéo tuột áo khỏi vị trí cài trong quần và rơi biển hiệu.

Cơ quan tố tụng cho biết, khi đội thi công tiếp tục làm việc thì chị Thịnh vẫn có hành vi chống đối nên tổ công tác đã khống chế và đưa về trụ sở để làm việc.

Tại phiên tòa, gia đình bị cáo Nguyệt bất ngờ cung cấp thêm hình ảnh từ camera giám sát, có nội dung ghi nhận toàn bộ sự việc xảy ra giữa các bên để chứng minh các bị cáo không có hành vi “Chống người thi hành công vụ”.

Sau nghị án, đánh giá diễn biến xảy ra tại phiên tòa, Hội đồng xét xử đã quyết định trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung để làm rõ tình tiết trong vụ án này.

Lực lượng Công an phường Phạm Đình Hổ tiến hành khống chế anh Nguyễn Bá Cường chiều ngày 19/8/2017 (Ảnh cắt từ clip)
Lực lượng Công an phường Phạm Đình Hổ tiến hành khống chế anh Nguyễn Bá Cường chiều ngày 19/8/2017 (Ảnh cắt từ clip)

“Vụ án này chưa xuất hiện quan hệ công vụ”

Nghiên cứu hồ sơ vụ việc, luật sư Hoàng Văn Hướng - Trưởng Văn phòng luật sư Hoàng Hưng (Đoàn luật sư TP Hà Nội) nêu quan điểm, đối với tội danh “Chống người thi hành công vụ” theo điều 257 Bộ luật Hình sự 1999, các chủ thể của tội phạm này buộc phải có hành vi khách quan xâm phạm đến khách thể là các hoạt động đúng đắn của cơ quan nhà nước, người đang thi hành công vụ.

“Trong vụ án này, tôi xác định không có khách thể của tội phạm. Bởi vì, hoạt động của nhân viên Công ty cấp nước sạch và UBND phường Phạm Đình Hổ phải có quyết định, mệnh lệnh hành chính mới có thể tháo dỡ, di dời chiếc đồng hồ nước của gia đình bà Nguyệt. Từ đó, sẽ xuất hiện quan hệ công vụ và thể hiện bằng hoạt động cưỡng chế di dời” - ông Hướng nhận định.

Luật sư Hoàng Văn Hướng- Trưởng văn phòng luật sư Hoàng Hưng (Hà Nội).
Luật sư Hoàng Văn Hướng- Trưởng văn phòng luật sư Hoàng Hưng (Hà Nội).

Luật sư Hướng cho rằng, đoạn ống nước từ sau đồng hồ dẫn vào trong nhà bị cáo Nguyệt là tài sản riêng, thuộc quyền sở hữu hợp pháp của gia đình. Việc này thể hiện qua hợp đồng, biên bản bàn giao giữa đơn vị cung cấp nước và gia đình bà Nguyệt, trong đó nêu rõ đường ống phía sau đồng hồ trở vào đến nội vi được gia đình bỏ tiền mua hồi tháng 3/2017.

Cũng theo luật sư Hướng, khi phát hiện vị trí đặt đồng hồ nước của gia đình bà Nguyệt không đúng với thiết kế ban đầu, phía Công ty nước sạch đã làm công văn gửi UBND phường. Sau đó, UBND phường có tổ chức lực lượng công an kết hợp với đơn vị thi công đến di chuyển đồng hồ, trong đó có cả đoạn ống nước thuộc sở hữu của nhà bà Nguyệt.

“Tuy nhiên, gia đình bị cáo Nguyệt lại không nhận được thông báo về việc di dời đồng hồ nước, cũng như có các quyết định hành chính từ cơ quan chức năng đưa ra để thực hiện việc này. Do đó, hoạt động di dời chiếc đồng hồ nước không phải là hành vi công vụ, đồng thời quyền tài sản của công dân đã bị xâm phạm khi chưa được gia đình bà Nguyệt đồng ý” - luật sư Hướng nói.

Nguyễn Trường