1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Hoãn tòa vì “bà trùm” ngân hàng đau bụng

(Dân trí) - Trước khi mở phiên toà 2 ngày, bị cáo Toan bất ngờ nhập viện. Theo đơn xin hoãn phiên toà, bị cáo Toan bị chóng mặt, đau đầu, tăng huyết áp. Còn bị cáo Phí Thị Ong cũng vắng mặt vì lý do bị đau bụng, xuất huyết trĩ nội.

Ngày 20/6, TAND TPHCM mở phiên toà xét xử 9 bị cáo nguyên là cán bộ, nhân viên ngân hàng Agribank Chi nhánh Mạc Thị Bưởi về các tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, gây thiệt hại cho Agribank chi nhánh Mạc Thị Bưởi hơn 168 tỉ đồng.

Hoãn tòa vì “bà trùm” ngân hàng đau bụng - 1
Bị cáo Toan bị đau đầu nên tòa hoãn.

Tuy nhiên, 2 bị cáo Phí Thị Ong (sinh năm 1960, nguyên giám đốc Agribank chi nhánh Mạc Thị Bưởi) và Phạm Thị Mai Toan (sinh năm 1955, nguyên uỷ viên HĐTV Agribank Việt Nam) vắng mặt.

Theo đó, trước khi mở phiên toà 2 ngày bị cáo Toan bất ngờ nhập viện. Theo đơn xin hoãn phiên toà, bị Toan bị chóng mặt, đau đầu, tăng huyết áp, thoái hoá cột sống... HĐXX cho biết vì bà Toan bị các bệnh này đã lâu nên bị cáo không bị tạm giam mà được cho tại ngoại và đây không phải bệnh hiểm nghèo.

Tương tự, bị cáo Phí Thị Ong cũng vắng mặt vì lý do bị đau bụng, xuất huyết trĩ nội. Đại điện Viện KSND TPHCM cho rằng hai bị cáo Phạm Thị Mai Toan và Phí Thị Ong là các bị cáo đầu vụ nên sự vắng mặt của các bị cáo này ảnh hưởng đến việc xét xử.

Theo HĐXX, trong vụ án còn có bị cáo Nguyễn Thị Hoài Thu (sinh năm 1978, nguyên trưởng phòng tín dụng) có bầu sắp đến ngày sinh nên không thể kéo dài thời gian được nữa. Hơn nữa, tại phiên toà cũng có bác sĩ có thể chăm sóc sức khoẻ cho các bị cáo.

Từ đó, HĐXX quyết định hoãn phiên toà vì lý do sức khoẻ của các bị cáo. Tuy nhiên, HĐXX cũng lưu ý về thời hạn xét xử. Thời gian mở lại phiên toà được ấn định vào ngày 28/6, dự kiến sẽ được xét xử trong 3 ngày.

HĐXX tống đạt quyết định mở phiên toà cho các bị cáo, nếu lần sau các bị cáo không đến HĐXX vẫn xét xử vụ án. HĐXX cũng sẽ tiến hành xác minh nếu người nào đó cố tình gây trở ngại sẽ có biện pháp xử lý. Nếu xét thấy việc cho các bị cáo tại ngoại mà bị cáo cố tình gây trở ngại cho việc xét xử thì HĐXX sẽ thay đổi biện pháp ngăn chặn thành tạm giam.

Theo cáo trạng, từ năm 2007 đến năm 2009, Agribank chi nhánh Mạc Thị Bưởi cho công ty An Việt vay 255 tỉ đồng và 3 triệu USD thông qua 3 hợp đồng tín dụng. Tài sản đảm bảo là toàn bộ giá trị quyền sử dụng đất và tài sản hình thành trong tương lai của khu đất 112.425 m2 tại phường Phú Hữu, quận 9.

Tháng 8/2009, công ty An Việt đề nghị Agribank Chi nhánh Mạc Thị Bưởi cho phép chuyển nhượng dự án cho công ty Khu Đông để trả khoản vay của Agribank Mạc Thị Bưởi trước đây thì được Agribank Mạc Thị Bưởi đồng ý. Tuy nhiên, khi công ty Khu Đông thanh toán 317 tỉ đồng tiền chuyển nhượng dự án vào tài khoản của công ty An Việt tại Agribank Chi nhánh Mạc Thị Bưởi thì các bị cáo là cán bộ, nhân viên Agribank chi nhánh Mạc Thị Bưởi đã không thực hiện việc tất toán toàn bộ tiền vay của 3 hợp đồng tín dụng trên, mà chỉ tất toán một phần với số tiền 154 tỉ đồng, số còn lại duyệt chi cho công ty An Việt.

Đồng thời, các đối tượng còn tạo hồ sơ khống, thế chấp tài sản đảm bảo để hợp thức hoá 2 khoản vay của công ty An Việt gây thiệt hại hơn 154 tỉ đồng. Ngoài ra, trong việc ký hợp đồng tín dụng với 5 khách hàng khác, cán bộ, nhân viên Agribank chi nhánh Mạc Thị Bưởi không gặp trực tiếp khách hàng để thẩm định hồ sơ vay, gây thiệt hại cho ngân hàng này 14 tỉ đồng.

Xuân Duy