1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Sóc Trăng:

Hoãn lần 5 phiên tòa xử “Tham ô tài sản” tại Trung tâm khuyến công

(Dân trí) - Ngày 20/6, TAND tỉnh Sóc Trăng đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm lần thứ 5 vụ án hình sự “Tham ô tài sản” tại Trung tâm khuyến công (nay là Trung tâm khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp) thuộc Sở Công nghiệp (nay là Sở Công thương) tỉnh Sóc Trăng.

Sau 3 ngày xét xử, phiên tòa lại bị dừng giữa chừng với lý do: Bị cáo Trần Tấn Là (Chủ nhiệm HTX Như Ý) bị tai biến mạch máu não, không thể tiếp tục phiên tòa.

 

Theo cáo trạng, trong hai năm 2006 - 2007, Trung tâm khuyến công được giao thực hiện 65 đề án khuyến công, dạy nghề giải quyết việc làm với tổng kinh phí hơn 1,4 tỉ đồng. Trong quá trình thực hiện các đề án, Trung tâm đã ký hợp đồng mở một số lớp đào tạo nghề sản xuất hàng tiểu thủ công nghiệp với HTX Huỳnh Ngọc, HTX Như Ý, HTX Ngọc Bích (đều nằm trong tỉnh Sóc Trăng) nhằm mục đích dạy nghề sản xuất hàng tiểu thủ công nghiệp từ nguyên liệu bèo lục bình, cói..., tạo việc làm và tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho xã viên, người lao động nông thôn nghèo.
 
Hoãn lần 5 phiên tòa xử “Tham ô tài sản” tại Trung tâm khuyến công - 1

Phiên xử sơ thẩm bị hoãn lần thứ 5 khiến nhiều người bàn tán xôn xao

 

Đến cuối năm 2007, Trung tâm đã làm hồ sơ quyết toán và được thanh toán hơn 1,37 tỉ đồng. Tuy nhiên, trong quá trình lập hồ sơ quyết toán các đề án, một số cán bộ của Trung tâm đã mắc một số sai phạm: buông lỏng quản lý; thu - chi chưa đúng nguyên tắc; nhiều chứng từ quyết toán không hợp lệ...

 

Cuối năm 2009, cơ quan CSĐT công an tỉnh Sóc Trăng đã khởi tố vụ án hình sự “Tham ô tài sản” và khởi tố bị can đối với Ngô Hồng Phi (Giám đốc Trung tâm khuyến công), Nguyễn Quốc Trung, Nguyễn Thế Vương, Đặng Minh Út (cán bộ Trung tâm khuyến công), Huỳnh Văn Bảy (cán bộ Phòng Kinh tế huyện Kế Sách, Sóc Trăng). Riêng Quách Thị Hồng Quyên (thủ quỹ Trung tâm khuyến công) đã bỏ trốn, cơ quan CSĐT đã phát lệnh truy nã. Trong vụ án này, có hai chủ nhiệm HTX bị “cuốn” vào “vòng xoáy” điều tra, đó là Trần Tấn Là (chủ nhiệm HTX Như Ý), Huỳnh Ngọc Bích (chủ nhiệm HTX Ngọc Bích).

 

Cuộc điều tra kết thúc, cơ quan CSĐT đã chuyển hồ sơ tới Viện KSND tỉnh Sóc Trăng đề nghị truy tố các bị can trước pháp luật. Ngày 6/8/2010, Viện KSND tỉnh Sóc Trăng đã có cáo trạng, kết luận: Các bị can Phi, Út, Trung, Vương cấu kết với Là, Bảy, Bích vì mục đích vụ lợi và động cơ cá nhân, đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình lập chừng từ khống tạm ứng, thanh toán tiền trái nguyên tắc, chế độ, thể lệ về quản lý tài sản thuộc lĩnh vực công tác do mình quản lý, nhằm chiếm đoạt tiền của Nhà nước tổng cộng hơn 400 triệu đồng, vì vậy truy tố các bị can trên ra trước pháp luật về tội “Tham ô tài sản”.

 

Sau 3 lần xét xử không thành, ngày 11/1/2011, TAND tỉnh Sóc Trăng tiếp tục mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án này lần thứ… 4. Trong 4 ngày xét xử (từ 11 đến 14/1), qua xét hỏi công khai tại tòa, có nhiều vấn đề đáng quan ngại về tố tụng đã nổi lên: Nhiều bị cáo khai nhận trong quá trình điều tra, các điều tra viên đã có hành động ép cung, mớm cung, hướng dẫn cho bị cáo viết lời khai theo chủ định của điều tra viên. Một số bị cáo chưa nhận được kết luận giám định tài chính về số tiền thiệt hại cũng như số tiền mà các bị cáo phải chịu trách nhiệm. HTX có tổ chức các lớp dạy nghề (HTX ký hợp đồng mở lớp dạy nghề với Trung tâm khuyến công; chính quyền địa phương khẳng định có việc mở lớp dạy nghề; các lớp dạy nghề có khai giảng; giáo viên dạy nghề chứng minh có dạy nghề, người lao động được học nghề, làm ra sản phẩm...) nhưng không hiểu vì sao cơ quan điều tra kết luận là không tổ chức lớp...

 

Đáng chú ý, tại kết luận điều tra và cáo trạng, hầu hết trách nhiệm- từ việc thực hiện đề án, đến việc lập hồ sơ, thanh toán tiền...- đều được cơ quan tố tụng trút cho các bị cáo. Còn trách nhiệm của Sở Công thương - cơ quan quản lý nhà nước, nơi trực tiếp quản lý các hoạt động Trung tâm khuyến công- được nhắc đến khá “khẽ khàng:”. Vai trò và trách nhiệm của Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước tỉnh Sóc Trăngcũng bị bị “lãng quên”.

 

Được biết, đây là các đề án khuyến công sử dụng kinh phí từ nguồn ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, chịu sự quản lý rất chặt chẽ của các cơ quan có trách nhiệm cả trung ương và địa phương. Theo kết quả giám định tài chính, trong 65 đề án, khi quyết toán có đến 712 chứng từ không hợp lệ, tương đương với hơn 540 triệu đồng. Thế nhưng, Sở Tài chính Sóc Trăng có vẻ rất "bàng quan" với số lượng chứng từ không hợp lệ rất lớn đó và dễ dàng ký duyệt quyết toán các đề án. Sau đó, Kho bạc Nhà nước tỉnh Sóc Trăng cũng chấp thuận cho Trung tâm khuyến công rút tiền. Một câu hỏi được đặt ra: Vì sao 712 chứng từ không hợp lệ lại dễ dàng "qua mặt" được Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước, để rồi hàng trăm triệu đồng được quyết toán nhanh gọn, được rút ra suôn sẻ, các bị cáo chi tiêu trái nguyên tắc và kết cục bị sa vào vòng xoáy của pháp luật? Chiều 14/1, Hội đồng xét xử đã quyết định hoàn trả hồ sơ cho Viện KSND tỉnh Sóc Trăng để tiến hành điều tra bổ sung. Cho đến phiên tòa ngày 20-6 vừa qua, một lần nữa, phiên tòa tiếp tục tạm hoãn…mà chưa biết ngày xử lại bởi bị cáo Là bị tai biến không biết bao giờ mới bình phục. Còn các bị cáo lại tiếp tục ngồi trong nhà tạm giữ chờ….

 

Theo Luật sư Ngô Hữu Nhị, Trưởng Văn phòng luật sư Thiên Ân (TPHCM) -bào chữa cho các bị cáo: Theo qui định của pháp luật, đối với các bị cáo của vụ án này, mỗi lần tạm giam là 3 tháng và không quá 3 lần, nếu có thể thì sẽ tạm giam thêm 2 lần, mỗi lần không quá một tháng. Nhưng thực tế các bị cáo này đã bị tam giam 19 tháng, tức là quá thời hạn qui định. Nếu vụ án chưa thể xét xử được thì cần phải cho các bị cáo được tại ngoại, thế nhưng TAND tỉnh Sóc Trăng vẫn không xét, dù các bị cáo đã làm đơn xin tại ngoại. Luật sư Nhị cho biết thêm: Vụ án này không lớn nhưng lại có số lượng người bị triệu tập rất đông. Cụ thể, 130 người là nhân chứng và người có liên quan; 7 bị cáo; 6 luật sư…

 

B.D