1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Đà Nẵng:

Hỗ trợ người vừa mãn hạn tù hòa nhập cộng đồng

(Dân trí) - Từ năm 2002-2012, toàn TP Đà Nẵng có hơn 2.600 người đã chấp hành xong án phạt tù từ các trại giam về sinh sống trên địa bàn; riêng trong năm 2013 đã có 686 người chấp hành xong án phạt tù trở về.

Ngày 24/7, Công an TP Đà Nẵng đã có buổi báo cáo tình hình và kết quả thực hiện Nghị định 80 của Chính phủ quy định các biện pháp tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù trên địa bàn.

Theo kết quả khảo sát, từ năm 2002 đến năm 2012, toàn TP Đà Nẵng có 2.637 người chấp hành xong án phạt từ các trại giam về sinh sống trên địa bàn; trong đó 22 đối tượng đã chết, 66 đối tượng đi tù, 65 đối tượng đi khỏi địa phương, 660 đối tượng đi đâu không rõ… Trong năm 2013, TP Đà Nẵng có 686 người chấp hành xong án phạt tù; trong đó có 18 người không về nơi cư trú, 3 người ở các tỉnh khác và 46 người tái phạm.

Hỗ trợ người vừa mãn hạn tù hòa nhập cộng đồng
Lực lượng Công an địa phương, Hội phụ nữ và người trở về hòa nhập cộng đồng giao lưu, chia sẻ những kinh nghiệm để họ hòa nhập tốt hơn với xã hội

Theo Công an TP Đà Nẵng, trong thời gian qua, các cơ quan ban ngành, đoàn thể, quận huyện và phường xã đã tích cực phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước; kêu gọi trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và cá nhân trong việc xóa bỏ thái độ, hành vi định kiến, kỳ thị đối với người được đặc xá và quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ họ ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng…

Năm 2001, TP Đà Nẵng cũng đã ký quyết định thành lập “Quỹ giải quyết việc làm cho đối tượng đã từng vi phạm pháp luật sau khi chấp hành hình phạt trở về (gọi là Quỹ hoàn lương). Quỹ này được giao cho Công an TP Đà Nẵng chủ trì phối hợp với các ban ngành, tổ chức, đoàn thể triển khai thực hiện. Kết quả, qua 12 năm thực hiện đã làm thủ tục cho vay 88 đợt với 1.127 lượt người được vay với tổng số tiền gần 3,5 tỉ đồng. Hiện nay còn 756 người vay với số dư nợ gần 2 tỉ đồng.

Hỗ trợ người vừa mãn hạn tù hòa nhập cộng đồng
Anh Đoàn Văn Mến – thành viên đội dân phòng cơ động phường Hòa Xuân (Cẩm Lệ) chia sẻ kinh nghiệm của mình sau khi trở về hòa nhập cộng đồng

Từ quỹ này cho thấy các đối tượng được vay vốn đều sử dụng đúng mục đích, tạo được công ăn việc làm, góp phần ổn định đời sống, tạo điều kiện cần thiết cho nhiều người sớm hòa nhập cộng đồng và đã thực hiện tốt nghĩa vụ hoàn trả theo quy định.

Bên cạnh “Quỹ hoàn lương”, trong quá trình triển khai thực hiện nhiều cấp ủy, chính quyền, tổ chức xã hội và cá nhân người chấp hành xong án phạt tù đã có nhiều nỗ lực, cố gắng tìm tòi, xây dựng nhiều mô hình, cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả, phù hợp với các đặc điểm tình hình từng địa bàn… Qua đó, có 6 mô hình tiêu biểu để hòa nhập cộng, đó là mô hình “5+1”, “Một hướng, hai quản, ba tự giác”, “Hỗ trợ vạy vốn”, “tạo việc làm”…

Hỗ trợ người vừa mãn hạn tù hòa nhập cộng đồng
Phó Chủ tịch TP Đà Nẵng – Võ Duy Khương – tặng bằng khen đến các cá nhân và tập thể có công đóng góp đối với người trở về hòa nhập cộng đồng

Tại buổi báo cáo, ban tổ chức cũng đã tổ chức giao lưu giữa lực lượng Công an địa phương, Hội phụ nữ và người từ trại trở về. Anh Đoàn Văn Mến là người từ trại trở về hòa nhập với cộng đồng và hiện là thành viên đội dân phòng cơ động phường Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ). Anh Mến cho biết, sau khi trở về địa phương, anh không muốn gặp ai nhưng được sự động viên của cán bộ phường, anh dần hòa nhập với cuộc sống ở nơi cư trú. Sau một thời gian anh tham gia vào đội dân phòng cơ động và tham gia bắt trộm cắp tại địa phương.

Anh tâm sự: “Công việc hiện tại của tôi là thợ sơn cũng đủ trang trải cuộc sống gia đình dù có khó khăn. Tôi mong muốn lãnh đạo địa phương tạo điều kiện thuê chung cư để ở nhằm giảm bớt gánh nặng vì gia đình bố mẹ đông con, qua đó có thời gian làm ăn và tham gia công tác xã hội, quên quá khứ lầm lỗi để hòa nhập với xã hội”.

Anh Mến nhắn gởi đến mọi người: Những người lầm lỗi cố gắng đứng lên lao động bằng đôi tay của mình, nếu có nghĩ về việc vi phạm pháp luật thì nên bỏ đi và sống tốt với mọi người.

Bà Võ Thị Kim Minh – Phó Chủ tịch Hội phụ nữ phường Khuê Mỹ (quận Ngũ Hành Sơn) - cũng cho biết, Hội phụ nữ phường cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ đối với những người từ trại trở về, tạo cho họ có công ăn việc làm, ổn định cuộc sống để hòa nhập với cộng đồng. Qua đó, Hội phụ nữ phường đã giúp đỡ được nhiều trường hợp hòa nhập tốt với cộng đồng.

“Đối với người từ trại trở về, mọi người nên quan tâm nhiều hơn, nếu họ có nhu cầu ay vốn thì cho vay với lãi suất ưu đãi và thời gian kéo dài, tạo điều kiện cho họ có cuộc sống tốt hơn”, bà Võ Thị Kim Minh phát biểu.

Còn Trung tá Phan Văn Tư – Trưởng công an phường Hòa Khê (quận Thanh Khê) thì cho rằng người vừa ở trại về luôn có sự mặc cảm nhưng chính sự quan tâm, động viên của những người xung quanh, của chính quyền cơ sở giúp cho đối tượng tiến bộ, tạo điều kiện cho họ có công ăn việc làm thì họ sẽ hòa nhập cộng đồng tốt hơn.

Công Bính