1. Dòng sự kiện:
  2. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2
  3. Xuyên Việt Oil

Hình sự đặc nhiệm ngày ấy… bây giờ

Lực lượng hình sự đặc nhiệm (đội 3, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an TP. Hồ Chí Minh) tiền thân là đội SBC (săn bắt cướp) một thời lẫy lừng với những cái tên mới nhắc đến thì bọn trộm cắp, cướp giật đường phố đều “xanh mặt”: Lý Đại Bàng, Trần Văn Ngọc…

Những vụ án để đời

Ngày 2-4-2008, đội hình sự đặc nhiệm chính thức thành lập. Tại buổi ra mắt cách đây 8 năm, Đại tá Phan Anh Minh - Phó Giám đốc Công an TP. Hồ Chí Minh (nay là thiếu tướng) đã trao quyền cho lực lượng này với mục tiêu nhằm xóa sổ tội phạm từ trong “trứng nước” với những quyền hạn rất lớn lúc bấy giờ là kiểm tra hành chính đối tượng nghi vấn trên đường phố, phục kích, đón lõng, bắt giữ, khám người…

Đội trưởng đầu tiên là Trung tá Trần Văn Ngọc (cuối năm 2008, Trung tá Ngọc giữ chức Phó Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, nay là Đại tá - Trưởng Công an Quận Bình Tân). Dưới sự chỉ đạo của Trung tá Ngọc, lứa trinh sát trẻ ngày đó được tăng cường từ trung đoàn cảnh sát cơ động vào năm 2011 gồm có: Võ Duy Hưng, Lưu Duy Thắng, Trần Văn Lành, Võ Ngọc Dung...

Ngay khi ra mắt, tối ngày 2-4, dư luận TP. Hồ Chí Minh xôn xao bởi một vụ cướp giật điện thoại tại quận Tân Bình. Sau đó, nhóm đối tượng hung hãn này còn quay lại hẻm 663 Cộng Hòa (P.13, quận Tân Bình) chém hai người dân truy đuổi chúng trước đó là anh Trịnh Xuân Tâm và Trần Xuân Thanh bị thương nặng, phải nhập viện. Ban Giám đốc Công an TP. Hồ Chí Minh yêu cầu đội hình sự đặc nhiệm phải nhanh chóng tìm ra thủ phạm bằng mọi giá. Hàng trăm lượt trinh sát hóa trang, ẩn danh lên đường làm nhiệm vụ, quên cả đói khát và mệt mỏi...

Lứa trinh sát đầu tiên của đội hình sự đặc nhiệm năm 2008.
Lứa trinh sát đầu tiên của đội hình sự đặc nhiệm năm 2008.

Đối tượng cầm đầu được xác định là Đạt “trắng” (SN 1983, ngụ Kon Tum). Tối 10-4, trinh sát báo về nơi ẩn náu của nhóm đối tượng này là một quán cà phê ở quận Tân Phú. Trưa ngày hôm sau, Đạt “trắng” bị bắt ngay tại hang ổ. Ít ai ngờ, hắn có dáng dấp thư sinh nhưng lại phạm tội tày trời đến thế. Sau này thì hắn bị lĩnh án tử hình.

Sau vụ khuất phục băng Đạt “trắng”, vào đầu năm 2009, dư luận TP. Hồ Chí Minh tiếp tục rúng động trong vụ cướp tiệm vàng Anh Sang (huyện Nhà Bè) vì bọn cướp táo tợn tấn công chủ tiệm vàng ngay giữa trưa. Một đối tượng còn sử dụng “hàng nóng” bắn chống trả chủ tiệm. Khi đó, các lực lượng nghiệp vụ khác của Công an TP. Hồ Chí Minh có mặt tại hiện trường gồm: Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Phòng Kĩ thuật hình sự, Công an huyện Nhà Bè...

Đạt “trắng” bị bắt năm 2008.
Đạt “trắng” bị bắt năm 2008.

Vết đạn của băng cướp còn găm vào tường, may mà không có thương vong. Sau khi gây án, bọn chúng lên xe máy tẩu thoát. Đội hình sự đặc nhiệm phải mất nhiều tháng để truy xét. Đối tượng gây án bị bắt ngay trên đường khi chưa kịp rút súng trong cốp xe. Việc tìm ra băng nhóm tội phạm làm nức lòng người dân TP. Hồ Chí Minh và cả nước.

Ít ngày sau, TP. Hồ Chí Minh “dậy sóng” với hàng loạt vụ trộm cắp tài sản của khách hàng từ các ngân hàng trên địa bàn bước ra. Bọn tội phạm cùng chung một thủ đoạn là bẻ phần bật (làm bằng inox rất chắc chắn) của cây dù che mưa, bỏ vào gói thuốc lá. Bọn chúng đi xe máy đeo bám khách hàng mang tiền từ ngân hàng bước ra, ném vào phía lốp trái của ô tô, nhằm làm lủng lốp xe và thu hút sự chú ý.

Khi tài xế mở cửa bước xuống kiểm tra lốp sau có bị hỏng hay không, thì thường người có tài sản ngồi ghế sau cũng bước xuống xe để xem thử chuyện gì đang xảy ra. Chỉ chờ có thế, một đối tượng trong băng cướp giật này trờ tới, mở cửa sau của ô tô và lấy tiền đựng trong túi xách rồi phi lên xe máy tẩu thoát.

Ban chuyên án được thành lập do đại tá Mai Văn Tấn (nguyên Trưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội), thượng tá Trần Văn Ngọc (phó phòng), đội hình sự đặc nhiệm làm chủ công. Ban chuyên án xác định băng cướp giật này có tổng cộng sáu đối tượng người Indonesia, chuyên trộm cướp tiền ở ngân hàng.

Bọn chúng phân công nhau vào các vị trí trực tiếp giật túi xách, cản địa, chuyên chở… rất chuyên nghiệp. Sau mỗi lần gây án, bọn chúng về khách sạn ở Q1 rồi ra ngay sân bay bằng vé đặt trước để về nước. Điều này gây rất nhiều khó khăn cho lực lượng hình sự đặc nhiệm.

Một thông tin hữu ích xuất hiện là trước khi gây án tại TP. Hồ Chí Minh, ở Hà Nội từng xuất hiện loại tội phạm này. Một tổ trinh sát lập tức bay ra Bắc để nắm tình hình, kết hợp với các tổ khác tiến hành biện pháp nghiệp vụ tại phía Nam. Khi thời cơ đã chín muồi, ban trinh sát quyết định “cất lưới”. Hàng loạt tổ trinh sát hình sự đặc nhiệm vào vị trí, ẩn danh, “ém quân” bên ngoài các trụ sở ngân hàng lớn trên địa bàn thành phố.

Vào một chiều tháng 7- 2009, bọn tội phạm bắt đầu “săn” con mồi khi vừa rời trụ sở mà không hay biết đang lọt vào “tầm ngắm” của các chiến sĩ hình sự. 4 đối tượng bị bắt tại trận, 2 đối tượng còn lại chạy xe máy thục mạng ra tận bến Vân Đồn. Quyết bắt cho được đối tượng phạm pháp, trinh sát Võ Ngọc Dung cùng đồng đội đã nổ súng cảnh cáo và áp sát xe máy của 2 tên này. Bọn chúng chỉ kịp thốt lên “no, no” và ngoan ngoãn tra tay vào còng số 8.

Trong trận giáp mặt với đối tượng nước ngoài này, Đại úy Nguyễn Xuân Lành (tổ 3), làm nhiệm vụ yểm trợ phía sau cho đồng đội do truy đuổi với tốc độ cao bị rớt văng ra khỏi xe vì đụng “lô cốt”, may là chỉ bị xây xát nhẹ.

Trên đây chỉ là ba vụ trấn áp tội phạm hung dữ, táo tợn, manh động trong một khoảng thời gian rất ngắn từ khi thành lập đội hình sự đặc nhiệm. Đó là những vụ gây dấu ấn đậm nét cho người dân thành phố.

Bữa cơm đạm bạc của lính hình sự đặc nhiệm trước khi vào ca tuần tra.
Bữa cơm đạm bạc của lính hình sự đặc nhiệm trước khi vào ca tuần tra.

Liên tiếp lập công

Thời gian như thoi đưa. Tám năm đã trôi qua, lứa trinh sát đầu tiên của đội hình sự đặc nhiệm đều đã giữ chức vụ lãnh đạo đội hoặc chuyển sang công tác khác. Sau đội trưởng đầu tiên là Trần Văn Ngọc, đội trưởng tiếp theo là Thiếu tá Phạm Văn Phòng (nay là Thượng tá, Phó phòng của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Bộ Công an tại phía Nam), rồi thiếu tá Nguyễn Lê Hùng (nay là Thượng tá, Phó trưởng Công an quận 2). Hiện nay, lãnh đạo đội là lứa trinh sát đầu tiên của đội vào năm 2008: Thiếu tá Lưu Duy Thắng - quyền đội trưởng đội hình sự đặc nhiệm; Đại úy Võ Duy Hưng - đội phó...

Hiện nay lứa trinh sát trẻ của đội được tuyển dụng vẫn có “nguồn” từ Trung đoàn Cảnh sát cơ động (PK20, Công an TP. Hồ Chí Minh), có tuổi đời sinh năm 1987 - 1990. Các anh đều rất trẻ, có bản lĩnh.

Đại úy Võ Duy Hưng - đội phó đội hình sự đặc nhiệm, chia sẻ: “Phải có lòng yêu nghề, dũng cảm, mưu trí thì mới tồn tại được tại đội này. Tội phạm hiện nay khác ngày trước rất nhiều. Các đối tượng cướp giật luôn hóa trang, ăn mặc áo sơ mi, bỏ áo trong quần, chở bạn gái phía sau như đi dạo phố. Bọn chúng luôn trà trộn vào dòng người như đi hóng mát, đeo bám “con mồi” qua nhiều quận thì mới gây án. Do đó, lính hình sự phải đeo bám qua nhiều quận, huyện, phải bắt quả tang đối tượng và tang vật. Tội phạm hiện nay chủ yếu nghiện HIV, ngáo đá, chích hút nên chúng tôi luôn phải làm công tác phòng ngừa trước tiên!”.

Đại úy Võ Duy Hưng – Đội phó Đội Hình sự đặc nhiệm hiện nay.
Đại úy Võ Duy Hưng – Đội phó Đội Hình sự đặc nhiệm hiện nay.

Ngoài nhiệm vụ phát hiện đối tượng manh động dùng hung khí, lực lượng hình sự đặc nhiệm phải truy bắt các đối tượng có lệnh truy nã, bắt nóng của Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội và công an các quận, huyện chuyển hồ sơ về.

Trong tháng 3 vừa qua, một băng nhóm dàn cảnh đụng xe gồm 8 tên ở quận 4 đã bị sa lưới. Bọn chúng hoạt động tại nhiều địa bàn, khi phát hiện người dân để tiền trong người là lập tức áp sát, dàn cảnh để ép xe, tạo hiện trường giả... Băng nhóm này bị triệt phá chỉ trong một lần ra quân. Các trinh sát đã ập vào tận hang ổ của chúng tại Q.4, bắt toàn bộ.

Trước đó, tại Q.9, khi tổ tuần tra hình sự đặc nhiệm tới đây thì phát hiện hai nhóm giang hồ chuẩn bị thanh toán nhau có dấu hiệu nghi vấn. Lực lượng hình sự lập tức yêu cầu kiểm tra cốp xe, kiểm tra hành chính và phát hiện, thu giữ nhiều hung khí. Một đối tượng manh động trong nhóm co giò bỏ chạy, dùng hung khí chống trả làm bị thương một trinh sát.

Nói về chuyện hi sinh vì nghề, một trinh sát trẻ tâm sự: “Nhiều anh em trong đội phải uống thuốc chống phơi nhiễm HIV vì đối tượng có HIV giai đoạn cuối hung hãn chống trả. Còn chuyện té xe, xây xát toàn thân khi truy bắt xảy ra như cơm bữa, riết rồi cũng quen. Chỉ nghỉ đến trách nhiệm mà nhân dân giao phó thì đó là mệnh lệnh và động lực luôn thúc đẩy toàn đội tiến về phía trước...”.

Trinh sát hình sự đặc nhiệm phổ cập kiến thức giáo dục tại các trường THPT.
Trinh sát hình sự đặc nhiệm phổ cập kiến thức giáo dục tại các trường THPT.

TP. Hồ Chí Minh đang quyết tâm kéo giảm các loại tội phạm theo chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng và trong thời gian qua, nạn tội phạm đường phố đã giảm hẳn. Lực lượng hình sự đặc nhiệm đang thực hiện tuần tra khép kín địa bàn với 9 tổ và 18 lượt tuần tra. Các anh luôn phối hợp với hình sự đặc nhiệm của công an 24 quận, huyện, cảnh sát cơ động có mặt trên mọi nẻo đường để đem lại bình yên cho nhân dân.

Từ sáng sớm đến tối mịt, hay đêm hôm khuya khoắt, trong khi người dân còn đang say trong giấc nồng thì vẫn có các tổ tuần tra của hình sự đặc nhiệm phải thức trắng đêm, soi sáng từng góc phố để làm nhiệm vụ.

Một trinh sát hình sự vào vai xe ôm để làm nhiệm vụ.
Một trinh sát hình sự vào vai xe ôm để làm nhiệm vụ.

Nguyễn Nguyễn Nam Phương, hiện là Phó bí thư đoàn Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội chia sẻ, để dập tắt tội phạm từ trong “trứng nước”, ngoài việc làm án thì trinh sát còn thường xuyên tổ chức phổ biến kiến thức pháp luật tại các trường THPT tại TP. Hồ Chí Minh, dạy các thế võ cho các em để hạn chế và ngăn ngừa tội phạm.

Theo Hà Tiên

Công an nhân dân