1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Hành trình phạm tội và bản án chung thân cho “người rừng”

Khi bị dẫn giải tới Tòa án nhân dân tỉnh Lào Cai xét xử về tội trạng của mình, người đàn ông có khuôn mặt sạm đen vì sương gió và từng trải ấy có đôi mắt rất sáng và khẽ nở một nụ cười.

Dẫu nhận bản án chung thân nhưng nụ cười của người đàn ông ấy là nụ cười được trở lại với cuộc sống cộng đồng và xã hội sau hơn 20 năm đi tìm lẽ sống cho riêng mình.

Hành trình phạm tội và bản án chung thân cho “người rừng”

BƯỚC NGOẶT CUỘC ĐỜI 

Ma Seo Chứ (SN 1954)tại thôn Phìn Chư 1, xã Nàn Sín, huyện Si Ma Cai từng làm Phó Chủ tịch, Xã đội trưởng xã Nàn Sín. Vào một buổi tối giữa tháng 9-1990, một toán thanh niên ở bản bên cạnh đến bản của Chứ chơi; nghi ngờ nhóm thanh niên này đến tán em vợ của mình nên Chứ không bằng lòng. Hiểu lầm trầm trọng hơn khi Chứ đã tát một thanh niên không rõ họ tên, khoảng 17 tuổi.

Thấy nhóm thanh niên tỏ thái độ khó chịu ra về, Chứ lo rằng sẽ có chuyện không hay xảy ra với mình vì nghĩ thể nào sẽ bị trả thù nên đã thu xếp hành lý rồi chỉ kịp bảo với vợ rằng: “Tao lên nương lúa của nhà mình ở. Mẹ mày có việc gì thì cứ lên đó tìm, thi thoảng đem cơm nước lên cho tao nữa” rồi biến mất vào bóng tối.

Thời gian đầu, vợ Chứ vẫn đem thức ăn và đồ uống cho Chứ và khuyên bảo chồng trở về nhà sống bình thường. Tuy nhiên Chứ đã quyết định từ bỏ hẳn gia đình lẻn đi lên núi ở không cho ai biết. Trong đêm tối, Chứ cứ nhìn hướng có chòm sao mà Giàng chỉ lối, băng đường rừng sang khu vực xã Thanh Bình, huyện Mường Khương sinh sống trong các hốc đá, mái đá sẵn.

Hàng ngày, Chứ đi lấy mộc nhĩ và bắt tắc kè, thú rừng đem bán, trao đổi lấy thực phẩm và đồ dùng sinh hoạt. Cuộc sống của “người rừng Ma Seo Chứ” cứ thế gắn bó với thiên nhiên hết năm này qua năm khác, đến đầu năm 1997, Chứ đi ngược theo hướng sông chảy, theo đường rừng về Si Ma Cai thăm vợ con nhưng không còn ai ở đó.

Thôn bản đã di chuyển tới vùng đất mới, không có ai hỏi thăm và nghĩ rằng gia đình đã chuyển về Bảo Yên sinh sống nên Chứ lại theo đường rừng tìm về Bảo Yên. Tại đây, Chứ cũng không có tin tức gì của người thân nên tuyệt vọng quay về khu vực xã Thanh Bình, Mường Khương tiếp tục cuộc sống hoang dã của mình.

KHẨU SÚNG AK VÀ 2 VIÊN ĐẠN RỜI NÒNG

Chiều ngày 28-7-1997, trên đường về qua xã Tả Thàng, huyện Mường Khương, Ma Seo Chứ đã bị lực lượng công an và dân quân xã bắt giữ vì không có giấy tờ tùy thân trong người. Ám ảnh bởi chuyện cũ, cho rằng những người này nhất định sẽ hại mình và trả thù nên khi bị bắt Chứ chống trả quyết liệt.

Bị bắt cùng với việc chưa làm rõ được nhân thân lai lịch của người lạ nên tối hôm đó, Chứ bị giam tại trụ sở UBND xã Tả Thàng để điều tra.  Đến khoảng 3, 4 giờ sáng ngày hôm đó, lợi dụng dân quân lơ là việc canh gác, Chứ tháo được dây trói rồi lấy trộm khẩu súng AK và lần theo lối đi cũ của mình, tìm về “nhà” của mình là một hang đá nhỏ cheo leo lưng chừng núi ở cánh rừng xã Thanh Bình, huyện Mường Khương.

1 năm sau khi bỏ trốn tại Ủy ban xã Tả Thàng, chiều ngày 4-8-1998, một số người dân đi rừng phát hiện một đám khói từ một cửa hang. Khi mọi người lại gần thì trông thấy một đối tượng lạ mặt đang nấu cơm ăn ở trong hang. Lập tức thông tin được báo cho Ban công an xã biết. CAH Mường Khương phối hợp với Công an xã áp sát cửa hang.

Thấy có người mặc sắc phục công an, Chứ hốt hoảng bèn đi thẳng vào bên trong hang lấy khẩu súng AK  bắn liền hai phát khiến đồng chí Trưởng công an xã hy sinh. Sau khi nổ súng, Chứ quay ngược về hang di chuyển theo đường rừng quay về khu vực núi đá ở huyện Si Ma Cai bỏ trốn. Tại đây, Chứ lang thang sống ở các hang đá trên núi nằm dọc bờ sông chảy thuộc các huyện Mường Khương, Bắc Hà, Si Ma Cai. Do luôn sợ người bắt nên Chứ cũng liên tục thay đổi chỗ ở.

HÀNH TRÌNH TRUY BẮT

Đến ngày 31-1-2010, Công an xã Thào Chư Phìn nhận được tin báo có một đối tượng nam giới giống như “người rừng Ma Seo Chứ” xuất hiện ở thôn Thào Chư Phìn, huyện Si Ma Cai.  Lập tức lực lượng công an xã mật phục chặn ở đường liên thôn mà Chứ sắp đi qua. Khi lực lượng Công an xuất hiện Chứ hốt hoảng lôi ra một con dao phát, thủ thế trước đám đông.

Để thị uy, Chứ lôi tiếp ra một khẩu súng nhựa K54 và chĩa về phía mọi người nói bằng tiếng H’Mông: “Ai vào đây tôi giết đấy” rồi đi lùi về phía bờ sông, theo đường mòn định trốn vào rừng. Khi tổ công tác đuổi kịp và bao vây Chứ, y liền quay lại dùng dao chống trả nhưng đã bị tổ công tác dùng phương tiện bắt thú của đồng bào là dây quăng đá khiến đối tượng gục ngã và bị khống chế.

Ngày 9-2-2010, Công an tỉnh Lào Cao đã khởi tố, tạm giam Ma Seo Chứ. Tại CQĐT, Ma Seo Chứ khai nhận về hành vi chiếm đoạt, tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng và giết người. Đại úy Nguyễn Trọng Trường, Công an tỉnh Lào Cai kể lại: “Chúng tôi đưa Chứ đi bộ từ 7h sáng đến gần 1h chiều mới về tới Ủy ban xã. Quá trình đưa bị can đi tìm lại tất cả các bằng chứng và súng mà Chứ đã cất giấu rất gian nan.

Vượt qua những vách đá cheo leo và những rừng cây chưa có người đặt chân tới tại cánh rừng Thanh Bình mới biết “người rừng” gần như là ông chủ của cánh rừng này. Nếu không phải là bị can dẫn đi, chúng tôi không thể nào tìm ra được chứng cứ vụ án, bởi không thạo lối đi và có nhiều cạm bẫy mà Chứ đặt đề phòng người lạ”. Tại phiên tòa, Ma Seo Chứ bị truy tố về  tội Giết người; Chiếm đoạt, tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng; Chống người thi hành công vụ.

TAND tỉnh Lào Cai tuyên phạt Ma Seo Chứ mức án chung thân. Trước khi bị dẫn giải về trại giam, cán bộ tòa án hỏi bị cáo: “Chứ có muốn về rừng nữa không?”. Ma Seo Chứ đáp: “Không đâu, ở với công an thôi, có cơm ăn, có áo mặc, không phải khổ nữa rồi”. Chứng kiến phiên tòa khép lại, nhiều người đều tỏ ra thương cảm cho số phận của một con người bởi dù nhận bản án nghiêm khắc của pháp luật nhưng từ đây sẽ mở ra một cuộc sống khác cho Chứ, dù cuộc sống ấy ở trong trại giam nhưng là cuộc sống quay về với cộng đồng.

Theo Nguyễn Ngọc

An ninh thủ đô