Hành trình hoàn lương, tìm lại nụ cười của cặp vợ chồng từng dắt nhau vào tù
Đến nay, họ đã có cơ ngơi khang trang, vợ là nữ doanh nhân tâm tài trong khi chồng là tổ trưởng tổ bảo vệ dân phố, khắc tinh của nhiều loại tội phạm. Hai đứa con của anh chị, từ chỗ bơ vơ khi cha mẹ vào tù nay đã cùng nhau tốt nghiệp đại học, có công ăn việc làm ổn định.
Vướng vào ma túy, lần lượt người vợ rồi chồng theo chân nhau vào trại giam, để lại hai đứa con thơ. Song với quyết tâm rũ bỏ quá khứ buồn đau, sau khi trút bỏ bộ quần áo sọc dọc, hai vợ chồng kiên trì phục thiện.
Đến khối phố Tây Hồ 2 phường Quang Tiến, thị xã Thái Hòa (Nghệ An) hỏi về cặp vợ chồng Nguyễn Cảnh Thông (SN 1972) và chị Lê Thị Yến (SN 1975), nhiều người không khỏi khâm phục khi nói về nghị lực vượt qua lầm lỗi của hai vợ chồng này.
Quả thật, khi nhìn vào căn nhà 2 tầng bề thế vừa mới xây cất, bên dưới là cửa hàng kinh doanh gas và hóa lỏng lớn nhất nhì thị xã của gia đình, ít ai biết rằng cả vợ lẫn chồng đã từng có quá khứ lầm lỗi. Tuy nhiên, họ đã không mặc cảm để rồi đắm mình trong sa ngã mà đã biết vượt qua bóng tối, trở thành những tấm gương tái hòa nhập cộng đồng tiêu biểu của xã hội.
Quá khứ lầm lỗi của hai vợ chồng
Anh Nguyễn Cảnh Thông chia sẻ, bản thân anh sinh ra trong một gia đình khá giả, mặc dù đông anh chị em nhưng khi đến tuổi trưởng thành, anh đã được bố mẹ cho mảnh đất bám quốc lộ 48 để mưu sinh. Sẵn có máu kinh doanh, buôn bán, anh Thông đã đầu tư mua chiếc xe tải để ngược rừng lên các huyện miền núi như Quế Phong, Quỳ Châu để chở hàng.
Trong những chuyến mưu sinh thời trai trẻ ấy, anh đã tìm được một nửa đời mình. Chị là Lê Thị Yến, một bông hoa rừng của đất Quế Phong. Năm 1989, hai người nên duyên chồng vợ, đưa nhau về Thái Hòa lập nghiệp. Hạnh phúc gia đình càng ngọt ngào hơn khi anh chị lần lượt sinh hạ được hai đứa con, một trai một gái.
Cũng từ đây, ngã rẽ cuộc đời bắt đầu ập đến ngôi nhà hạnh phúc của hai vợ chồng, khi những chuyến xe đường dài lên các huyện vùng cao của anh Thông đã bị sự cám dỗ từ “nàng tiên nâu”, bị bạn bè rủ rê, Thông đã thử cho biết rồi nghiện ma túy lúc nào không hay. Đến lúc phát hiện ra chồng nghiện, thì cũng là lúc chị Yến đau đớn khi anh đã đến giai đoạn nghiện rất nặng.
Tiền bạc trong nhà lần lượt đội nón ra đi theo làn khói trắng, khóc cạn nước mắt khuyên chồng đi cai, từ bỏ không thành, người vợ trẻ chấp nhận nhìn cảnh chồng lần lượt bán chiếc xe là phương tiện mưu sinh duy nhất, thậm chí sau đó ngôi nhà cũng bị bán nốt để phục vụ những cơn đói thuốc của Thông.
Chị Lê Thị Yến nhận giấy khen của Công an Nghệ An.
Thương chồng, thấy anh vật vã mỗi lần đói thuốc nhưng không có tiền để mua, chị Yến đã mềm lòng trước tình cảnh ấy, lập bập đi mua thuốc về để chồng thỏa mãn cơn nghiện. Sau vài lần như vậy, vô hình trung chị đã trở thành kẻ vận chuyển, tiếp tay cho chồng lúc nào không hay.
Đến một ngày, chị Yến nhận thấy phải đến tận thủ phủ ma túy để lấy được nhiều hàng, vừa dành cho chồng hút hít, vừa bán lại kiếm lời thì chị đã biến mình thành “con buôn” hàng trắng thực sự, và những chuyến hàng từ miền biên viễn Quế Phong được chị đều đặn đưa về xuôi trong hoàn cảnh như vậy. Nhưng rồi đi đêm lắm có ngày gặp ma, ông cha đã đúc kết quả không sai chút nào.
Năm 1998, khi đang xách “hàng” về nhà, Lê Thị Yến đã bị bắt quả tang và bị kết án 10 năm tù sau đó không lâu. Vợ vào tù, nguồn cung cấp “hàng” cũng không còn buộc Thông phải tự xoay xở để thỏa mãn cơn nghiện, bản thân anh đã mua ma túy rồi đi bán lại cho các con nghiện trên địa bàn.
Hoạt động này cũng không qua được con mắt nghiệp vụ của trinh sát ma túy công an thị xã Thái Hòa, và 2 năm sau ngày vợ vào trại giam, Nguyễn Cảnh Thông cũng bị bắt giữ với tội danh “tàng trữ trái phép chất ma túy”, bị kết án 7 năm tù giam. Tương lai gần như đã khép chặt với vợ chồng Thông và Yến, chỉ duy nhất còn lại hai đứa trẻ là nguồn động viên, an ủi vợ chồng để gắng cải tạo tốt, mong ngày về với xã hội.
Ngày vợ chồng cùng thụ án, hai đứa con được ông bà nội đón về nuôi dưỡng và tiếp tục học hành. Ngay cả hai vợ chồng khi rời cánh cửa trại giam để trở về xã hội sau này, cũng không tin được rằng, vợ chồng cùng thụ án nhưng các con vẫn được đến trường. Đó là kỳ tích của ông bà, kỳ tích của hai đứa trẻ và là động lực chính để cả vợ lẫn chồng mải miết hoàn lương sau này.
Phục thiện, làm lại cuộc đời
Ngồi trò chuyện với chúng tôi bên cơ ngơi của mình bây giờ, chị Yến bảo, chẳng có ai có thể cứu giúp mình bằng chính bản thân mình cả. Nỗ lực từ bản thân, bỏ qua mặc cảm lầm lỡ, gắng gượng vươn lên bằng chính bàn tay, khối óc thì những người khi trở về cộng đồng mới không lặp lại vết xe đổ của cuộc đời. Và, với cách suy nghĩ ấy, những ngày ở trong trại giam, dù mức án rất nặng nhưng cả chị Yến và anh Thông vẫn cố gắng cải tạo thật tốt để sớm được trở về đoàn tụ.
Năm 2005, Nguyễn Cảnh Thông được ra trại sau 5 năm cải tạo, nhờ những thành tích có được trong trại giam và quan trọng hơn, anh đã đoạn tuyệt được với nàng tiên nâu từ tình cảm chân tình của cán bộ quản giáo. Nửa năm sau đó, nhờ cải tạo tốt nên chị Lê Thị Yến cũng được đặc xá, ra tù trước thời hạn 2 năm.
Ngày về, cả 2 đều như mất phương hướng khi không một mái nhà, không chút vốn liếng để làm ăn, sinh sống. Còn 2 đứa con nhỏ là niềm động viên, động lực để sum họp gia đình, vợ chồng Thông, Yến bắt đầu làm lại cuộc đời của mình bằng con đường hướng thiện. Nhìn gia cảnh, nghĩ đến 2 đứa trẻ sống trong khốn khó, hàng xóm, người thân đã chung tay, giúp đỡ vợ chồng anh chị có chút vốn để làm ăn.
Anh Nguyễn Cảnh Thông bên cửa hàng của gia đình.
Năm 2008, bước ngoặt tương lai thực sự mở ra khi Hội Phụ nữ phường Quang Tiến đã tạo điều kiện cho vợ chồng vay 20 triệu đồng, đứa em trai của anh Thông cảm thương cho hoàn cảnh anh chị nên đã nhượng lại cửa hàng kinh doanh gas để làm lại cuộc đời.
Nhờ tháo vát và biết cách chắt chiu, sau 2 năm vay vốn, vợ chồng đã hoàn trả cả gốc lẫn lãi và có của ăn, của để. Cứ như vậy, dần dà anh chị đã tích cóp được tiền bạc, tiếp tục nuôi dạy con cái ăn học.
Ngày đứa con trai lớn vào đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh, vợ chồng ôm nhau khóc ròng. Giờ nó đã tốt nghiệp và có công việc ổn định, tiếp bước anh trai, cô em gái cũng đang là sinh viên của một trường đại học có tiếng ở Hà Nội.
Năm 2012, hai vợ chồng đã xây dựng được ngôi nhà trị giá gần 400 triệu đồng trên mảnh đất ông bà để lại. Anh Nguyễn Cảnh Thông chia sẻ, những ngày đầu, biết tin anh mới ra trại, bạn nghiện ngoài xã hội thường xuyên kéo tới để lôi kéo, rủ rê hút chích ma túy, nhưng bản thân đã quyết tâm cai nghiện và không thể tiếp tục sai lầm thêm một lần nữa. Dần dần họ cũng tránh xa vì biết không thể đưa anh trở lại con đường sa ngã của ngày hôm qua.
Với những đóng góp thầm lặng của mình, anh Nguyễn Cảnh Thông đã được khối phố tin tưởng, tín nhiệm đưa anh tham gia vào tổ bảo vệ dân phố, đến nay anh là khối phó khối Tây Hồ II kiêm tổ trưởng Tổ bảo vệ dân phố. Thậm chí, nhiều người đã và đang sa ngã, cảm phục trước bản lĩnh của anh nên đã tìm đến anh xin anh tư vấn.
Từ nhiều năm qua, bản thân Thông rất nhiệt tình trong việc hướng dẫn tìm chỗ cai nghiện, thuốc cai nghiện và cách để cai nghiện tốt nhất. Đến nay, theo con số thống kê chưa đầy đủ, đã có ít nhất trên 10 người cai nghiện thành công khi anh tư vấn và đưa đi cai nghiện.
Vợ chồng anh vẫn cần mẫn chăm chỉ làm công việc trong cơ sở bếp ga Bình Hiền, nhưng anh vẫn không quên đóng góp sức mình vào việc giữ vững an ninh khu dân phố. Cùng với tổ bảo vệ dân phố, anh đã bắt được 10 vụ trộm cắp và trực tiếp bắt một vụ mua bán trái phép ma túy trên địa bàn của khu phố.
Thượng tá Phan Trung Tuyến, Phó trưởng Công an thị xã Thái Hòa cho biết: “Vợ chồng anh Nguyễn Cảnh Thông và chị Lê Thị Yến là một điển hình tiên tiến trong việc cai nghiện thành công và đoạn tuyệt với quá khứ lầm lỡ, tái hòa nhập cộng đồng trở thành người có ích cho xã hội.
Chị Yến là nữ doanh nhân tâm tài, có nhiều đóng góp tiêu biểu và là một trong những tấm gương tiêu biểu vừa được lãnh đạo Công an Nghệ An trao tặng giấy khen vì đã có thành tích trong phát triển kinh tế sau tái hòa nhập cộng đồng.
Trong khi đó, anh Thông trước kia là một con nghiện nặng, nhưng bây giờ đã là một khối phó phụ trách an ninh, tổ trưởng tổ bảo vệ dân phố mẫu mực, có uy tín trong nhân dân, trở thành “khắc tinh” của không ít loại tội phạm trên địa bàn”