Hai cựu Chủ tịch SCB bị truy nã, tòa sẽ xét xử vắng mặt?
(Dân trí) - Cơ quan điều tra đã làm đủ các thủ tục nhưng chưa xác định được ông Đinh Văn Thành, bà Nguyễn Thị Thu Sương và 3 đồng phạm đang ở đâu nên đã quyết định truy nã và truy tố.
Trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và các đơn vị liên quan, Viện KSND tối cao đã ban hành cáo trạng, truy tố 86 bị can.
Trong số những người bị truy tố, cơ quan điều tra đang truy nã 5 bị can đều là dàn cựu lãnh đạo SCB.
Theo đó những người đang bị truy nã gồm: ông Đinh Văn Thành (52 tuổi, nguyên Chủ tịch HĐQT SCB), Nguyễn Thị Thu Sương (49 tuổi, Nguyên Chủ tịch HĐQT SCB), Trầm Thích Tồn (cựu thành viên Hội đồng quản trị SCB), Chiêm Minh Dũng (cựu Phó Tổng giám đốc SCB) và Nguyễn Lâm Anh Vũ (cựu Phó Giám đốc Chi nhánh Bến Thành SCB).
Lý giải về việc những người trên đang bị truy nã nhưng vẫn bị truy tố, Viện KSND Tối cao cho rằng những người này đã xuất cảnh đi nước ngoài trước khi bị khởi tố vụ án, hiện không xác định được ở đâu nên Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an quyết định truy nã.
Đồng thời, nhà chức trách đã thông báo rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng, niêm yết công khai tại địa phương nơi những người này đăng ký thường trú.
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng phát thư kêu gọi các bị can trên ra đầu thú để hưởng chính sách khoan hồng, chỉ định luật sư bào chữa, giao các quyết định tố tụng cho luật sư, người thân để thông báo cho các bị can, tổ chức nhận dạng, trưng cầu giám định chữ ký, chữ viết của những người trên có trong hồ sơ vụ án.
Cáo trạng thể hiện đây là vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, được dư luận và xã hội quan tâm. Đối với các bị can Đinh Văn Thành, Nguyễn Thị Thu Sương và 3 đồng phạm đã được áp dụng đầy đủ các biện pháp đảm bảo thực hiện quyền bào chữa theo quy định.
Trong trường hợp ông Thành và đồng phạm không ra đầu thú coi như từ bỏ quyền bào chữa, bị truy tố, xét xử vắng mặt theo Điều 290 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 để đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa chung.
Theo cáo buộc, lúc còn làm việc tại SCB, ông Thành đã đồng ý cho 268 khách hàng là các cá nhân, pháp nhân thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát vay 479 khoản.
Tính đến ngày 17/10/2022, dư nợ của nhóm khách trên là hơn 422.000 tỷ đồng. Hành vi nếu trên của ông Thành gây thiệt hại số tiền 99.000 tỷ đồng.
Tương tự ông Thành, bà Sương khi ký duyệt cho 79 khách hàng là các cá nhân, pháp nhân thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát vay 79 khoản. Dư nợ còn lại tính đến ngày 17/10/2022 là hơn 55.000 tỷ đồng.
Hành vi nêu trên của bà Sương bị cáo buộc gây thiệt hại cho SCB gần 7.000 tỷ đồng.
Những người còn lại bị cáo buộc có sai phạm trong hoạt động ngân hàng khi thực hiện các bước cấp tín dụng cho nhóm Vạn Thịnh Phát.
Trước đây, một số vụ án bị cáo đang bị truy nã nhưng tòa vẫn xét xử vắng mặt như trong vụ án sai phạm tại Sở Khoa học và công nghệ TPHCM bị cáo Khuất Duy Vĩnh Long (cựu Phó trưởng phòng quản lý Công nghệ - Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM) đang bỏ trốn và bị phạt 10 năm tù, hay vụ sai phạm tại công ty ICC, tòa cũng xử vắng mặt bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn.
Điều 290. Sự có mặt của bị cáo tại phiên tòa
1. Bị cáo phải có mặt tại phiên tòa theo giấy triệu tập của Tòa án trong suốt thời gian xét xử vụ án; nếu vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì bị áp giải; nếu bị cáo vắng mặt vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan thì phải hoãn phiên tòa.
Nếu bị cáo bị bệnh tâm thần hoặc bị bệnh hiểm nghèo thì Hội đồng xét xử tạm đình chỉ vụ án cho đến khi bị cáo khỏi bệnh.
Nếu bị cáo trốn thì Hội đồng xét xử tạm đình chỉ vụ án và yêu cầu Cơ quan điều tra truy nã bị cáo.
2. Tòa án chỉ có thể xét xử vắng mặt bị cáo trong các trường hợp:
a) Bị cáo trốn và việc truy nã không có kết quả;
b) Bị cáo đang ở nước ngoài và không thể triệu tập đến phiên tòa;
c) Bị cáo đề nghị xét xử vắng mặt và được Hội đồng xét xử chấp nhận;
d) Nếu sự vắng mặt của bị cáo không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và sự vắng mặt của bị cáo không gây trở ngại cho việc xét xử.