1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Hà Văn Thắm bị khởi tố thêm tội danh “Tham ô tài sản”

(Dân trí) - Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa tiến hành khởi tố bổ sung đối với bị can Hà Văn Thắm, Nguyễn Xuân Sơn về tội “tham ô tài sản”. Một số bị can khác cũng bị thay đổi quyết định khởi tố về tội danh.

Hàng loạt bị can bị khởi tố thay đổi tội danh

Theo thông báo của cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C46), đơn vị đang điều tra bổ sung vụ án Hà Văn Thắm và đồng phạm xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank) và các đơn vị có liên quan, theo các Quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội và Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Hà Văm Thắm tại phiên toà xét xử sơ thẩm diễn ra từ ngày 27/2 - 8/3/2017.
Hà Văm Thắm tại phiên toà xét xử sơ thẩm diễn ra từ ngày 27/2 - 8/3/2017.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và căn cứ kết quả điều tra vụ án, ngày 19/5/2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra các quyết định, bổ sung khởi tố vụ án tội “Tham ô tài sản” theo Điều 278 BLHS và các Quyết định bổ sung Quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Xuân Sơn, Hà Văn Thắm về tội “Tham ô tài sản” số tiền 49.320.796.000 đồng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).

Các Quyết định thay đổi Quyết định khởi tố bị can từ tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo Điều 281 BLHS sang tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” theo Điều 280 BLHS đối với Nguyễn Xuân Sơn, Hà Văn Thắm, Nguyễn Minh Thu và Phạm Hoàng Giang.

Quyết định khởi tố bị can đối với Hoàng Thị Hồng Tứ về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” theo Điều 280 BLHS.

Quyết định khởi tố bị can Phạm Công Danh, Trần Văn Bình và Hứa Thị Phấn về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” theo Điều 179 BLHS.

Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang tập trung lực lượng, khẩn trương củng cố tài liệu, chứng cứ, hoàn thiện hồ sơ, kết luận điều tra bổ sung, chuyển hồ sơ đề nghị truy tố bị can đúng thời hạn điều tra, phục vụ yêu cầu truy tố và xét xử.

Vì sao Toà án yêu cầu cơ quan CSĐT điều tra bổ sung với các bị cáo?

Trước đó, ngày 27/2, TAND TP Hà Nội mở phiên toà xét xử sơ thẩm đại án kinh tế xảy ra tại Ngân hàng Đại Dương (Oceanbank). Theo đó cựu Chủ tịch HĐQT Hà Văn Thắm cùng 47 bị cáo bị đưa ra xét xử với các tội danh “Vi phạm quy đinh về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”; “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”; “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Hà Văn Thắm cùng hàng loạt đồng phạm bị khởi tố thay đổi tội danh.
Hà Văn Thắm cùng hàng loạt đồng phạm bị khởi tố thay đổi tội danh.

Dự kiến phiên toà sơ thẩm xét xử Hà Văn Thắm cùng đồng phạm sẽ diễn ra khoảng một tháng. Tuy nhiên chiều 8/3, HĐXX đã đột ngột hoãn phiên tòa xét xử Hà Văn Thắm và đồng phạm.

Theo đó, HĐXX quyết định trả hồ sơ cho cơ quan CSĐT yêu cầu làm rõ một số nội dung.

Cụ thể HĐXX cho rằng, Ngân hàng Oceanbank là ngân hàng cổ phần, PVN là cổ đông và đối tác chiến với vốn góp 20%, tương đương 800 tỷ đồng.

Từ cuối 2009 đầu 2010, Nguyễn Xuân Sơn đã bàn bạc và thống nhất với Hà Văn Thắm đề ra chủ trương thu thêm lãi suất vay tín dụng và chênh lệch tỉ giá dưới hình thức thu phí của khách hàng thông qua công ty BSC trái quy định của Ngân hàng nhà nước (NHNN).

Nguyễn Xuân Sơn đã nhận 69 tỷ đồng từ BSC. Hành vi này có dấu hiệu của tội Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản (điều 280 BLHS).

Đối với khoản tiền 246 tỉ đồng của Oceanbank, Nguyễn Xuân Sơn với chức vụ là Tổng Giám đốc, ủy viên HĐQT Oceanbank và đại diện phần vốn góp của PVN tại Oceanbank đã cùng Hà Văn Thắm bàn bạc và chi lãi suất ngoài hợp đồng.

Mặc dù từ ngày 11/5/2011, Nguyễn Xuân Sơn đã chuyển về PVN nhưng Sơn vẫn chỉ đạo Nguyễn Minh Thu tiếp tục chăm sóc một số khách hàng là doanh nghiệp của PVN.

Lợi dụng uy tín và địa vị, cơ chế chính sách chi lãi ngoài, sự phụ thuộc của Oceanbank vào nguồn tiền gửi huy động từ PVN, bị cáo đã rút số tiền nói trên.

Như vậy, hành vi của bị cáo có dấu hiệu của tội lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao, ban hành và tổ chức, chỉ đạo những hoạt động trái pháp luật chiếm đoạt số tiền 246 tỉ.

Trong số đó có ít nhất có 20% là phần đóng góp của PVN, nhưng cáo trạng lại truy tố bị cáo về tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng là chưa chính xác, cần thiết phải điều tra làm rõ, xác định đúng tội danh theo quy định của pháp luật.

Liên quan đến số tiền thất thoát 800 tỷ đồng của PVN cũng cần thiết làm rõ trách nhiệm của Nguyễn Xuân Sơn và những người có trách nhiệm liên quan trong việc đầu tư, góp vốn, quản lý số tiền này để xử lý theo quy định của pháp luật.

Trong năm 2011 đến 2014, có hàng ngàn cá nhân và hàng trăm tổ chức kinh tế gửi tiền tại Oceanbank và nhận tiền lãi suất ngoài hợp đồng, trong số đó có nhiều khách hàng lớn trong các tổ chức kinh tế là doanh nghiệp có vốn Nhà nước.

Trong đó chủ yếu là nhóm khách hàng thuộc PVN và Tổng Công ty công nghiệp tàu thủy Việt Nam. Các đơn vị này có dấu hiệu móc ngoặc với nhân viên của Oceanbank nhận tiền lãi ngoài, để ngoài sổ sách kế toán nhằm hưởng lợi bất chính.

Do đó cần điều tra làm rõ số tiền các tổ chức cá nhân đã nhận để có căn cứ xử lý theo quy định của pháp luật đối với hành vi phạm tội của các bị cáo và các cá nhân có liên quan, đồng thời có căn cứ giải quyết triệt để vấn đề dân sự trong vụ án.

Tài liệu và lời khai tại tòa thể hiện 34 bị cáo là giám đốc chi nhánh, phòng giao dịch Oceanbank, thể hiện một số bị cáo không trực tiếp chỉ đạo, trực tiếp chi số tiền lãi ngoài mà do một số người khác trong đơn vị chủ trương nhận tiền của hội sở để chi tiền. Do đó cần thiết phải làm rõ số tiền các bị cáo đã chi trên thực tế và chỉ đạo để có căn cứ nội dung này.

Thứ tư, hồ sơ và lời khai thể hiện Hà Văn Thắm đã bàn bạc cho Phạm Công Danh (công ty Trung Dung) vay 500 tỉ đồng không đảm bảo điều kiện vay vốn theo quy định của pháp luật. Để được vay tiền, Danh đã chỉ đạo Trần Văn Bình là giám đốc Công ty Trung Dung, bàn bạc với bà Hứa Thị Phấn đưa tài sản không đúng để được vay tiền.

Hành vi của Phạm Công Danh, Trần Văn Bình và Hứa Thị Phấn có dấu hiệu đồng phạm với Hà Văn Thắm trong việc vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, vì vậy cần điều tra làm rõ.

Cơ quan điều tra tách hành vi lập khống 9 hợp đồng vay của phòng giao dịch Đào Duy Anh, cần làm rõ trong vụ án này để đảm bảo sự công bằng pháp luật. Ngoài ra HĐXX cũng yêu cầu cơ quan điều tra cần điều tra làm rõ một số nội dung khác.

Những vấn đề nêu trên không thể làm rõ ngay tại tòa nên HĐXX quyết định trả hồ sơ điều tra vụ án Hà Văn Thắm và đồng phạm cho Bộ Công an điều tra bổ sung.

Tuấn Hợp