Hà Nội: Xét xử phúc thẩm 4 công an đánh chết người
(Dân trí) - Với lý do luật sư bào chữa cho bị cáo Hoàng Ngọc Tuyên bị ốm, không thể có mặt, sau khi xem xét ý kiến đại diện Viện KSND và luật sư các bên, HĐXX đã tuyên bố hoãn phiên xét xử phúc thẩm ngày 13/3.
Theo lịch xét xử của Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội, sáng nay, ngày 13/3, phiên xử phúc thẩm vụ án “Giết người” sẽ được diễn ra với 4 bị cáo nguyên là cán bộ Công an xã Kim Nỗ (huyện Đông Anh, Hà Nội).
Các bị cáo bị đưa ra xét xử gồm Hoàng Ngọc Tuyên (SN 1980, nguyên Phó trưởng Công an xã Kim Nỗ), Nguyễn Trọng Kiên (SN 1991), Đoàn Văn Tuyến (SN 1983) và Hoàng Ngọc Thức (SN 1988), đều là công an viên xã Kim Nỗ.
Các bị cáo trong phiên xử phúc thẩm ngày 13/3.
Tuy nhiên, khi kiểm tra căn cước những người tham gia tố tụng, thư ký tòa xác định luật sư Đinh Hải Nhật, bào chữa cho bị cáo Hoàng Ngọc Tuyên, vắng mặt vì lý do ốm, có bệnh án kèm theo, có đơn xin hoãn phiên tòa. Trước tình huống này, đại diện Viện KSND nhận định, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, các bị cáo đều bị truy tố ở tội “Giết người”, đối diện với khung hình phạt cao, cần thiết phải có luật sư bào chữa.
Quan điểm của đại diện Viện KSND là cần thiết phải có đủ các luật sư bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại và các bị cáo. Từ đó, đại diện Viện KSND kiến nghị hoãn phiên xử phúc thẩm này.
Các luật sư bảo vệ cho bị hại và bào chữa cho bị cáo đều đồng tình với ý kiến của đại diện Viện KSND về việc hoãn phiên xét xử. Sau khi xem xét, HĐXX Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội đã tuyên bố hoãn phiên xét xử 4 cựu công an xã Kim Nỗ, huyện Đông Anh, Hà Nội.
Kháng nghị một phần bản án sơ thẩm
Ngay sau phiên xét xử sơ thẩm vụ án trên kết thúc, Viện KSND TP Hà Nội đã có bản kháng nghị phúc thẩm, kháng nghị một phần bản án sơ thẩm của TAND TP Hà Nội. Cụ thể, bản án sơ thẩm ngày 18/9/2014 của TAND TP Hà Nội xử phạt bị cáo Hoàng Ngọc Tuyên 17 năm tù, bị cáo Nguyễn Trọng Kiên 16 năm tù về tội “Giết người”.
Viện KSND TP Hà Nội xét thấy, các bị cáo Hoàng Ngọc Tuyên và Nguyễn Trọng Kiên là những người được giao nhiệm vụ giữ gìn trật tự trị an tại địa phương, là những người hiểu biết về pháp luật và là người thừa hành pháp luật. Tuy nhiên, các bị cáo đã vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đã thực hiện hàng loạt hành vi hết sức tàn nhẫn như: dùng dùi cui vụt vào đùi, chân; dùng bút bi kẹp vào tay người bị hại khi người bị hại đã bị còng tay vào ghế, không còn khả năng kháng cự… dẫn đến cái chết thương tâm của người bị hại.
“Hành vi phạm tội của các bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, đã tước đoạt tính mạng của chính công dân của mình, gây đau thương tang tóc cho gia đình nạn nhân. Đặc biệt, hành vi của các bị cáo đã làm xấu đi hình ảnh của người cán bộ, công bộc của nhân dân, gây bức xúc đối với quần chúng nhân dân, gây dư luận xấu trong xã hội, gây mất niềm tin của nhân dân đối với Đảng và chính quyền.” - bản kháng nghị của Viện KSND TP Hà Nội nêu.
Qua xem xét tính chất, mức độ hành vi phạm tội, nhân thân các bị cáo, tại phiên tòa sơ thẩm, đại diện Viện KSND TP Hà Nội đề nghị HĐXX xử phạt bị cáo Hoàng Ngọc Tuyên tù chung thân, xử phạt bị cáo Nguyễn Trọng Kiên từ 19-20 năm tù đã là xem xét chiếu cố đối với các bị cáo. Tuy nhiên, việc HĐXX không áp dụng tình tiết giảm nhẹ nào khác nhưng đã tuyên phạt bị cáo Tuyên 17 năm tù, Kiên 16 năm tù là chưa tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội và hậu quả do hành vi phạm tội của các bị cáo gây ra, cũng như không đáp ứng được công tác đấu tranh, phòng ngừa tội phạm.
Từ đó, Viện KSND TP Hà Nội kháng nghị một phần bản án sơ thẩm, đề nghị Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội xét xử theo hướng phạt bị cáo Hoàng Ngọc Tuyên mức án chung thân và tăng hình phạt tù đối với bị cáo Nguyễn Trọng Kiên thành 19-20 năm tù, nhằm đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật và đảm bảo công tác đấu tranh phòng ngừa tội phạm.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin tới độc giả về vụ án này.Khánh Linh