Hà Nội: Trả hồ sơ, điều tra lại vụ 4 công an đánh chết người

(Dân trí) - Nhận thấy trong quá trình điều tra vụ án, cơ quan điều tra đã có dấu hiệu vi phạm tố tụng theo Điều 57 Bộ luật Tố tụng hình sự, Hội đồng xét xử đã quyết định trả hồ sơ, điều tra lại để đảm bảo công bằng, khách quan cho các bị cáo.

8h45 sáng nay, 8/5, phiên tòa xét xử 4 bị cáo là nguyên Phó công an xã và công an viên xã Kim Nỗ (huyện Đông Anh, Hà Nội) về tội “Giết người” được bắt đầu. Các bị cáo bị đưa ra xét xử gồm Hoàng Ngọc Tuyên (SN 1980, nguyên Phó công an xã Kim Nỗ), Nguyễn Trọng Kiên (SN 1991), Đoàn Văn Tuyến (SN 1983) và Hoàng Ngọc Thức (SN 1988), đều là công an viên xã Kim Nỗ.

Các bị cáo được tách riêng, dẫn giải vào phòng xử để tránh bức xúc của người nhà bị hại.


Các bị cáo được tách riêng, dẫn giải vào phòng xử để tránh bức xúc của người nhà bị hại.

Các bị cáo được tách riêng, dẫn giải vào phòng xử để tránh bức xúc của người nhà bị hại.

Tại phần xét hỏi, lời khai của các bị cáo trước vành móng ngựa thể hiện sự mâu thuẫn. Vai trò của Trưởng Công an xã Kim Nỗ Nguyễn Đức Vọng cũng chưa được làm rõ như khiếu nại của gia đình bị hại về việc cơ quan điều tra để lọt người, lọt tội.

Nguyên Phó Trưởng Công an xã Kim Nỗ Hoàng Trọng Tuyên khai: “Khi nhận được điện thoại của anh Vọng, bị cáo bước vào cửa phòng của bị cáo, thấy ông Thuận đã ngồi trên ghế, tay trái bị khóa, xung quanh có Kiên, Tuyến, Thức, Vọng. Bị cáo đi ra ngoài thì nghe thấy Kiên đánh ông Thuận. Bị cáo chạy vào đỡ dùi cui, cất lên nóc tủ. Lúc này ông Thuận vẫn ngồi ở ghế tình trạng khỏe mạnh bình thường.”

Anh Nguyễn Mậu Công, con trai nạn nhân, đeo khăn tang đến dự tòa.

Anh Nguyễn Mậu Công, con trai nạn nhân, đeo khăn tang đến dự tòa.

Trái ngược với lời khai trên, Nguyễn Trọng Kiên, nguyên công an viên xã Kim Nỗ, khai rằng chính Tuyên cầm dùi cui đưa cho Kiên, sai Kiên đánh ông Thuận do ông này chửi công an. “Bị cáo đánh ông Thuận 5 nhát vào đùi, ngoài ra không đánh vào đâu nữa. Do ông Thuận né nên ghế bị đổ và gãy.” - Nguyễn Trọng Kiên khai.

Trả lời về vết thương trên ngực nạn nhân là do đâu, bị cáo Kiên nói là mình không biết.

Về việc Trưởng CAX Kim Nỗ Nguyễn Đức Vọng có biết việc ông Nguyễn Mậu Thuận bị đánh ở trụ sở công an không, Tuyên khai không rõ khi Kiên đánh nạn nhân, ông Vọng còn ở trong phòng không, nhưng khi bị cáo quay lại thì ông Vọng không có mặt. Diễn biến sau đó, ông Vọng chỉ gọi điện hỏi 1, 2 lần xem công việc đến đâu và không chỉ đạo cho các bị cáo đánh ông Thuận. Thế nhưng, lời khai của Hoàng Trọng Tuyên tại cơ quan điều tra cho thấy, ông Vọng có đến kiểm tra.

Phiên tòa dự kiến diễn ra trong 2 ngày 8-9/5. Tuy nhiên, trong phần xét hỏi các bị cáo, thẩm phán Lê Thị Hợp - chủ tọa phiên tòa - phát hiện trong những lần lấy lời khai của các bị cáo, không lần nào có sự hiện diện của luật sư bào chữa cho quyền lợi của các bị cáo. Hội đồng xét xử nhận định, điều này có dấu hiệu vi phạm tố tụng trong quá trình điều tra vụ án.

Các bị cáo trước vành móng ngựa.

Các bị cáo trước vành móng ngựa.

“Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, cả 4 bị cáo đều bị truy tố về tội “Giết người” với khung hình phạt cao nhất là tử hình. Vì vậy, trong suốt quá trình điều tra, lấy lời khai bắt buộc phải có ít nhất một bản khai có sự chứng kiến của luật sư. Tại tòa, cả 4 bị cáo đều khẳng định và sẵn sàng chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc không hề có một luật sư nào đại diện quyền lợi hợp pháp cho mình được mời tham dự các buổi lấy lời khai.” - thẩm phán Lê Thị Hợp nói.

Sau khi xem xét, chủ tọa phiên tòa Lê Thị Hợp kết luận: “Lời khai của 4 bị cáo đã đủ cơ sở cho thấy quá trình điều tra vụ án này đã có dấu hiệu vi phạm tố tụng theo Điều 57 Bộ luật Tố tụng hình sự. Chính vì thế, hội đồng xét xử quyết định trả hồ sơ, điều tra lại để đảm bảo công bằng, khách quan cho các bị cáo.”

Tiến Nguyên