Gọi cả video, nhìn thấy mặt "người thân" mà vẫn bị lừa mượn tiền
(Dân trí) - Thấy tin nhắn mượn tiền, một phụ nữ ở Quảng Ngãi đã gọi video để xác nhận. Sau khi thấy hình ảnh người thân, chị mới tin tưởng chuyển số tiền 20 triệu đồng, nhưng vẫn bị lừa đảo.
Ngày 2/11, Công an Quảng Ngãi cho biết đang điều tra một số vụ lừa đảo thông qua mạng xã hội. Trong đó có những vụ đối tượng lừa đảo sử dụng các thủ đoạn tinh vi khiến nhiều người "sập bẫy".
Mới đây, chị N.T.H.L (35 tuổi, TP Quảng Ngãi) bị các đối tượng giả mạo tài khoản facebook của người thân lừa đảo 20 triệu đồng.
Theo đó, chị L. nhận được tin nhắn từ một tài khoản facebook. Chị cẩn thận gọi video để kiểm tra, xác nhận thông tin mượn tiền. Khi cuộc gọi được kết nối, hình ảnh người thân của chị L. xuất hiện trong video kèm theo giọng nói đứt quãng. Sau đó cuộc gọi nhanh chóng bị kết thúc. Các đối tượng lừa đảo lấy lý do mạng yếu, tín hiệu cuộc gọi chập chờn nên không thể tiếp tục cuộc gọi video.
Do thấy hình ảnh người thân xuất hiện trong cuộc gọi video nên chị L. tin tưởng tin nhắn mượn tiền là thật. Chị đã chuyển 20 triệu đồng vào số tài khoản do "người thân" cung cấp. Một thời gian sau chị L. mới biết mình bị lừa đảo.
Theo Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an Quảng Ngãi), phương thức, thủ đoạn lừa đảo qua mạng xã hội ngày càng tinh vi.
Các đối tượng lừa đảo tìm kiếm, thu thập thông tin, hình ảnh cá nhân được đăng tải công khai trên các tài khoản mạng xã hội. Dựa trên những thông tin thu thập được, các đối tượng bắt đầu xây dựng các kịch bản lừa đảo.
Trên cơ sở đó, đối tượng lừa đảo thiết lập tài khoản mạng xã hội với tên giống với tên của tài khoản thật và sử dụng hình ảnh thu thập được làm ảnh đại diện. Sau đó, chúng kết bạn với những người có tên trong danh sách bạn bè của tài khoản thật.
Cuối cùng, đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo bằng cách nhắn tin hỏi thăm, tạo lòng tin với những người vừa kết bạn để hỏi mượn một số tiền lớn.
Khi nạn nhân gọi video để kiểm tra, đối tượng lừa đảo sử dụng phần mềm cắt ghép hình ảnh để đánh lừa nạn nhân. Trong trường hợp này, khi nạn nhân gọi điện kiểm tra sẽ nhìn thấy người thân cử động, khẩu hình như thật, từ đó "sập bẫy" lừa đảo.
Cơ quan công an khuyến cáo, khi nhận bất kỳ tin nhắn mượn tiền thông qua mạng xã hội, người dân cần điện thoại trực tiếp cho người thân để xác thực thông tin. Trường hợp nghi vấn đối tượng giả mạo người thân trên mạng xã hội để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản cần báo ngay cho cơ quan công an gần nhất để được hỗ trợ.