Giám đốc công ty khai không biết về đăng kiểm, VKS đối đáp ra sao?
(Dân trí) - Theo cơ quan công tố, bị cáo Hải trong quá khứ từng là đăng kiểm viên, thừa khả năng để hiểu về công tác đăng kiểm. Vì vậy, lời khai của Hải rằng không biết gì về đăng kiểm là phiến diện.
Sáng 24/1, phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án Nhận hối lộ xảy ra tại Công ty cổ phần Đăng kiểm xe cơ giới Thái Bình kết thúc phần xét hỏi, chuyển sang tranh luận.
Công bố bản luận tội, đại diện Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh Thái Bình cho rằng hành vi của 3 bị cáo Lưu Minh Hải (Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty Đăng kiểm xe cơ giới Thái Bình), Bùi Ngọc Diệp (Phó Giám đốc) và Tô Hồng Dương (đăng kiểm viên) đã phạm tội Nhận hối lộ với tình tiết phạm tội nhiều lần.
Ba bị cáo đều thành khẩn khai báo, nhân thân tốt, khắc phục hậu quả.
Vì vậy, cơ quan công tố đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) phạt bị cáo Hải từ 3 năm 6 tháng đến 4 năm tù; Diệp từ 3 năm đến 3 năm 6 tháng tù; Dương từ 2 đến 2 năm 6 tháng tù.
2 luật sư bào chữa cho bị cáo Lưu Minh Hải
Bào chữa cho bị cáo Lưu Minh Hải (Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty Đăng kiểm xe cơ giới Thái Bình), các luật sư Nguyễn Thị Thu, Lâm Ngọc Ly cho rằng thân chủ của mình không phạm tội Nhận hối lộ. Theo các luật sư, nếu có sai phạm, hành vi của Hải sẽ thuộc trường hợp phạm tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Cụ thể, luật sư lập luận, bị cáo Hải không phải đăng kiểm viên nên không phải lãnh đạo Trung tâm đăng kiểm theo quy định tại Nghị định 139/2018. Công ty Đăng kiểm Thái Bình cũng phân công bị cáo Hải phụ trách chung, còn bị cáo Diệp mới phụ trách các công tác kiểm định, nghiệm thu và cấp giấy chứng nhận cho phương tiện.
Bên cạnh đó, luật sư cho rằng "hành vi, phương thức phạm tội" được Diệp và Dương thực hiện từ trước khi Hải giữ chức vụ cao nhất của công ty. Do đó, luật sư nhận định Hải không phải là người chủ mưu, cầm đầu như cáo buộc của cáo trạng.
Về tội danh, luật sư cho biết do Hải tin tưởng cấp dưới, đồng thời nghĩ tiền chênh lệch là "dịch vụ làm ngoài" nên mới đồng ý cho thu khoản tiền nhiều hơn quy định. Động cơ của Hải cũng chỉ là mong muốn "giữ khách" và tăng thêm thu nhập cho nhân viên.
"Bị cáo Hải không có chuyên môn nên mới phân công Diệp phụ trách lĩnh vực đăng kiểm. Hải không chỉ đạo và không biết việc bị cáo Diệp, Dương giúp chủ xe mua bản vẽ cải tạo; ký nghiệm thu phương tiện mà không kiểm tra hoặc nhờ người ký khống…", luật sư nói trước tòa.
Các luật sư tổng kết, bị cáo Hải do tin tưởng vào chuyên môn, kiến thức trong hoạt động đăng kiểm của bị cáo Bùi Ngọc Diệp và các nhân viên nên đã "lơ là, không kiểm tra việc tuân thủ pháp luật của các đăng kiểm viên".
"Hải là chủ mưu vì đã chỉ đạo, đồng ý khi Diệp báo cáo"
Đối đáp lại, đại diện VKSND tỉnh Thái Bình cho rằng, dù mang tên công ty cổ phần nhưng bản chất đây là công ty đăng kiểm, nên việc thu tiền phải có ý kiến Hải là người đứng đầu. Nếu không, Diệp và Dương không thể tự ý thực hiện.
Theo cơ quan công tố, bị cáo Hải trong quá khứ cũng từng là đăng kiểm viên trong nhiều năm, thừa khả năng để hiểu về công tác đăng kiểm. Vì vậy, lời khai của Hải rằng không biết gì về đăng kiểm, theo đại diện VKSND là phiến diện.
Đại diện VKSND cũng cho rằng, Diệp báo cáo đầy đủ cho Hải về việc thu tiền ngoài, tiền cải tạo và được Hải chỉ đạo không cần thu về công ty. Do đó, đại diện VKSND đánh giá Hải đã giúp sức vì chấp thuận cho hành vi trên.
"Hải là chủ mưu vì đã chỉ đạo, đồng ý sau khi được Diệp báo cáo", VKSND nhận định và còn cho rằng chính bị cáo Hải chỉ đạo Phó giám đốc và thủ quỹ kế toán kê khai thu chi, phân chia ra sao đối với số tiền thu ngoài này.
"Công tác đăng kiểm chỉ là quá trình để dẫn đến việc nhận hối lộ, nên VKSND xem xét vai trò chủ mưu trong việc nhận hối lộ chứ không phải trong công tác đăng kiểm thế nào", đại diện VKSND đối đáp.