1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Gặp khó trong điều tra các vụ án liên quan đến người tâm thần

(Dân trí) - Các vụ trọng án liên quan đến người tâm thần đang có xu hướng gia tăng. Tuy nhiên những thay đổi về giám định pháp y tâm thần đang gây khó khăn cho công tác tố tụng. Bên cạnh đó, kinh phí mua thuốc điều trị ngoại trú cho bệnh nhân tâm thần đang bị “co” lại khiến nguy cơ phạm tội từ người tâm thần ngày càng lớn hơn.

Bác sỹ Bệnh viện Tâm thần Nghệ An điều trị cho bệnh nhân nội trú (ảnh Anh Tuấn).
Bác sỹ Bệnh viện Tâm thần Nghệ An điều trị cho bệnh nhân nội trú (ảnh Anh Tuấn).

Theo bác sỹ Phan Kim Thìn – Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Nghệ An, có 500 thể tâm thần, trong đó có 15% thể tâm thần mãn tính, khó có khả năng chữa khỏi, 85% thể còn lại có khả năng chữa trị nếu được phát hiện, điều trị sớm. Hầu hết các bệnh nhân tâm thần đều mất hoặc mất 1 phần khả năng lao động, chăm sóc bản thân mình, gia đình cực kỳ khó khăn hoặc khánh kiệt.

Nhóm bệnh tâm thần nặng không có khả năng điều trị khỏi chiếm khoảng 15% nhóm bệnh liên quan đến khuyết tật thần kinh tâm thần. Đây cũng là nhóm có nhiều nguy cơ đối với an ninh trật tự, an toàn tính mạng của bản thân và những người xung quanh. Nếu được điều trị, uống thuốc đều đặn, chăm sóc tốt thì sẽ hạn chế được khả năng bệnh lên cơn. Tuy nhiên, việc chăm sóc, quản lý bệnh nhân tâm thần điều trị ngoại trú đang gặp rất nhiều khó khăn.

“Khi chương trình mục tiêu quốc gia về bảo vệ sức khỏe tâm thần cộng đồng triển khai, mỗi năm Nghệ An được cấp 960 triệu đồng từ nguồn Trung ương, ngoài ra còn có nguồn cấp của tỉnh để cấp thuốc điều trị miễn phí cho các bệnh nhân đã có hồ sơ quản lý, điều trị tại địa phương. Tuy nhiên, năm nay, bệnh viện chưa được nhận kinh phí từ chương trình mục tiêu quốc gia mà hiện đang sử dụng nguồn điều trị ngoại trú cho bệnh nhân, kinh phí cũng hết sức eo hẹp. Nguồn này đến hết tháng 9 cũng sẽ hết, từ sau tháng 9 bệnh viện sẽ phải tự túc.

Nhiều gia đình buộc phải xích, nhốt người thân mắc bệnh nhân tâm thần nặng để tránh những tình huống đáng tiếc xảy ra đối với bản thân người bệnh và những người xung quanh.
Nhiều gia đình buộc phải xích, nhốt người thân mắc bệnh nhân tâm thần nặng để tránh những tình huống đáng tiếc xảy ra đối với bản thân người bệnh và những người xung quanh.

Bệnh viện được tỉnh cấp 300 triệu đối ứng nhưng số này không đủ so với nhu cầu điều trị của bệnh nhân ngoại trú. Sắp tới bệnh nhân sẽ phải tự túc thuốc điều trị. Số tiền mua thuốc điều trị không lớn, khoảng 200 nghìn đồng/tháng nhưng đối với những gia đình có người mắc bệnh tâm thần thì con số đó không hề nhỏ. Nếu ngừng thuốc, chỉ 1 vài ngày là bệnh tái phát, do đó nguy cơ đối với các vấn đề an ninh trật tự, an toàn xã hội và ngay cả sức khỏe, tính mạng của người bệnh cũng sẽ cao hơn”, bác sỹ Phan Kim Thìn cho hay.

Theo báo cáo của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An thì từ tháng 10/2015 đến tháng 7/2016, Nghệ An xảy ra gần 20 vụ trọng án liên quan đến người tâm thần. Hiện tại, việc điều tra, truy tố cũng đang gặp nhiều khó khăn do những vướng mắc xung quanh việc giám định, phân loại bệnh.

Trước đây, tại Nghệ An đã có Trung tâm giám định pháp y tâm thần. Việc xác định, phân loại bệnh đối với người tâm thần, nghi tâm thần phạm tội được thực hiện ngay tại địa phương và chỉ mất chưa đầy 2 tháng, cơ quan điều tra đã có kết luận của ngành chức năng, từ đó làm cơ sở để truy tố tội danh và đưa ra xét xử.

“Việc giải thể các Trung tâm giám định pháp y tâm thần các tỉnh, quy về thành 5 trung tâm giám định khu vực là một “bước lùi” của các ngành chức năng. Không những tăng áp lực cho trung tâm giám định pháp y khu vực mà sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc phục vụ điều tra các vụ án liên quan đến người tâm thần, nghi tâm thần phạm tội”, bác sỹ Phan Kim Thìn – GĐ Bệnh viện Tâm thần Nghệ An thẳng thắn.

Đại tá Nguyễn Hữu Cầu - Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An: Điều tra các vụ án liên quan đến người tâm thần, nghi tâm thần phạm tội hết sức khó khăn do vướng về luật.
Đại tá Nguyễn Hữu Cầu - Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An: "Điều tra các vụ án liên quan đến người tâm thần, nghi tâm thần phạm tội hết sức khó khăn do vướng về luật".

Nội dung này cũng được đại tá Nguyễn Hữu Cầu – Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An đề cập tại cuộc họp HĐND tỉnh diễn ra vào cuối tháng 7 vừa qua. “Điều tra các vụ án này hết sức khó khăn do vướng về luật. Từ năm 2013 trở về trước, các đối tượng giết người bị tâm thần, nghi bị tâm thần thì Công an tỉnh, Viện KSND tỉnh trong vòng 5 ngày làm hồ sơ thủ tục đưa ra Bệnh viện tâm thần của tỉnh để giám định, điều trị và kết luận, sau đó tổ chức điều trị cho bệnh nhân.

Nhưng bây giờ Trung ương quy định đưa về Hà Nội hết. Mà đưa về Trung ương thì chúng tôi mất đến 6 tháng mới đưa đi giám định được. Thời gian dài đó chúng tôi không thể nào quản lý được. Đây là một bất cập trong quy định của pháp luật”, đại tá Nguyễn Hữu Cầu cho hay.

Hiện Công an tỉnh Nghệ An và các cơ quan tố tụng đang kiến nghị sửa đổi quy định về giám định pháp y tâm thần để việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc xử lý các vụ việc liên quan đến người tâm thần, nghi tâm thầm gây án được nhanh chóng và thuận lợi hơn.

Hoàng Lam