Nhức nhối người tâm thần gây án

(Dân trí) - Các vụ trọng án liên quan đến người tâm thần đang có xu hướng gia tăng. Tuy nhiên những thay đổi về giám định pháp y tâm thần đang gây khó khăn cho công tác tố tụng. Bên cạnh đó, kinh phí mua thuốc điều trị ngoại trú cho bệnh nhân tâm thần đang bị “co” lại khiến nguy cơ phạm tội từ người tâm thần ngày càng lớn hơn.

Các bệnh nhân đang được chăm sóc, nuôi dưỡng, điều trị tại Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Nghệ An.
Các bệnh nhân đang được chăm sóc, nuôi dưỡng, điều trị tại Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Nghệ An.

Theo số liệu Sở LĐ-TB-XH tỉnh Nghệ An cung cấp thì hiện tại toàn tỉnh có 14.311 người bị khuyết tật thần kinh tâm thần. Số lượng người tâm thần đang điều trị nội trú tại Bệnh viện tâm thần Nghệ An dao động trong khoảng 300 bệnh nhân. Ngoài ra có 107 bệnh nhân tâm thần đặc biệt nặng đang được chăm sóc, quản lý, nuôi dưỡng tại Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh (đóng tại huyện Đô Lương, Nghệ An).

“Theo quy định, những bệnh nhân tâm thần đặc biệt nặng, không có người chăm sóc, nuôi dưỡng mới được đưa vào Trung tâm bảo trợ xã hội. Tuy nhiên, việc quản lý, chăm sóc người mắc bệnh tâm thần, đặc biệt là tâm thần rất nặng thì hết sức khó khăn, vất vả và nguy hiểm. Bởi vậy, căn cứ vào nguyện vọng của gia đình, chính quyền địa phương lập hồ sơ, Sở xem xét tổ chức đưa những người mắc bệnh tâm thần mà người chăm sóc đã quá già yếu vào Trung tâm”, ông Nguyễn Đăng Dương – Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An cho hay.

Từ con số thống kê của Sở LĐ-TB&XH Nghệ An cho thấy, hiện đang có gần 14.000 đối tượng liên quan đến các dạng khuyết tật thần kinh tâm thần hiện đang được điều trị ngoại trú. Một phần không nhỏ trong số họ được xác định là bệnh nhân tâm thần nặng, không làm chủ, kiểm soát được hành vi, cảm xúc của mình. Và để quản lý họ, các gia đình buộc phải làm điều mà mình không muốn, đó là xích, nhốt người bệnh lại.

Phạm Thị Hoa đã từng gây thương tích cho người thân khi lên cơn.
Phạm Thị Hoa đã từng gây thương tích cho người thân khi lên cơn.

Chị Đặng Thị Phượng (xã Nghi Xá, Nghi Lộc, Nghệ An) và chồng hiện đang là người chăm sóc, nuôi dưỡng bệnh nhân Võ Văn Tuệ - người mắc bệnh tâm thần gần 20 năm nay: “Nếu không nhốt lại, bác ấy sẽ đi lung tung, gây sự đánh người khác hoặc tự gây tai nạn cho mình. Riêng cái chân trái của bác ấy đã bị gãy 2 lần sau khi giật cửa, chạy ra ngoài đường và bị xe tông, hiện vẫn đang phải đóng đinh cố định”.

Không đến nỗi phải xích, nhốt nhưng Phạm Thị Hoa (xã Nghi Công Nam, Nghi Lộc) cũng từng cầm dao chém người trong lúc lên cơn tâm thần vào giữa đêm khuya. Hậu quả, người anh trai của Hoa lĩnh một nhát chém vào tay, phải đi bệnh viện khâu vết thương. Nếu hôm đó người mà Hoa nhắm đến không phải là anh trai mà là cô em gái chân yếu tay mềm, không biết chuyện gì sẽ xảy ra.

Gây thương tích cho mình, gây thương tích, thậm chí là gây án mạng cho người khác. Trên thực tế, tại Nghệ An cũng đã xảy ra nhiều vụ án mạng đau lòng mà người gây án chính là các bệnh nhân tâm thần đang được điều trị, quản lý tại gia đình. “Chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm 2016, toàn tỉnh đã xảy ra 12 vụ trọng án liên quan đến người tâm thần. Đó đều là những vụ án mạng đau lòng khi nạn nhân là người thân, cha mẹ, anh em hay con của các nghi can”, đại tá Nguyễn Hữu Cầu – Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An cho hay.

Trong khi phát bệnh tâm thần, ông Phạm Văn Vinh đã tước đoạt mạng sống của con trai. Khi ý thức được việc mình đã gây ra cho con, ông Vinh đã tự tìm đến cái chết để giải thoát bản thân khỏi những dằn vặt, hối hận.
Trong khi phát bệnh tâm thần, ông Phạm Văn Vinh đã tước đoạt mạng sống của con trai. Khi ý thức được việc mình đã gây ra cho con, ông Vinh đã tự tìm đến cái chết để giải thoát bản thân khỏi những dằn vặt, hối hận.

Người dân xã Nam Kim (Nam Đàn, Nghệ An) vẫn chưa thể quên được vụ án mạng đau lòng xảy ra đối với cháu Phạm Văn Ngọc Anh (SN 1998, xóm Khe Lau) vào cuối năm 2014. Trong một lần lên cơn, ông Phạm Văn Vinh (SN 1976) đã dùng dao chém nhiều nhát vào người con trai đang ngủ. Sau đó, ông Vinh được đưa đi chữa bệnh bắt buộc tại Hà Nội. Khi sức khỏe ổn định, ông Vinh được chuyển sang điều trị ngoại trú tại gia đình. Cũng bởi tâm lý ổn định, ông Vinh nhận ra mình đã tước đoạt mạng sống của con trai. Người cha khốn khổ này sau đó đã thắt cổ kết liễu cuộc sống của mình.

Ngày 20/5, tại xã Nghi Xá (Nghi Lộc, Nghệ An) cũng xảy ra một vụ án mạng đau lòng. Gần nửa đêm 20/5, Hoàng Văn Quân (SN 1989) đã dùng dao đâm nhiều nhát khiến bố của mình là ông Hoàng Văn Châu (SN 1960) tử vong. Thông tin từ gia đình cung cấp thì Quân xuất hiện những biểu hiện tâm lý không bình thường từ năm 2013,. Hoàng Văn Quân đã được điều trị một thời gian ở Bệnh viện Tâm thần Nghệ An, bệnh tình có thuyên giảm nên gia đình xin ra viện. Bà Nguyễn Thị Việt (SN 1962), mẹ của Quân cho biết: “Vừa rồi gia đình vào thăm và được công an thông báo, sắp tới sẽ đưa Quân ra Hà Nội giám định sức khỏe tâm thần”.

Mới đây nhất, một vụ án mạng rúng động huyện Quỳ Châu xảy ra vào ngày 14/7 khiến cụ bà Lương Thị Thương (SN 1934, trú tại bản Tóng, xã Châu Phong) tử vong. Thi thể bà Thương được phát hiện với nhiều vết chém trên người. Nghi can chính của vụ án bước đầu được xác định là chị Lương Thị Hiền (SN 1976 – con gái của cụ Thương). Chị Hiền là bệnh nhân tâm thần đang được theo điều trị, quản lý tại địa phương suốt 10 năm qua.

Hoàng Lam