1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Dùng loa phường thay thế văn bản hành chính

(Dân trí) - Xác định căn nhà cấp 4 (tổ 47, cụm 7 phường Yên Phụ, quận Tây Hồ) vi phạm TTXD, UBND phường Yên Phụ đã tiến hành cưỡng chế. Tuy nhiên người đang sử dụng căn hộ cho rằng không nhận được bất cứ thông báo cưỡng chế nào và bị thất thoát tài sản.

Theo trình bày của bà Đinh Thị Nhung (trú tại số nhà 27 ngách 127/46 ngõ 127 Văn Cao, Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội), ngày 28/11/2009 gia đình bà làm hợp đồng thuê căn nhà 36m2 (phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, Hà Nội) của ông Hoàng Phú Nghĩa và gia đình bà đã chuyển đồ đạc, tài sản đến ở ổn định.

Khoảng 9h30 ngày 31/12/2009, khi bà Nhung đi chợ về bất ngờ thấy một tốp người không rõ lai lịch xông vào nhà cắt khóa và khiêng hết tài sản, đồ đạc của gia đình mang đi mà gia đình không được nhận bất kể thông báo gì từ những người xử lí vụ việc trên.

Theo bà Nhung, tổng số tài sản mà gia đình bà bị thất thoát từ sự việc trên gồm tiền mặt Việt Nam đồng, vàng và nhiều tài sản khác có giá trị lên đến hàng trăm triệu đồng.

Sau khi tìm hiểu, gia đình bà Nhung được biết, vụ việc trên là do UBND phường Yên Phụ tổ chức cưỡng chế đối với ngôi nhà của ông Hoàng Phú Nghĩa (người cho bà Nhung thuê nhà). Tuy nhiên, việc cưỡng chế và thu giữ tài sản của bà Nhung lại không hề có một văn bản kiểm đếm nào.

Trả lời khiếu nại của bà Nhung, Ngày 7/1/2010, UBND phường Yên Phụ có văn bản số 05/UBND-TP khẳng định: Thực hiện Kế hoạch số 59/KH-UBND ngày 30/12/2009 của UBND phường Yên Phụ, ngày 31/12/2009, UBND phường đã phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn tổ chức xử lý cưỡng chế các trường hợp cố tính tái phạm trật tự xây dựng nhiều lần tại khu đất 16ha trên địa bàn phường, trong đó có 2 nhà cấp 4, mái lợp prôximăng, diện tích khoảng 50m2, vắng chủ đang hoàn thiện.

Đoàn thi hành công vụ đã đọc loa thông báo nhiều lần nhưng không có bất kỳ tổ chức, cá nhân nào đứng ra nhận là chủ đầu tư; đoàn thi hành công vụ đã thống nhất lập biên bản liệt kê tài sản di chuyển ra ngoài công trình bị cưỡng chế theo quy định.

Tài sản sau liệt kê đã được niêm phong và đọc loa thông báo nhiều lần để yêu cầu chủ tài sản làm thủ tục nhận lại tài sản nhưng không có tổ chức hay cá nhân nào đứng ra nhận. Đoàn thi thành công vụ thống nhất di chuyển toàn bộ tài sản đã liệt kê niêm phong về kho lưu trữ.

Trao đổi với PV về vụ việc này, ông Hoàng Mạnh Khương, Chủ tịch UBND phường Yên Phụ khẳng định: Việc xử lý các hộ vi phạm về xây dựng đô thị trên địa bàn phường là thực hiện theo chỉ đạo của cơ quan quản lí cấp trên.

Lý giải về việc khi tiến hành cưỡng chế đối với hộ gia đình bà Đinh Thị Nhung không có tống đạt quyết cưỡng chế bằng văn bản, ông Khương cho rằng “chúng tôi đã nhiều lần thông báo bằng loa nhưng chẳng ai ra nhận là chủ của mảnh đất bị cưỡng chế. Vì thế chỉ một ngày ra thông báo thì ngay hôm sau các đơn vị liên ngành đã tổ chức cưỡng chế”.

Nhận định về vụ việc này, Luật sư Hoàng Văn Hướng (Văn phòng Luật sư Hoàng Hưng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng: Theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự xây dựng thì khi tiến hành cưỡng chế công trình xây dựng vi phạm, các cơ quan chức năng phải thông báo bằng văn bản cho chủ công trình được biết để chủ công trình tự tháo dỡ.

Nếu quá thời hạn quy định, chủ công trình không tự ý tháo dỡ, các cơ quan chức năng phải có văn bản quyết định cưỡng chế công trình sai phạm. Sau đó việc cưỡng chế mới được phép tiến hành.

Hồng Ngân