1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Bình Phước:

Dời ngày xử sơ thẩm lần 3 vụ kỳ án vườn mít

(Dân trí) – Do các Hội thẩm nhân dân tham gia xét xử bận công tác, phiên tòa hình sự sơ thẩm lần 3 vụ kỳ án vườn mít ở Bình Phước được dời sang ngày 12-13/12.

Trước đó, ngày 13/11, TAND tỉnh Bình Phước có quyết định số 94/2012/HSST-QĐ đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với bị cáo Lê Bá Mai (SN 1982, quê Thanh Hóa, ngụ ấp 1, An Khương, Bình Long, Bình Phước) về các tội: “Hiếp dâm trẻ em”, “Giết người”.

Dự kiến phiên tòa được diễn ra vào ngày 5-6/12. Phiên tòa do thẩm phán Nguyễn Đức Hùng làm chủ tọa. ông Nguyễn Quốc Hân, Hà Văn Hiến – Kiểm sát viên đại diện VKS tham gia phiên tòa.
 
Quyết định đưa vụ án ra xét xử bị dời sau đúng 1 ngày
Quyết định đưa vụ án ra xét xử bị dời sau đúng 1 ngày

Tuy nhiên, chỉ một ngày sau khi ra quyết định số 94/2012/HSST-QĐ, ngày 14/11, thẩm phán Nguyễn Đức Hùng ra thông báo số 01/2012/TB-HSST dời ngày xét xử vụ án này sang ngày 12-13/12. Lý do được đưa ra là vì các Hội thẩm nhân dân tham gia xét xử bận công tác.

Vụ kỳ án vườn mít, Lê Bá Mai lần thứ 3 bị đưa ra xét xử sơ thẩm sau nhiều phiên tòa tuyên rồi hủy. Giới nghiên cứu luật cho rằng, có nhiều vụ án cũng xảy ra việc hủy tới hủy lui nhưng án tuyên tử hình rồi lại tuyên vô tội rồi hủy bản án để xử lại như vụ Lê Bá Mai thì “xưa nay hiếm”.
 
Vụ án được dời sang ngày 12-13/12
Vụ án được dời sang ngày 12-13/12
 
Ngày được tòa tuyên vô tội, trả tự do, Lê Bá Mai có nói với PV Dân trí rằng, trước khi vụ án xảy ra, giữa Mai với công an xã tên Trần Văn Sinh có mâu thuẫn trong việc Mai xịt cỏ trang trại làm một con trâu chết cách đó một năm. Nên khi vụ án giết người, hiếp dâm xảy ra, có thể vì hiềm khích cá nhân mà công an viên này “chăm chăm” vào đối tượng tình nghi số một là Bá Mai.
 
Chính Sinh đã lấy lời khai của nhân chứng Thị Hằng: “Một thanh niên mang bình xịt màu xanh, bình nước đá màu đỏ”. Thực tế, trang trại Mai đang làm có nhiều bình xịt nhưng không có bình nào màu xanh. Ngoài ra, giữa ông chủ trang trại Dương Bá Tuân mà Mai đang làm thuê với ông Điểu Ky, nhân chứng của vụ án có mâu thuẫn về đất đai. Những yếu tố đó, có thể đã lái vụ án đi lòng vòng và ngày càng rối rắm.
 
Lê Bá Mai (phải) và ông chủ Dương Bá Tuân trong ngày được tòa tuyên trả tự do vì vô tội
Lê Bá Mai (phải) và ông chủ Dương Bá Tuân trong ngày được tòa tuyên trả tự do vì vô tội

Hơn 8 năm lửng lơ số phận khi vụ án chưa rõ trắng đen, Lê Bá Mai sức khỏe càng yếu, xanh xao. Tâm lý chàng thanh niên/bị cáo này không vững vàng khi bị tòa tiếp tục bắt giam.

Theo nội dung vụ án, ngày 16/1/2004, tại vườn mít ở ấp 1, xã An Khương, huyện Bình Long, tỉnh Bình Phước, người dân phát hiện thi thể cháu Thị Út (SN 1993) bị siết cổ. Theo lời khai của Thị Hằng (SN 1995, người cùng đi mót của mì với Út), có thấy Út đi với một thanh niên.
 
Sau đó, Lê Bá Mai bị bắt. Cơ quan điều tra tỉnh Bình Phước kết luận: ngày 12/1/2004, Mai rủ cháu Út vào vườn mít chơi. Tại đây, Mai dụ dỗ cháu Út cho thực hiện hành vi giao cấu. Do cháu Út chống cự, Mai đã đánh cháu Út ngất xỉu sau đó thực hiện hành vi giao cấu. Sợ vụ việc vỡ lở, Mai đã lấy chiếc quần dài của Út siết cổ cô bé đến chết.

Công Quang