Đối diện kẻ giết người man rợ, tự nhận mình là… gió
Phong – đơn giản vì “phong” có nghĩa là gió, nên kẻ giết người ấy đã tự đặt cho mình cái tên rất “nghệ sỹ” ấy trong suốt 8 tháng lẩn trốn sự truy tìm của cơ quan Công an.
Ra tay tàn độc
Khoảng đầu tháng 12/2016, vụ án giết người sau đó ném xác xuống giếng phi tang xảy ra tại xã Thanh Bình, huyện Chương Mỹ, Hà Nội, gây xôn xao dư luận. Kẻ thủ ác đã cao chạy xa bay, còn nạn nhân là một người phụ nữ đã ở độ tuổi gần đất xa trời. 8 tháng theo dấu tội phạm, vụ án nhiều lần tưởng đi vào ngõ cụt. Nhưng “lưới trời lồng lộng, tuy thưa mà khó lọt”. Kẻ giết người đã bị bắt để đưa ra trừng trị trước pháp luật.
Tài liệu điều tra cùng với lời khai của tên sát nhân – Nguyễn Viết Lực, sinh năm 1993, trú tại thôn Kim Nê, xã Thanh Bình, huyện Chương Mỹ cho thấy: Sáng 3/12/2016, sau khi ngủ dậy, Lực sang nhà một người hàng xóm trong thôn chơi. Do trước đó đi uống rượu cùng đám bạn có sử dụng ma túy đá nên Lực thấy trong người vẫn còn… phê phê.
Đó là một ngày lạ lùng đối với Lực, bởi bình thường Lực chỉ uống rượu với đám bạn. Nhưng hôm đó, có lẽ do còn trong tình trạng “phê đá”, nên khi người hàng xóm rủ uống rượu, Lực vui vẻ nhận lời và xách chai về nhà chiết rượu nếp mang sang. Uống hết hai chai rượu nếp và tâm sự đủ thứ chuyện thì người hàng xóm lấy tiếp một chai rượu trắng trong nhà mình ra, cùng Lực uống đến khoảng 11h trưa. Lúc này, thấy có vẻ đã say lắm, Lực đứng dậy ra về.
Về tới nhà, thấy bà Nguyễn Thị G, sinh năm 1940, là họ hàng đang cắt cỏ trong vườn nhà mình. Rượu say, cộng thêm cơn “phê đá” chưa hết, Lực rơi vào trạng thái hoang tưởng, ảo giác. Hắn mời bà G vào nhà và rót nước mời bà G. Người đàn bà này không ngờ rằng, đó chỉ là cái cớ, để rồi sau đó, nhân lúc bà G đang uống nước, Lực đã dùng dây điện xiết cổ. Bà G đã cố gắng vùng vẫy la hét nhưng “trâu ốm không bằng khỏe bò”, nạn nhân xấu số đã bị gã thanh niên sát hại.
Chưa dừng lại ở đó, khi thấy bà G bất động, sợ rằng nạn nhân còn sống có thể tố cáo với cơ quan Công an, Lực đã phi tang thi thể xuống giếng và dùng gạch, đá ném xuống.
Thiếu tá Tống Quang Hiếu – Đội trưởng Đội CSHS – CAH Chương Mỹ cho biết, gương mặt bà G bị biến dạng, sưng phù, nhiều vết rách do gạch, đá để lại. Nhìn tấm ảnh chụp thi thể nạn nhân, tôi thấy gai lạnh nơi sống lưng và vô cùng phẫn nộ trước sự ra tay tàn độc của Nguyễn Viết Lực.
8 tháng lẩn trốn và mất dấu như một cơn gió
Ngay sau khi rat ay sát hại người họ hàng của mình, tên sát nhân bình tĩnh vào nhà thay quần áo và chuẩn bị cho hành trình trốn chạy. Luôn xác định có thể sẽ bị bắt vào một ngày nào đó, song, Nguyễn Viết Lực vẫn muốn phiêu bạt, lang thang như một cơn gió vô định dù những ngày sau có thể bị chôn chân trong tù ngục.
Vay mượn được một số tiền ít ỏi của bạn bè, Lực lên đường tìm cho mình cuộc sống khác với tên gọi mới là Phong.
Trên đường lẩn trốn sự truy bắt của cơ quan Công an, Lực làm đủ thứ nghề. Vốn có sức khỏe, lại quen với công việc tự do nên Lực cũng không ngần ngại với bất cứ công việc gì, miễn có thể ra tiền nuôi sống hắn qua ngày.
Lực lúc đó đã đổi tên thành Phong, khá chăm chỉ làm việc nên đến đâu người ta cũng nhận. Hắn làm thợ hồ, thợ máy, thợ xây, bốc vác… Hơn chục tình, thành trải khắp Bắc – Trung – Nam, mỗi nơi Lực chỉ ở lại vài ngày đến 1 tuần rồi lại biến mất. Theo Trung tá Trần Trí Dũng – Trưởng CAH Chương Mỹ: Vì đối tượng không ở một nơi nào cố định, lại di chuyển liên tục nên công tác truy tìm gặp rất nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, càng khó khăn bao nhiêu thì các CBCS càng quyết tâm bắt kẻ thủ ác về quy án bấy nhiêu. Mỗi một ngày qua đi mà dấu vết hung thủ cứ bị ngắt quãng, rồi vụ án rơi vào bế tắc như đi vào ngõ cụt càng nung nấu ý chí của những chiến sỹ CSHS. Với sự phối hợp của phòng CSHS – CATP, CAH Chương Mỹ đã tổ chức rà soát hàng trăm mối quan hệ của Lực, trong đó tập trung nhiều vào những người bạn tù của Lực.
Năm 2013, Lực đã từng lĩnh án 18 tháng tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản nên hắn có nhiều thủ đoạn đối phó với Công an. Không chỉ thế, thời gian chấp hành án phạt tù, Lực cũng học thêm được nhiều mánh khóe mới tinh vi hơn. 8 tháng lẩn trốn thì có tới 4 tháng đối tượng lên đênh trên biển làm nghề đánh cá như một dân chài thực thụ. Do vậy, suốt thời gian này, thông tin về Lực như một ẩn số.
8 tháng với không biết bao lần di chuyển, nhưng Lực hầu như không mất một đồng nào tiền xe. Diễn vẻ mặt đáng thương bị lừa, bị móc túi, bị trấn lột, rồi gia cảnh khó khăn, đối tượng đã lấy đi lòng thương của nhiều tài xế xe khách. Thậm chí, nhiều lái xe còn động lòng, cho thêm tiền hoặc mua cơm cho hắn. Không ai biết, đằng sau vẻ mặt đầy sự đau khổ ấy là sự gian manh của một kẻ giết người…
Sa lưới
Trong suốt thời gian Lực lẩn trốn, hắn không một lần liên lạc với gia đình, bởi có lẽ, gia đình hắn cũng đã quá quen với kiểu mất tích dài ngày như vậy của con. Cha mẹ Lực là nông dân, và họ, với cái nghèo đeo bám cũng chỉ cố gắng làm lụng để kiếm sống. Với thằng con trai đã từng tù tội, họ dường như cũng bất lực.
Biết mình đang bị Công an truy tìm, vậy mà đối tượng còn tìm cách “trêu ngươi” các trinh sát, bằng cách thoắt ẩn, thoắt hiện trên mạng xã hội. Tưởng rằng bản thân là gió, và gió có thể ngao du bốn bể, nhưng không, “núi cao còn có núi cao hơn”…
Bằng việc rải quân và triển khai các biện pháp nghiệp vụ đặc biệt, ngày 2/8/2017, các trinh sát làm nhiệm vụ phát hiện tung tích của Nguyễn Viết Lực tại Bắc Giang. Thời điểm bị bắt, Lực đang làm phụ hồ cho một công trình xây dựng tại đây. Tra còng số 8 vào tay kẻ giết người, những chiến sỹ cảnh sát hình sự đã trút bỏ được áp lực sau gần 250 ngày đêm lần theo dấu vết tội phạm.
Tôi ngồi đối diện với Lực sau một ngày đối tượng bị bắt. Không sợ hãi, không run rẩy, thậm chí vẻ mặt bình thản như đón đợi một cái kết đã được Lực xác định từ trước. Ban đầu, Lực không hợp tác. Hắn im lặng trước mọi câu hỏi của phóng viên. Tôi liền gợi mở: “Chị thích tên Phong của em hơn là Lực. Phong là gió, nghe rất nghệ sỹ, rất đời. Chắc em cũng nghĩ như chị nên thích tên Phong đúng không?”.
Lực nhìn tôi gật đầu: “Ông nội em đặt cho em tên là Lực. Nhưng em thấy tên này nghe không hay, kiểu như “lực bất tòng tâm” hay là bất lực ấy. Em thích tên Phong nên suốt thời gian bỏ trốn, em vẫn lấy tên này”.
Lực cho biết, 8 tháng lang thang khắp miền Bắc, miền Trung rồi đến miền Nam, những ngày đầu hắn chỉ muốn bỏ đến nơi nào đó để không phải đối diện với sự thật rằng bản thân đã giết người. Nhưng sau đó, có những đêm nằm nghĩ ngợi, hắn nghĩ về bố mẹ. 8 tháng, chưa một lần nghe tiếng của bố mẹ. Hắn trải lòng: “Bố mẹ khổ vì em nhiều quá rồi. Sau chuyện này, người em nghĩ đến là bố mẹ. Chỉ mong bố mẹ sẽ sống thanh thản hơn nhưng em lại gây ra tội lớn rồi. Bố mẹ sẽ không bao giờ có thể quên được nỗi đau này do em gây ra…”.
Và trong suốt những ngày ấy, nhiều lần Lực tìm đến ma túy đá. Hắn bảo, “đá” khiến cho hắn cảm thấy nhẹ nhõm hơn, trong đầu chỉ là một màu trắng, không kí ức, không đau khổ, không dằn vặt, không phải suy nghĩ gì.
Trước khi rời đi, tôi hỏi Lực: “Điều em mong muốn lúc này là gì?”. Lực im lặng một lúc rồi nhìn thẳng vào mắt tôi trả lời: “Em chỉ muốn được thi hành án càng sớm càng tốt”.
Trời chiều chuyển cơn. Mưa sầm sập kéo đến. Tôi trở về nhà và trong lòng gợn bao suy nghĩ. Số phận con người thật mong manh. Như bà G, nếu hôm đó không cắt cỏ trong vườn nhà Lực thì có lẽ sẽ không xảy ra chuyện. Hay như với Nguyễn Viết Lực, chỉ vì nghiện rượu, vì ảo giác mà ra tay giết người một cách tàn độc, để rồi ngay cả khi đối tượng phải trả giá cho hành vi phạm tội của mình, thì người thân của Lực sẽ mãi mãi không bao giờ gột rửa được “vết nhơ” do hắn gây ra…
Theo Thùy An
An ninh thủ đô