1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Doanh nghiệp Nhà nước cũng mua hóa đơn của công ty "ma"

Săn tìm những công ty có nguy cơ “chết yểu” hay sử dụng chứng minh nhân dân thu gom từ hiệu cầm đồ, của người thất lạc để thành lập công ty hành nghề mua, bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng là thủ đoạn mà các đối tượng sử dụng để thu lời bất chính

.Loại tội phạm này đang “nóng” lên trong thời gian gần đây. Song điều đáng nói là có cả cơ quan Nhà nước cũng mua hóa đơn của Công ty “ma”…

Nhóm đối tượng Hằng, Oanh và Tuấn trong vụ mua bán hoá đơn trái phép bị bắt giữ vào tháng 8-2016
Nhóm đối tượng Hằng, Oanh và Tuấn trong vụ mua bán hoá đơn trái phép bị bắt giữ vào tháng 8-2016

Sau thời gian lập chuyên án, ngày 13-12, lực lượng Cảnh sát kinh tế (CSKT) Phòng CSKT, CATP Hà Nội đã thực hiện lệnh khám xét căn hộ số 1001, CT8, KĐT Dương Nội (quận Hà Đông, TP Hà Nội), đồng thời bắt giữ Phạm Hồng Sơn (SN 1963, cùng địa chỉ trên) là đối tượng chủ mưu, cầm đầu đường dây, điều hành 11 công ty “ma” chuyên kinh doanh trái phép hóa đơn GTGT.

Xuất khống hàng nghìn hóa đơn

Theo lời khai của Phạm Hồng Sơn, từ năm 2011, do thấy nhu cầu mua hóa đơn GTGT để hợp thức hóa đầu vào của các cơ quan Nhà nước cao, Sơn đã tự thành lập ra nhiều công ty để lấy hóa đơn, bán bất hợp pháp bằng cách mua lại một số công ty sắp “chết yểu” và thu gom CMND của những người bị thất lạc hay tại các cửa hàng cầm đồ rồi thuê các công ty, văn phòng luật sư thành lập công ty mà chính những người có tên trong CMND không hề hay biết mình là giám đốc.

Theo điều tra ban đầu, trong 3 quý đầu năm 2016, chỉ riêng Công ty 3 Men 36 do Sơn lập ra đã xuất tới 30 tỷ đồng và thu về được 1,5 tỷ đồng từ tiền bán hóa đơn. Hiện cơ quan điều tra đã thu giữ 20 dấu chức danh và dấu tên, 18 điện thoại di động và nhiều CMND được đối tượng khai là đang chuẩn bị sử dụng để thành lập công ty “ma”.

Ngoài ra, CQĐT còn thu giữ 18 thùng hóa đơn đã ghi nội dung. Trong đó có nhiều doanh nghiệp, tổng công ty Nhà nước đã mua hóa đơn của đường dây để hợp thức hóa đầu vào với nội dung ghi khống là: tiếp khách, mua hàng hóa, vật liệu xây dựng… Trong quá trình hoạt động, có một khách hàng bao thầu hết các nguồn vào bán cho các công ty lớn của Nhà nước và một số ngân hàng.

Trước đó, ngày 10-8, Phòng An ninh Kinh tế phối hợp với Phòng An ninh điều tra, CATP Hà Nội thông tin đã khởi tố, bắt tạm giam 3 đối tượng liên quan đến vụ án “In, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước”.

Các đối tượng gồm Hoàng Lệ Hằng (SN 1971, ở số 45B, ngõ 283 Trần Khát Chân, phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), Vũ Kim Oanh (SN 1956, ở số 66, ngõ Vạn Ứng, phường Trung Phụng, quận Đống Đa, Hà Nội) là đối tượng cầm đầu nhóm kế toán làm cho Hằng và Nguyễn An Tuấn (SN 1968, ở ngõ 281 Trần Khát Chân, phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng) là đối tượng cầm đầu nhóm vận chuyển hóa đơn.

Quá trình điều tra phát hiện từ tháng 6-2014 đến nay, nhóm đối tượng này đã xuất khống 3.150 hóa đơn với tổng giá trị trên 780 tỷ đồng của hơn 33 công ty “ma” cho khoảng trên 500 công ty, gây thất thu thuế khoảng trên 78 tỷ đồng cho ngân sách Nhà nước (số liệu chưa điều tra mở rộng).

Kẽ hở về luật

Thủ đoạn chung được các đối tượng phạm pháp sử dụng là mua lại các công ty hoạt động kinh doanh kém hiệu quả, rồi chỉnh sửa thông tin của giám đốc, người đại diện theo pháp luật các công ty, hoặc thu gom CMND từ các cửa hàng cầm đồ, người bị thất lạc về giao cho các công ty, văn phòng luật sư thuê thành lập mới nhưng không có hoạt động sản xuất, kinh doanh với sự đa dạng về ngành nghề lĩnh vực như xây dựng cơ bản, du lịch, dịch vụ... để xuất, bán hoá đơn GTGT.

Theo lời khai của Hoàng Lệ Hằng, hoạt động của các đối tượng mang tính hệ thống, có tổ chức, chuyên nghiệp, có sự phân công nhiệm vụ rõ ràng. Với các nhóm đối tượng môi giới, kế toán xuất hóa đơn, vận chuyển hóa đơn và giao dịch ngân hàng được hưởng lương hàng tháng (từ 7 - 10 triệu đồng hoặc hưởng tiền chênh lệch % giá trị hoá đơn)... dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Hoàng Lệ Hằng.

Nhằm đối phó với cơ quan chức năng, các đối tượng tham gia hoạt động trong đường dây này thường xuyên thay đổi người giao dịch ngân hàng, vận chuyển hóa đơn, địa điểm giao nhận gây khó khăn cho công tác điều tra.

Thậm chí, các doanh nghiệp do Hằng quản lý không hoạt động kinh doanh trên bất kỳ lĩnh vực nào nhưng vẫn định kỳ hàng quý, 6 tháng, 1 năm tổ chức kê khai hóa đơn đã mua bán để hợp thức hóa nhằm tránh sự phát hiện của cơ quan quản lý Nhà nước.

Còn theo lời khai của Phạm Hồng Sơn, để qua mặt các cơ quan chức năng, Sơn đã không trực tiếp bán hóa đơn mà lập nên các đầu nậu, chân rết tổ chức bán hóa đơn đến người mua cuối cùng. Sở dĩ đường dây này hoạt động trong một thời gian dài trót lọt là do lợi dụng được kẽ hở về chính sách thuế.

Theo quy định mới, đơn vị kinh doanh không cần phải lập bảng kê chi tiết hàng hóa mua vào bán ra nên Sơn đã dễ dàng dùng hóa đơn của chính các doanh nghiệp “ma” do mình lập, hợp thức hóa đầu vào, sau đó biến hóa số liệu để không phải nộp một đồng thuế nào cho Nhà nước.

Kẽ hở lớn nhất hiện nay là Luật Thuế đã sửa đổi như khi báo cáo thuế, không cần báo cáo thuế đầu ra đầu vào (PL01 và PL02). Nếu như trước đây, báo cáo thuế mặt hàng mua vào bán ra thì cơ quan thuế có thể nhìn thấy ngay nhưng nay không còn, đó chính là kẽ hở để cho các đối tượng lách luật, các công ty “ma” trốn được.

Chưa xử lý được hành vi mua hóa đơn của công ty “ma”

“Việc thành lập công ty “ma” có một đường dây rất chặt chẽ. Có cả một nhóm thu thập CMND của những người mất hoặc của những người mang cầm cố tại các hiệu cầm đồ sau đó bỏ lại rồi chuyển đến các văn phòng, công ty luật sư thuê thành lập các công ty “ma”.

Quá trình xác minh cho thấy, những người đứng tên làm giám đốc bị mất CMND đều không biết gì tới công ty mà họ làm giám đốc. Thậm chí có những giám đốc tuổi đời quá trẻ như sinh năm 1993 hay 1995.

Cũng theo điều tra, những đơn vị tham gia mua hóa đơn GTGT rất nhiều, trong đó có cả doanh nghiệp Nhà nước, một số ngân hàng và tư nhân, chủ yếu là các trong các mặt hàng ăn uống, vật liệu xây dựng, vận tải.

Việc các doanh nghiệp mua hóa đơn của các công ty “ma” đến nay chúng ta vẫn chưa xử lý được mà mới dừng lại ở việc, khi cơ quan thuế phát hiện các hoá đơn, chứng từ này được mua hay liên quan đến công ty “ma” này bỏ trốn hay dừng hoạt động thì sẽ ngừng thanh toán các chứng từ, hoá đơn trên. Hành vi của các doanh nghiệp Nhà nước hay cá nhân khi mua hoá đơn GTGT của các công ty “ma” này chúng tôi sẽ tiếp tục làm rõ”.

Trung tá Nguyễn Văn Võ, Phó đội trưởng Đội Công nghiệp xây dựng, Phòng CSKT, CATP Hà Nội

Theo Quang Trường

An ninh thủ đô