1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

DN nước ngoài tại Việt Nam bị kiện dùng phần mềm lậu

(Dân trí) - Lần đầu tiên, một doanh nghiệp (DN) nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam đã bị khởi kiện ra tòa do hành vi sử dụng phần mềm máy tính bất hợp pháp với giá trị lớn.

DN bị khởi kiện là công ty TNHH Quốc tế Gold Long John Đồng Nai Việt Nam ( Long John Dong Nai)- doanh nghiệp Đài Loan chuyên sản xuất vải dùng để làm giầy dép cho các thương hiệu lớn như Nike, Adidas, etc... Doanh nghiệp này đã bị công ty Lạc Việt và công ty Microsoft Việt Nam cáo buộc hành vi sử dụng lương phần mềm lớn bất hợp pháp, thuộc quyền sở hữu của hai doanh nghiệp phần mềm này.

Trong cuộc kiểm tra đột xuất do Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch (VHTT&DL) phối hợp với Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, Bộ công an  được thực hiện vào ngày  17/6/2013 tại công ty Long John Dong Nai, lực lượng chức năng đã tìm thấy một lượng phần mềm lớn không có bản quyền được cài đặt bất hợp pháp trong 69 máy tính được sử dụng cho hoạt động kinh doanh của công ty này. Số phần mềm bất hợp pháp ước tính lên tới gần 1 tỷ đồng (khoảng 45 nghìn USD).

DN nước ngoài tại Việt Nam bị kiện dùng phần mềm lậu

Vụ việc này đánh dấu một bước tiến quan trọng của cuộc chiến chống vi phạm bản quyền phần mềm tại Việt Nam được khởi động từ năm 2004. Sau hơn 9 năm chỉ áp dụng mức phạt hành chính, giờ đây, kênh tòa án đã được đưa vào để xử lý các vụ việc vi phạm bản quyền phần mềm.

Ông Tarun Sawney, Giám đốc phụ trách công tác chống vi phạm bản quyền khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của BSA Liên minh phần mềm cho biết: Ở các nước trong khu vực, việc đưa các vụ việc liên quan đến vi phạm bản quyền phần mềm ra tòa là khá phổ biến.

Ông Vũ Xuân Thành - Chánh Thanh tra Bộ VHTTDL cho biết, trong năm 2013, cơ quan liên Bộ thanh tra gần 100 đơn vị, xử phạt gần 2 tỷ đồng, tuy nhiên đây đã là kết quả giảm nhiều so với những năm trước. Cùng đó, số lượng doanh nghiệp đã mua phần mềm tăng hơn rất nhiều. Cũng theo ông Thành, trong năm 2014 thanh tra chuyên trách sẽ tiếp tục tiến hành nhiều đợt kiểm tra và xử lý các vi phạm trong lĩnh vực bản quyền tại các Doanh nghiệp trên toàn quốc.

Với tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm giảm 11 điểm từ 92%  năm 2004) xuống còn 81% ( năm 2011), Việt Nam được đánh giá là một quốc gia có những bước tiến mạnh mẽ  trong cuộc chiến chống vi phạm bản quyền phần mềm.

Một nghiên cứu mới đây của BSA (Liên minh Phần mềm và INSEAD) cho thấy việc tăng cường sử dụng phần mềm có bản quyền có nhiều ý nghĩa hơn đối với nền kinh tế của Việt Nam. Cụ thể, cứ tăng 1% mức sử dụng phần mềm có bản quyền thì sẽ tạo ra được khoảng 87 triệu đô la giá trị sản phẩm kinh tế quốc dân, so với mức 37 triệu đô la có được từ việc tăng tương tự đối với phần mềm lậu.

Phạm Thanh