TPHCM:
Đề phòng trộm cắp hoành hành dịp Tết
(Dân trí) - Dịp Tết, người dân thường rời thành phố dài ngày để về quê sum họp cùng gia đình, đây cũng chính là điều kiện để các đối tượng xấu ra tay “nhập nha” trộm tài sản. Làm thế nào để tránh bị kẻ xấu đột nhập nhà trong những ngày gia chủ đi vắng.
Những ngày Tết Nguyên đán, hầu hết người dân đều vắng nhà để đi chúc Tết bạn bè, người thân hay rời thành phố để về quê sum họp cùng gia đình. Đây cũng chính là điều kiện thuận lợi để các đối tượng xấu đột nhập vào gia đình ra tay trộm cắp tài sản.
Cụ thể là vào ngày 11/2, ông N.M.D (59 tuổi, ngụ quận 8), đã đến công an phường 4, quận 8 trình báo nhà mình bị trộm đột nhập. Theo trình báo của ông D. ngày 11/2, ông D. trở về nhà (đường Cao Lỗ, phường 4, quận 8) thì phát hiện nhà mình bị trộm đột nhập. Kiểm tra tài sản, ông D. phát hiện 1 xe hơi để trong nhà và nhiều tài sản có giá trị khác (khoảng 2 tỉ đồng) đã bị kẻ gian lấy mất.
Cùng ngày, cửa hàng bán điện thoại di động H.N trên đường Nguyễn Cư Trinh, (phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1) đã bị các đối tượng xấu đột nhập lấy đi 41 điện thoại di động và 4 máy tính bảng các loại (tổng trị giá khoảng 400 triệu đồng).
Thiếu tướng Phan Anh Minh – Phó Giám đốc công an TPHCM cho biết, các khu vực tập trung dân cư có thu nhập cao thường được bọn trộm chọn làm nơi gây án. Ở những nơi này, hầu như nhà nào biết nhà đó, nhiều người khi đi xa mà vẫn không nhờ hàng xóm trông nhà giúp. Trong khi đó, bọn trộm là những băng nhóm chuyên nghiệp, thủ đoạn và phương thức của chúng rất tinh vi, khép kín từ lúc gây án đến khâu tiêu thụ tài sản.
Thời gian qua, Công an TPHCM đã triệt phá nhiều băng nhóm trộm, bắt nhiều đối tượng lừa đảo công nghệ cao. Tuy nhiên nạn lừa đảo, trộm cắp vẫn diễn ra, do vậy người dân cần đề cao cảnh giác, nhất là thời điểm cận Tết.
Để người dân tự bảo quản tài sản của mình, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán sắp đến, Công an TPHCM đã thông báo đến từng hộ dân các thủ đoạn của bọn trộm cắp. Cụ thể các đối tượng lợi dụng sơ hở, mất cảnh giác của các cơ quan, xí nghiệp, doanh nghiệp, trường học hoặc người dân; lợi dụng đêm khuya, khi mọi người ngủ say, người dân về quê ăn Tết dài ngày, nhà không người trông coi để cắt khóa, đột nhập trộm tài sản.
“Người dân không nên để tiền, vàng số lượng lớn trong nhà, khi đi xa nên nhờ người thân hoặc hàng xóm trông nhà giúp. Nếu có điều kiện thì trong nhà nên gắn camera; xe máy cần trang bị thêm khóa phụ, khóa đĩa… Đối với các cơ quan, doanh nghiệp, trường học, cần tăng cường tuần tra, bảo vệ và trang bị thêm hệ thống camera quan sát” - một lãnh đạo Công an TPHCM khuyến cáo.
Theo báo cáo của công an TPHCM, năm 2014 trên địa bàn TP xảy ra 6.381 vụ phạm pháp hình sự, tăng 163 vụ (2,62%) so với năm 2013. Các loại án được kéo giảm. Tuy nhiên đáng lo ngại là tội phạm trộm cắp tài sản tăng và chiếm tỷ lệ cao (hơn 55%) trong cơ cấu tội phạm. Các đối tượng, băng nhóm chuyên nghiệp thực hiện các vụ đột nhập để trộm tại các khu vực tập trung hộ dân có thu nhập cao, tính chất hoạt động tinh vi, tổ chức đường dây khép kín từ khâu gây án đến tiêu thụ tài sản…Chỉ riêng đợt cao điểm trấn áp tội phạm hoạt động có tổ chức (từ ngày 1/10 đến 15/12/2014), công an đã phá 455 vụ, bắt 526 đối tượng.
Ngoài ra, để đề phòng sự cố cháy do chập điện, người dân nên kiểm tra và đảm bảo các thiết bị được tắt nếu không có nhu cầu sử dụng.
Đình Thảo