Đấu trí với tội phạm ma túy trước công đường
(Dân trí) - Mỗi đường dây ma túy bị triệt phá được đổi bằng mồ hôi, nước mắt và cả máu của các chiến sỹ cảnh sát. Nhưng cuộc chiến đấu tranh, buộc các tội phạm ma túy phải nhận tội trước tòa án cũng là cuộc chiến gay cấn và quyết liệt không kém.
Trong thời gian qua, tình hình tội phạm ma túy trên địa bàn tỉnh Nghệ An tiếp tục diễn biến phức tạp, lực lượng phòng chống tội phạm ma túy thuộc các đơn vị Công an tỉnh Nghệ An và BĐPB Nghệ An đã khám phá, triệt phá nhiều đường dây ma túy xuyên quốc gia với số lượng ma túy rất lớn. Đối tượng phạm tội thường sử dụng vũ khí nóng với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, nguy hiểm và manh động hơn.
Nhiều nhóm tội phạm về ma túy cấu kết thành đường dây hoặc có quan hệ mật thiết với nhau như bố mẹ, vợ chồng, anh em... để thực hiện tội phạm qua biên giới. Đơn cử như đường dây do Vũ Đức Mạnh (SN 1964, trú Tp. Nam Định, tỉnh Nam Định) cầm đầu với 225 bánh heroin; Phan Đình Tuấn (SN 1971, trú Tp Vinh) 294 bánh; Nguyễn Trọng Tuấn (SN 1969, trú xã Khánh Sơn, Nam Đàn, Nghệ An) với 208 bánh heroin…
Rất nhiều án tử hình đã được tuyên thế nhưng siêu lợi nhuận mà ma túy mang lại khiến nhiều kẻ vẫn lao vào con đường làm giàu bất chính này.
“Các đường dây ma túy được tổ chức hết sức tinh vi. Nếu như trước đây, các mắt xích trong đường dây ma túy quen biết, thậm chí là người thân của nhau thì xu hướng hiện nay là hoạt động đơn tuyến. Nghĩa là trong cùng 1 đường dây nhưng người thứ 3 hoàn toàn không biết người thứ nhất. Bởi vậy rất khó khăn cho các cơ quan tố tụng khi chứng minh tội phạm ma túy”, ông Vi Văn Chắt – Chánh tòa Hình sự, TAND tỉnh Nghệ An cho biết.
Phải mất 4 năm với nhiều lần trả hồ sơ, tạm đình chỉ rồi đưa vụ án ra xét xử, vụ án mua bán, vận chuyển trái phép 10 bánh heroin và 4kg ma túy đá do Nguyễn Thế Hà (SN 1963, trú xã Võ Liệt, Thanh Chương, Nghệ An) cầm đầu mới được khép lại với 2 án tử hình đối với Hà và Lê Doãn Chính (SN 1985, trú xã Võ Liệt) một mắt xích quan trọng trong đường dây.
Xét xử các vụ án nói chung và các vụ án ma túy nói riêng khó nhất là đánh giá các chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của các bị cáo. Hoạt động tố tụng nhiều khi không tránh khỏi những thiếu sót, luật sư bào chữa cho các bị cáo thường “xoáy” vào các thiếu sót trong tố tụng và cho rằng chưa đủ chứng cứ để buộc tội bị cáo.
Trong vụ án này, chứng minh hành vi phạm tội của các bị cáo là cả một quá trình dài, hao tâm tổn trí của những người làm công tác xét xử. Cái khó của vụ án là Nguyễn Thế Hà và Lê Doãn Chính hoàn toàn không biết nhau. Trong khi đó, người trực tiếp liên quan đến Hà và Chính là Trần Thanh Giang thì đã thắt cổ chết trong quá trình chuẩn bị xét xử.
Tại tòa, cả Hà và Chính đều chối tội, phủ nhận toàn bộ lời khai trước đây. Phiên xử thực sự là cuộc đấu trí giữa những người làm công tác xét xử với tên tội phạm ma túy ma mãnh. Ranh giới giữa oan sai và không bỏ lọt người phạm tội buộc HĐXX phải “căng não” để đấu tranh. Phiên xét xử kéo dài đến tối muộn, bằng những chứng cứ, lập luận sắc bén để đưa ra bản án tử hình cho Nguyễn Thế Hà.
Sau khi nhận án tử hình, Hà bình thản nhìn về Hội đồng xét xử với ánh mắt như chịu khuất phục. 4 ngày sau khi xét xử, Hà đã kháng cáo bản án nhưng với nội dung xin cấp phúc thẩm cho bị cáo một cơ hội được sống.
Để xét xử một vụ án ma túy, nghiên cứu hồ sơ, đánh giá chứng cứ thôi chưa đủ. Người làm công tác xét xử phải có một quá trình dài nghiên cứu, đánh giá tâm lý, mối quan hệ xã hội của đối tượng. Khi xét xử, chỉ riêng việc điều chỉnh âm lượng lời nói của mình như thế nào cũng là một kỹ năng. Việc điều chỉnh âm lượng phải tùy vào thái độ, tâm lý của bị cáo để tránh bức xúc cho người bị đưa ra xét xử mà vẫn đảm bảo được sự tôn nghiêm của phiên tòa.
10 năm tham gia xét xử án ma túy, chánh tòa Hình sự Vi Văn Chắt cũng có nhiều tâm tư bởi áp dụng hình phạt đối với tội phạm ma túy “có tỷ lệ nghịch” với số lượng ma túy. Có trường hợp số lượng ma túy lớn nhưng phân hóa vai trò phạm tội, bị cáo lại được nhận mức án nhẹ hơn.
“Như trường hợp của Nguyễn Thị Nhung (SN 1976, trú tại thị xã Thái Hòa, Nghệ An) trong đường dây mua bán vận chuyển 255 bánh heroin do Nguyễn Đức Mạnh cầm đầu. Số lượng ma túy Nhung tham gia mua bán là 70 bánh heroin nhưng phân hóa vai trò tội phạm thấp hơn các bị cáo khác nên được tuyên án chung thân. Trong khi đó với những vụ án giản đơn, ít đối tượng tham gia thì lượng ma túy từ đủ 30g – 100g thì mức án lên đến 20 năm”, ông Chắt cho biết.
Một điều dễ nhận thấy là tội phạm ma túy thường gắn với băng nhóm tội phạm xã hội. Bởi vậy, những vụ án đưa ra xét xử, có rất đông người tham gia, đặt những người làm công tác xét xử trước những nguy hiểm nhất định. Những phiên xử liên quan đến trùm ma túy Phan Đình Tuấn (tức Tuấn Lay) luôn chật cứng người đến dự khán mà phần đông trong số đó là anh em, bạn bè, đàn em xã hội của Tuấn.
Tổng số ma túy mà Tuấn tham gia mua bán trong 2 vụ án bị triệt phá lên tới hơn 400 bánh heroin. Với số tiền án gánh trên vai, án tử hình đối với Tuấn không “xi nhê” gì. Trước tòa, gã không một chút nao núng, đôi mắt như xoáy vào những người ngồi trên hàng ghế xét xử.
“Xét xử những vụ án ma túy như thế, áp lực cá nhân thì không có nhưng áp lực về sự an toàn của người thân, về gia đình thì có. Đấu tranh với tội phạm ma túy tại Tòa án là thực thi pháp luật, là trách nhiệm của người dân đặt lên vai mình. Không làm oan sai nhưng không được để sót người, lọt tội nên mỗi phiên xét xử luôn có áp lực đè nặng mỗi thành viên HĐXX”, Chánh tòa Hình sự TAND tỉnh Nghệ An nói.
Xét xử các vụ án ma túy, đặc biệt các các đường dây ma túy lớn, áp lực vô hình và hữu hình đè lên vai những người làm xét xử rất lớn. Sau mỗi phán quyết là sinh mệnh chính trị thậm chí là tước đoạt đi mạng sống của con người, buộc người làm công tác xét xử phải hết sức cẩn trọng và đối mặt với nhiều nguy hiểm. Tuy nhiên, một thực tế là hiện nay mới chỉ có quy định về bảo vệ phiên tòa chứ chưa có cơ chế bảo vệ những người tham gia xét xử. Bởi vậy, mỗi phiên xét xử tội phạm ma túy luôn là một cuộc chiến của những người thực thi pháp luật.
Hoàng Lam - Lý Dương