Đau nỗi đau của người khác để… bắt “tội phạm trên trời”
(Dân trí) - "Phải đau nỗi đau của bị hại để họ trải lòng. Thông tin bị hại cung cấp là chứng cứ quan trọng để vén bức màn bí ẩn về loại tội phạm ẩn danh đang ngày càng tăng", Trung tá Hà Huy Đức chia sẻ.
Dấu ấn cảnh sát công nghệ cao
So với các lực lượng khác thì cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao là lực lượng khá non trẻ. Chỉ mới thành lập hơn 4 năm nhưng Đội cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao và có yếu tố nước ngoài (Đội 6, Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Nghệ An) đã trở thành nỗi khiếp sợ của nhiều ổ nhóm “tội phạm trên trời”.
Trong thời gian ngắn, nhiều ổ nhóm tội phạm sử dụng công nghệ cao để thực hiện các hành vi phạm tội (chủ yếu là lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đánh bạc, môi giới mại dâm...) đã bị Đội 6 triệt phá thành công. Trong đó phải kể đến phá chuyên án giả công an, nhân viên bưu điện lừa đảo, chiếm đoạt 2 tỷ đồng do Nguyễn Hữu Thu (SN 1991) và Phạm Đình Luận (SN 1993), cùng trú tại xã Mỹ Hương, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh thực hiện vào năm 2017.
Năm 2019, Đội đã phá thành công chuyên án 119L, bắt giữ Hồ Đình Tài (SN 1993, trú xã Quỳnh Lâm, Quỳnh Lưu, Nghệ An) cùng 11 đồng bọn trú cùng địa phương. Các đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo bằng hình thức lừa "soi cầu" kết quả lô đề để chiếm đoạt gần 20 tỷ đồng của nhiều nạn nhân khắp cả nước. Quá trình đấu tranh mở rộng chuyên án, đơn vị bắt, khởi tố 5 bị can về tội “Tổ chức đánh bạc” và “Đánh bạc”.
Tháng 9/2019, Đội 6 phối hợp với Công an TP Vinh bắt giữ 2 đối tượng người Trung Quốc gắn thiết bị điện tử vào cây ATM để lấy thông tin chủ thẻ nhằm chiếm đoạt tiền trong tài khoản. Cơ quan chức năng thu giữ 222 thẻ ATM giả cùng bộ thiết bị điện tử các đối tượng sử dụng để phạm tội.
Mới đây nhất, Đội 6 – Phòng Cảnh sát Hình sự Công an Nghệ An phá đường dây lừa đảo nhắm vào những phụ nữ có đời sống tình cảm hẩm hiu, bắt giữ mắt xích quan trọng là Nguyễn Thị Hằng (SN 1988, trú phường Quán Bàu, TP Vinh, Nghệ An). Nhóm của Hằng đã thực hiện hành vi lừa đảo 13 phụ nữ trên cả nước, chiếm đoạt gần 20 tỷ đồng.
Ngoài ra, cán bộ, chiến sỹ của Đội cũng kịp thời ngăn chặn nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bảo vệ an toàn tài sản cho người dân.
Theo thống kê, trung bình cứ 1 ngày (không tính ngày nghỉ) Đội nhận 1 tin báo tố giác tội phạm của người dân trong tỉnh Nghệ An và nhiều tỉnh thành trong cả nước. Với các cán bộ chiến sỹ của đội thì đây không chỉ là sự ghi nhận, tin tưởng của người dân mà còn là áp lực bởi điều đó chứng tỏ loại tội phạm ẩn danh này đã len lỏi đến nhiều địa phương, nhiều tầng lớp nhân dân.
“Tin báo về các vụ án liên quan đến tội phạm công nghệ cao rất nhiều, buộc mỗi cán bộ, chiến sỹ phải căng mình để tiếp nhận, hướng dẫn, xử lý. Bởi vậy, về nhà với vợ con tay vẫn ôm khư khư điện thoại để tiếp nhận tin báo tội phạm là “cảnh thường thấy” của cán bộ, chiến sỹ Đội 6.
Đấu tranh với loại tội phạm ẩn danh này, nếu không “say nghề” và được gia đình thông cảm, thấu hiểu thì rất khó”, Thiếu tá Phạm Trung Hiếu – Phó đội trưởng Đội 6 chia sẻ.
Phải biết đau nỗi đau của người khác!
Trong các vụ án đơn vị khám phá thì các vụ án liên quan đến lừa đảo chiếm đoạt tài sản chiếm số lượng lớn. Điều đặc biệt, phần nhiều nạn nhân của loại tội phạm này là phụ nữ đơn thân hoặc có đời sống tình cảm không hạnh phúc.
“Đi sâu vào từng vụ án, tiếp xúc với nhiều nạn nhân mới thấy họ vừa đáng giận, vừa đáng thương. Thủ đoạn mà bọn tội phạm thực hiện rất đơn giản, thậm chí là với những lý do hết sức vô lý nhưng đáng buồn là nhiều nạn nhân vẫn dễ dàng dính bẫy”, Trung tá Hà Huy Đức – Đội trưởng Đội 6 cho hay.
Trong các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội, việc tìm, xác định các nạn nhân cực kỳ quan trọng bởi chính những thông tin mà họ cung cấp sẽ là bằng chứng để đấu tranh, buộc các đối tượng phải thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Đây thực sự là cuộc “mò kim đáy bể” bởi hầu hết các nạn nhân đều mặc cảm, xấu hổ khi bị lừa tình, lừa tiền. Do vậy, nhiều khi lần tìm được manh mối nhưng không dễ để họ mở lòng chia sẻ.
“Mới đây, trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản do Nguyễn Thị Hằng và đồng bọn thực hiện, chúng tôi xác định được 13 bị hại. Nhiều người trong số họ bị sang chấn tâm lý. Họ không muốn tiếp xúc với công an, một phần vì xấu hổ, một phần vì sau cú sốc lớn đã mất lòng tin vào người khác. Lúc đó, phải khơi gợi để khôi phục niềm tin, để họ sẵn sàng mở lòng chia sẻ, cung cấp thông tin vụ việc.
Có những trường hợp, tôi chỉ đóng vai trò là người lắng nghe, để họ được bộc bạch hết tâm sự của mình. Những lúc đó, mình phải đau nỗi đau của họ, buồn nỗi buồn của họ, để họ tin tưởng, chia sẻ.
Từ những tâm sự rối rắm đó, chúng tôi phải chắt lọc thông tin cần thiết cho việc phá án. Thực tế, những thông tin bị hại cung cấp là bằng chứng quan trọng để đấu tranh, buộc các đối tượng thừa nhận hành vi phạm tội của mình”, Trung tá Đức chia sẻ.
Hoàng Lam