Nghệ An:
Dân nghèo ôm nợ vì cán bộ thanh tra chính phủ “dỏm” lừa đảo
(Dân trí) - Khát khao có việc làm, mong được “đổi đời”, không một chút cảnh giác, những người nông dân chân lấm tay bùn trở thành những nạn nhân của đường dây lừa đảo, nợ nần chồng chất. Đáng nói, trong vụ án lừa đảo XKLĐ, nhiều cán bộ xã cũng dính bẫy…
Giả danh cán bộ cao cấp để lừa đảo
Sáng 8/4, cơ quan CSĐT công an huyện Yên Thành (Nghệ An) cho biết - sau khi mở rộng vụ án 314LĐ lừa đảo xuất khẩu lao động (XKLĐ) cơ quan này đã bắt thêm đối tượng Chu Ngọc Lâm (SN 1982, trú tại xã Tiến Thành, huyện Yên Thành) nằm trong đường dây lừa đảo xuất khẩu lao động quy mô lớn.
Đối tượng Lâm là một “mắt xích” quan trọng trong đường dây lừa đảo XKLĐ do Giáp Văn Trung (SN 1978) và Ngô Thu Lý (SN 1983), cả hai cùng trú tại huyện Tân Yên (tỉnh Bắc Giang) cấu kết đã bị cơ quan công an huyện Yên Thành lật tẩy vào tháng 3/2014.
Quá trình điều tra của công an huyện Yên Thành làm rõ: từ tháng 6/2013, Lý tự xưng công tác tại Thanh tra Chính phủ, còn Trung là một cán bộ làm việc ở một cơ quan cao cấp ở Hà Nội. Để đánh lừa người dân, chúng đã làm giả nhiều giấy tờ, hồ sơ, con dấu của Việt Nam, Hàn Quốc, Canada… Sau đó, Trung về huyện Yên Thành “móc nối” với Chu Ngọc Lâm - người quen của Trung từ trước thiết lập đường dây đưa người đi XKLĐ.
Phần về Lâm, học hết THPT do không có việc làm ổn định nên Lâm khăn gói vào miền Nam làm ăn bằng nghề tự do. Cuộc sống nơi đô thị đắt đỏ, tiền làm không đủ thuê trọ nên Lâm trở về quê, góp vốn vào một xưởng sản xuất tăm hương. Quen biết với các đối tượng Giáp Văn Trung và Ngô Thu Lý, từ tháng 8/2012, Lâm tuyển người đi XKLĐ sang Hàn Quốc và Canada.
Là người địa phương Chu Ngọc Lâm được giao nhiệm vụ tìm kiếm và vận động những người có nhu cầu XKLĐ, hướng dẫn người dân làm các thủ tục hồ sơ, hộ chiếu, yêu cầu người đi xuất khẩu lao động phải đặt cọc số tiền ban đầu là 7000 USD và 3000 USD “tiền bỏ trốn”.
Để tạo lòng tin, chúng còn mượn hội trường của UBND xã Tiến Thành để giới thiệu các “gói” đi XKLĐ với viễn cảnh thu nhập cao. Khi thu tiền của người lao động bọn chúng đều có các phiếu thu với lời hứa là trong vòng 3 tháng sẽ “bay” nếu người lao động không đi được thì công ty sẽ hoàn trả lại chi phí.
Thấy gia cảnh của một số gia đình không thể gom một lúc đủ 10.000 USD thì có bao nhiêu thu bấy nhiêu. Tuy nhiên, sau khi nhận tiền từ người dân, chúng liên tục hoãn bay, không đưa được trường hợp nào đi XKLĐ như đã cam kết.
Theo điều tra của cơ quan công an huyện Yên Thành, trong 6 tháng cuối năm 2013, chỉ tính riêng địa bàn nghệ An, các đối tượng đã lừa gạt 39 hộ dân ở nhiều xã thuộc các huyện Yên Thành, Diễn Châu, Tân Kỳ, Hưng Nguyên… với số tiền trên 7 tỷ đồng. Hiện tại, công an huyện Yên Thành đã thu hồi được trên 500 triệu đồng trả cho 2 nạn nhân của đường dây lừa đảo XKLĐ.
Đại tá Lê Xuân Điệp, trưởng công an huyện Yên Thành cho biết, cơ quan này đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Ngô Thu Lý, Giáp Văn Trung và Chu Ngọc Lâm về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và tiếp tục điều tra, mở rộng vụ án.
Cán bộ xã mắc “bẫy” lừa đảo
Sau khi đường dây lừa đảo XKLĐ của Lý, Trung, Lâm bị cơ quan công an huyện Yên Thành bóc gỡ, nhiều gia đình trót nộp tiền cho con cái đi XKLĐ đang rất hoang mang bởi phải “gánh” một khoản nợ lớn vay mượn từ ngân hàng, bạn bè.
Tháng 6/2013, thấy gia đình bà Nguyễn Thị Xoan (61 tuổi, xóm 6A, xã Tiến Thành, huyện Yên Thành) có con trai là Nguyễn Hải Hậu (SN 1991) chưa có việc làm, Chu Ngọc Lâm đến nhà “gạ gẫm”.
Y tự xưng có quen biết với một số người làm việc ở Thanh tra Chính phủ và Bộ Ngoại giao hiện đang tuyển người đi XKLĐ sang Hàn Quốc. “Lẽ ra không còn suất nào, nhưng do 1 người đăng ký đi, nhưng lại thi đậu đại học nên hủy không đi nữa. Gia đình có thể “chèn ngang” suất này. Lẽ ra, gia đình phải nộp lệ phí 15.000 USD nhưng phía công ty ở Hàn Quốc cho vay 7.000 USD, sau khi sang Hàn Quốc làm rồi trả dần” - những viễn cảnh về con đường làm giàu từ XKLĐ của Lâm “như mật rót vào tai” vợ chồng bà Xoan.
Nghe Lâm nói có lý, lại tin tưởng y là con cháu trong xã, quen biết từ lâu, nên gia đình bà Xoan vội vay 2.000 USD để nộp tiền cọc cho Lâm. Sau khi làm xong hồ sơ, gia đình bà Xoan vay thêm 5.000 USD nộp cho Lâm. Tuy nhiên, sau khi nhận tiền, Lâm đã dần hiện rõ bản chất lừa đảo khi 4 - 5 lần báo tin cho gia đình ông Bích lịch bay, rồi sắp đến ngày bay lại thông báo chuyến bay bị hoãn vì nhiều lý do khác nhau.
Không chỉ những người nông dân thiếu hiểu biết về các thông tin đi làm việc tại nước ngoài mà ngay cả ông Đặng Xuân Ty - Phó Chủ tịch UBND xã và ông Trần Đình Sâm - Phó Công an xã Tiến Thành, huyện Yên Thành cũng nhẹ dạ, cả tin nộp cho Giáp Văn Trung là đồng bọn với Lâm mỗi người 10.000 USD và 3 triệu đồng “lo lót” để đưa con sang Hàn Quốc làm việc.
Ông Phạm Xuân Tuyết, trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Yên Thành cho biết: Năm 2006, trên địa bàn huyện Yên Thành có 25 nông dân nghèo bị lừa đảo xuất khẩu lao động sang Malaysia với số tiền 500 triệu đồng.
“Việc một số gia đình bị lừa, mất tiền trong việc lo cho con, người nhà đi xuất khẩu lao động là bài học đắt giá không chỉ ở huyện Yên Thành mà còn của nhiều địa phương khác trong tỉnh. Để đảm bảo quyền lợi của mình, tránh những rủi ro không đáng có, người lao động cần đề cao cảnh giác, nắm bắt các thông tin cần thiết trước khi đi xuất khẩu lao động”, ông Tuyết cho hay.
Nguyễn Duy - D.Hòa