1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Dặm trường săn lùng những kẻ trốn trại

Gây án, bị bắt, bị đi thi hành án là sự trả giá đối với bất kỳ đối tượng tội phạm nào, nhưng nhiều tên vẫn không chịu tu tỉnh, chúng luôn nghĩ trăm phương nghìn kế để trốn trại từ đào tường khoét gạch đến giả vờ chăm ngoan lao động để tạo lòng tin cho cán bộ.

Đặc biệt, chúng đã tạo cho mình một vỏ bọc chắc chắn, tưởng rằng không ai phát hiện ra.

Chúng không ngờ, dù lặn sâu, trốn kỹ đến đâu, cuối cùng cũng sa lưới pháp luật. Trong quá trình công tác của mình, các trinh sát Cục Quản lí phạm nhân, trại viên (C85), Bộ Công an và các trại giam đã dày công lật tẩy…

Giả làm công quả, phật tử trong đền, chùa để trốn truy nã

Đó là Trần Thị Lệ, 56 tuổi, quê ở ấp 2, Tân Bình, Cai Lậy, Tiền Giang. Đàn bà như Lệ quả thật hiếm gặp trên đời bởi dám cả gan giết người, cướp tài sản mà không ghê tay. Năm 1983, mới 25 tuổi, Lệ bị bắt bởi hai tội trên, bị tuyên án chung thân, thi hành án ở Trại giam Thủ Đức. Tại đây, cô ta luôn nuôi ý định trốn trại. Chính vì vậy, vào một ngày cuối năm 1992, Lệ đã trốn khỏi nơi giam.

Để che giấu tung tích, Lệ thường chọn nơi lẩn trốn nhạy cảm là các cơ sở tôn giáo như đền, chùa, nhà thờ và liên tục thay đổi địa điểm lẩn trốn tại nhiều địa phương như: Long An, Cần Thơ, Bạc Liêu, TP Hồ Chí Minh, An Giang… Tại mỗi nơi, cô ta đều thay đổi bằng nhiều tên gọi khác nhau như: Hà, Hương, Phương… Ngay sau khi phát hiện Lệ trốn, Trại giam Thủ Đức đã nhiều lần tổ chức xác minh, truy bắt nhưng chưa có kết quả.

Lực lượng Công an phối hợp bắt
đối tượng truy nã trốn trại.

Lực lượng Công an phối hợp bắt đối tượng truy nã trốn trại.

Xác định đây là đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm, phải quyết tâm truy bắt bằng được, Trại giam Thủ Đức tiếp tục xây dựng kế hoạch, tổ chức lực lượng xác minh, truy bắt. Lực lượng chức năng đã đánh giá lại toàn bộ thông tin đã thu thập được, rút kinh nghiệm từ những lần truy bắt trước, lực lượng chức năng đã thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp xác minh, phát hiện được Lệ thường xuyên đến công quả tại Tòa thánh Cao Đài, tỉnh Tây Ninh. Tuy nhiên, do Lệ thường thay tên, đổi họ nên việc xác minh tên của cô ta gặp nhiều khó khăn. Đây lại là địa bàn đặc biệt nhạy cảm về an ninh tôn giáo, hàng ngày có hàng nghìn tín đồ đến làm công quả và thực hiện các nghi lễ tín ngưỡng, nếu công tác truy bắt không được tiến hành thận trọng, truy bắt không đúng đối tượng sẽ rất dễ nảy sinh các vấn đề phức tạp liên quan đến tôn giáo.

Chính vì vậy, Trại giam Thủ Đức và Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm Công an Tây Ninh đã dày công nghiên cứu, nắm bắt thông tin, vận động nhân dân tố giác tội phạm, nhận dạng đối tượng. Qua đó, phát hiện Lệ đang cùng các tín đồ khác chuẩn bị các nghi thức cúng lễ tín ngưỡng tại Cửu Trùng Đài (khu vực thực hiện lễ chính của Tòa thánh). Lúc này, khu vực Cửu Trùng Đài đang tập trung hàng nghìn tín đồ và khách thập phương nên lực lượng chức năng xác định nếu không bắt giữ ngay thì rất có thể mất dấu đối tượng. Chính vì vậy, một tổ công tác đã bí mật tiếp cận đối tượng, khống chế, đưa nhanh ra khỏi Tòa thánh về thị trấn Hòa Thành, Tây Ninh để đấu tranh, làm rõ.

Với bản chất lưu manh, đối tượng kiên quyết không nhận mình là Trần Thị Lệ mà khai tên là Nguyễn Thị Phương, quê ở Vĩnh Long. Lực lượng truy bắt đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ tiến hành giám định dấu vân tay của đối tượng với danh bản của Trần Thị Lệ và tiếp tục đấu tranh khai thác. Kết quả khoa học chứng minh đối tượng chính là Trần Thị Lệ khiến cô ta không còn chối cãi được nữa đành khai nhận tên họ thật và theo các cán bộ về trại giam.

Trốn hơn 25 năm, thay tên đổi họ cũng không thoát

Đó là trường hợp phạm nhân Phan Thanh Liêm, SN 1957, quê ở Thuận Hưng, Thốt Nốt, Cần Thơ, bị bắt năm 1979, án phạt 13 năm, thi hành án ở trại giam Cồn Cát. Trong quá trình chấp hành án, Liêm luôn tỏ ra là người tử tế, chấp hành nghiêm mọi quy định của Trại, tích cực lao động cải tạo, tham gia các hoạt động phong trào văn nghệ của phạm nhân nên được cán bộ tin tưởng.

Ngày 21/12/1988, Liêm được cán bộ tin tưởng cho tham gia biểu diễn múa lân tại xã Đại Ngãi, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng, lợi dụng địa bàn phức tạp, đông người khó quản lí, Liêm đã trốn trại. Ngay sau khi trốn thoát, Liêm đã nhiều lần thay đổi tên tuổi, nơi cư trú, sinh sống nên Trại giam Cồn Cát nhiều lần tổ chức lực lượng xác minh, truy bắt nhưng chưa đạt kết quả. Với quyết tâm truy  bắt bằng được, Trại giam Kênh 5 sau khi nhận hồ sơ truy nã của Trại giam Cồn Cát bàn giao đã đánh giá lại toàn bộ thông tin thu thập được, tra cứu thông tin, tổ chức lực lượng, phối hợp chặt chẽ với Công an các địa phương.

Qua đó, đã xác định được phạm nhân Liêm từ khi trốn trại đến 1995 làm nghề đốn củi, lấy tên là Năm Chuối, sống như vợ chồng với bà Nguyễn Thị Hiếu ở ấp Rạch Muối, xã Lương Thế Tân (nay là xã Phú Hưng), Cái Nước, Cà Mau. Sau đó chuyển về tạm trú tại ấp 7, xã Khánh Hội, U Minh, Cà Mau sống bằng nghề đánh cá và bán chuối nướng. Tháng 12/1995, Liêm bị cơ quan CSĐT Công an huyện U Minh khởi tố, bắt tạm giam về tội trộm cắp tài sản. Để tránh bị phát hiện là đối tượng truy nã, Liêm giả danh là Phạm Hoàng Trung, SN 1957, trú ở Lương Thế Tân, Cái Nước, Cà Mau. Năm 2006, Liêm bị TAND huyện U Minh xử phạt 18 tháng tù, cho hưởng án treo.

Từ thông tin trên, Trại đã lập kế hoạch, phân công các tổ truy bắt, xác minh từ các mối quan hệ. Qua đó, biết Liêm cùng vợ, con lên TP Hồ Chí Minh sinh sống, dịp Tết Nguyên đán, bà Hiếu có về Cà Mau thăm gia đình. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng truy bắt đã nắm tình hình, phát hiện Liêm cùng vợ con đang sống ở khu phố 2, Linh Trung, Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh nên đã phối hợp với Công an địa phương bắt giữ tên này ngay sau Tết Nguyên đán, đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Trốn sang Campuchia hành nghề bốc thuốc nam

Phạm nhân Võ Văn Đắng cũng là trường hợp khá đặc biệt. Hắn sinh năm 1946, quê ở An Phú, An Long, Tam Nông, Đồng Tháp, phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với án phạt 3 năm, 6 tháng. Bị bắt tháng 3/1985 đến tháng 1/1986, Đắng trốn khỏi nơi giam. Qua nhiều lần xác minh, lực lượng truy nã Trại giam Cây Cầy đã phát hiện được sau khi trốn, Đắng đưa vợ con sang xóm Việt kiều ở ấp 6, Preveng, Campuchia.

Đến năm 2010, lực lượng chức năng phát hiện Tết Nguyên đán 2010, Đắng có đưa vợ về Việt Nam chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Tháp. Do vợ bị bệnh nặng nên Đắng cho vợ xuất viện về ấp An Thịnh, An Long, Tam Nông, Đồng Tháp rồi nhờ người mượn xe ôtô của Hội Chữ thập đỏ xã An Long đưa hai vợ chồng đến biên giới Campuchia. Lực lượng chức năng đã trực tiếp gặp gỡ đối tượng mượn xe chở vợ chồng Đắng về biên giới, cho tiến hành nhận dạng, xác định chính xác đối tượng.

Từ đó, tổ công tác tiếp tục phối hợp với Công an huyện Bến Cầu, Tây Ninh thực hiện các biện pháp nghiệp vụ xác minh nơi ở của Đắng, phát hiện hắn làm nghề bốc thuốc nam ở Preveng, Campuchia. Do đối tượng đang sinh sống, cư trú ở nước ngoài nên công tác xác minh, bắt giữ vượt quá khả năng của Trại, đơn vị đã báo cáo Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp có công văn đề nghị Văn phòng Interpol Việt Nam phối hợp xác minh, truy bắt nhưng chưa có kết quả.

Với tinh thần kiên quyết tấn công tội phạm, quyết tâm bắt bằng được Võ Văn Đắng, lực lượng bắt truy nã trại giam Cây Cầy phối hợp với CBCS Cục C85 tổ chức nắm tình hình, bắt giữ Võ Văn Đắng khi hắn vừa từ Campuchia về đến biên giới Việt Nam. Lúc đó, Đắng mới giật mình không ngờ đã trốn kỹ như vậy vẫn còn bị bắt

Theo P. Thủy

Công an nhân dân