Đại náo pháp đình, ngồi tù như chơi!

Nhiều trường hợp đương sự trong các vụ án "đại náo pháp đình" khiến lực lượng bảo vệ tòa án và các cán bộ hỗ trợ tư pháp phải vất vả xử lý.

Theo luật cũ, những người không chấp hành nội quy phiên tòa, quậy phá tại các phiên tòa tùy từng trường hợp vi phạm chỉ bị cảnh cáo, phạt tiền, tịch thu tang vật, phương tiện sử dụng để vi phạm. Từ ngày 1-1-2018, khi BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) chính thức có hiệu lực, người có hành vi quậy phá tại phiên tòa có thể sẽ bị khởi tố hình sự.

Quậy tưng bừng chốn pháp đình

Theo một cán bộ bảo vệ tòa án tại TAND TP HCM chuyện các đương sự, gia đình bị cáo, gia đình bị hại dùng nhiều chiêu để quậy phá, tạo áp lực, thậm chí cãi lộn, chửi rủa nhau và lăng mạ HĐXX ở chốn pháp đình không phải là chuyện hiếm.

Mới gần đây, TAND Cấp cao tại TP HCM đã xét xử phúc thẩm và tuyên bị cáo L.M.T (27 tuổi) án tử hình, V.H.M. (22 tuổi) án chung thân về 2 tội "Giết người" và "Cướp tài sản". Sau khi tòa tuyên án, người nhà của các bị cáo đã la hét, gào khóc để phản ứng. Những người này còn xô đẩy, cào cấu các cán bộ hỗ trợ tư pháp để được tiếp cận các bị cáo. Đến khi các bị cáo bị áp giải ra xe, một vài người còn xông đến xe thùng đập ầm ầm để phản đối.

Cán bộ hỗ trợ tư pháp vất vả ngăn cản trong 1 lần người nhà đòi tiếp cận tử tù.
Cán bộ hỗ trợ tư pháp vất vả ngăn cản trong 1 lần người nhà đòi tiếp cận tử tù.

Cũng trong một phiên xử vụ án hình sự khác tại TAND Cấp cao tại TP HCM, gia đình bị cáo phản ứng ứng mạnh, quậy "banh" phiên tòa. Đó là phiên xử bị cáo N.V.Q. (25 tuổi) kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt về tội "Giết người". HĐXX xét thấy không có đủ cơ sở để giảm án liền tuyên y án 19 năm tù. Lúc này, người nhà của bị cáo lớn tiếng phản ứng bản án, thóa mạ tòa cấp phúc thẩm bất chấp sự can ngăn, giải thích của chủ tọa. Thậm chí, một người anh trai của bị cáo Q. còn lớn tiếng chửi mắng, thóa mạ HĐXX, thách thức sự can ngăn của lực lượng hỗ trợ tư pháp.

Một số trường hợp khác, người nhà bị cáo náo loạn pháp đình bằng những cách rất "độc" khiến lực lượng bảo vệ phiên tòa và các cán bộ bảo vệ tư pháp cũng phải “bó tay”. Như trường hợp phiên xét xử phúc thẩm bị cáo H.V.T. về tội hiếp dâm trẻ em hoãn vì có đơn xin của luật sư bị cáo này. Bước ra khỏi phòng xử, gia đình bị cáo xô xát với gia đình bị hại. Hai bên mắng chửi nhau, gây ồn ào huyên náo cả khu vực tòa án.

Ra đến sân tòa, cuộc xô xát lại tiếp tục, gây náo loạn, khiến nhiều người chú ý, bảo vệ tòa phải can thiệp và nhiều lần yêu cầu ra khỏi trụ sở tòa. Lúc này, người nhà bị cáo nằm lăn lộn, vùng vẫy, la hét trước giữa sân tòa, mắng chửi mẹ hai bị hại đã vu oan. Mặc dù, lực lượng bảo vệ tòa án nhiều lần yêu cầu rời đi nhưng hơn nửa giờ sau khi đã thấm mệt, gia đình bị cáo mới thôi quậy.

Người nhà bị cáo H.V.T trong 1 lần đại náo pháp đình.
Người nhà bị cáo H.V.T trong 1 lần "đại náo pháp đình".

Sau đó, vụ án được xét xử trở lại và người nhà bị cáo này lại náo loạn pháp đình một phen nữa. Sau khi HĐXX vừa tuyên án, 4-5 người trong gia đình bị cáo đã leo lên vành móng ngựa la hét, chửi rủa HĐXX suốt hơn nửa giờ. Đặc biệt, mẹ bị cáo còn nằm lên băng ghế, lăn lộn dưới nền nhà, leo lên cây trong khuôn viên tòa án để phản ứng. Cuối cùng, Tòa phải nhờ đến sự can thiệp của cảnh sát 113 mới vãn hồi trật tự.

Không chỉ tòa hình sự, có trường hợp đương sự vụ án dân sự từng “quậy tưng” tại TAND TP HCM. Ngay sau khi chủ tọa phiên tòa phúc thẩm đọc bản án bác kháng cáo xin ly hôn giữa ông H.C. và vợ, người chồng đã tiến nhanh đến bàn của HĐXX đập phá các bảng ghi chức danh. Chưa dừng lại, ông H.C. còn đập phá, xô đẩy hết bàn ghế trong phòng xử. Bảo vệ tòa đến can ngăn cũng không được. Chỉ đến khi Công an phường Bến Nghé đến mới khống chế được ông này đưa về trụ sở công an phường làm việc.

Có thể bị xử lý hình sự

Theo một cán bộ hỗ trợ tư pháp chia sẻ thường xuyên phải xử lý các tình trạng quậy phá tại tòa án. "Lúc đó, họ đang bức xúc, tâm lý không ổn định sẽ có những hành vi quá khích. Chúng tôi thường phải bình tĩnh, xử lý nhẹ nhàng, khuyên can để vừa đảm bảo trật tự, vừa không xảy ra sự cố xô xát không đáng có. Tuy nhiên,nhiều trường hợp quậy phá có tính toán, chuẩn bị từ trước chúng tôi phải nhận sự hỗ trợ của các lực lượng công an phường hoặc cảnh sát 113" – vị cán bộ chia sẻ.

Theo luật sư Hà Ngọc Tuyền (Đoàn Luật sư TP HCM) cho biết những hành vi như trên có thể bị xử lý hình sự từ đầu năm 2018. Theo đó, khi BLHS2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) có hiệu lực, các trường hợp quậy phá làm mất trật tự tại các phiên tòa, phiên họp của tòa có thể bị khởi tố về tội "Gây rối trật tự phiên tòa, phiên họp".

Đại náo pháp đình, ngồi tù như chơi! - 3

Quậy phá tại các phiên tòa, phiên họp có thể bị xử lý hình sự từ đầu 2018. Trong ảnh là người nhà bị cáo N.V.Q phản ứng tại phiên tòa phúc thẩm.

Theo luật sư, khoản 1 điều luật 391 quy định: Tại phiên tòa, phiên họp, người nào thóa mạ, xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của thẩm phán, hội thẩm, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng khác hoặc người tham gia phiên tòa, phiên họp hoặc có hành vi đập phá tài sản, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 178 của bộ luật này thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 2 năm.

Theo khoản 2 điều luật 391: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 1 năm đến 3 năm: Dẫn đến phải dừng phiên tòa, phiên họp; Hành hung thẩm phán, hội thẩm, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng khác nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 134 của bộ luật này.

Ủng hộ việc BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định xử lý hành vi gây rối trật tự phiên tòa thành một tội danh riêng, luật sư Tuyền cho rằng việc bổ sung tội danh này vì mục tiêu đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, sự tôn nghiêm của chốn pháp đình. Hơn nữa, luật này bảo vệ tính mạng sức khỏe , danh dự, nhân phẩm của tất cả những người tham gia phiên tòa.

Theo luật sư Tuyền, HĐXX cần phải giải thích điều luật ngay trước khi bắt đầu phiên tòa để vừa giáo dục pháp luật, vừa ngăn chặn hành vi vi phạm có thể xảy ra.

Theo QUỐC CHIẾN

Người lao động