Đại gia Bạch Diệp nghi ngờ hồ sơ vụ án bị giả mạo
(Dân trí) - Sáng 16/3, phiên xử nữ đại gia Dương Thị Bạch Diệp cùng đồng phạm tiếp tục với phần thẩm vấn liên quan đến vấn đề thế chấp khu nhà đất 57 Cao Thắng.
Tài sản thế chấp cho khoản vay 67.000 lượng vàng
Liên quan tới tài sản tại 57 Cao Thắng, bị cáo Diệp khai, tài sản này không được thế chấp cho bất cứ khoản vay nào.
Trả lời câu hỏi của tòa, đại diện Agribank cho rằng, công ty Diệp Bạch Dương đã thế chấp nhà 181 Hai Bà Trưng vay 14.000 lượng vàng để mua nhà 57 Cao Thắng. Sau đó, công ty này không trả được nợ và đề nghị ngân hàng gia hạn đến 31/10/2009 nhưng cũng không trả được.
Ngày 15/12/2008, nhà đất số 57 Cao Thắng được cấp giấy chứng nhận.
Thời điểm trước đó, bà Diệp có văn bản cam kết thế chấp một số trong 15 tài sản, trong đó có nhà 57 Cao Thắng để bảo đảm khoản vay 67.000 lượng vàng. Tại thời điểm 31/12/2008, nhà 57 Cao Thắng đã thuộc chủ quyền của bà Dương Thị Bạch Diệp. Việc thế chấp này được đăng ký giao dịch bảo đảm.
Việc bà Diệp cho rằng toàn bộ tài liệu do Agribank giả mạo, đại diện Agribank nói hồ sơ đã thể hiện rõ, còn khai sao là... quyền của bà Diệp. Về việc bà Diệp nói chữ ký giả mạo, đại diện ngân hàng cho biết cơ quan điều tra đã giám định chữ ký, kết quả đều do một người ký ra.
Hiện nay, về tình trạng pháp lý, nhà 57 Cao Thắng đang thuộc quyền của Agribank, chưa được giải chấp. Agribank đề nghị HĐXX tuyên buộc UBND TPHCM thu hồi quyết định xác lập sở hữu nhà nước với tài sản 57 Cao Thắng.
Đại diện ngân hàng này cũng cho biết thêm, công ty của bà Diệp có 2 văn bản gửi đến ngân hàng gồm biên bản họp hội đồng thành viên và Đơn xin mượn lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại 57 Cao Thắng với lý do để cập nhật lại. Sau khi làm xong thủ tục hoàn công, cập nhật lại giấy chứng nhận sẽ thay thế tài sản thế chấp...
"Nhà 57 Cao Thắng đang thế chấp. Nay chúng tôi đề nghị ngân hàng cho mượn giấy chứng nhận để làm thủ tục hoàn công, sau khi làm xong sẽ gửi lại toàn bộ hồ sơ tài sản thế chấp", đại diện phía ngân hàng trích đơn của bà Diệp.
Ngân hàng sau đó đã có công văn số 32 gửi Sở Tài nguyên - Môi trường sau khi hoàn thành thủ tục thay đổi giấy chứng nhận, phải bàn giao giấy chứng nhận cho ngân hàng. Việc bị cáo Dương Thị Bạch Diệp mượn ngân hàng giấy chứng nhận số 57 Cao Thắng đều thể hiện bằng văn bản và có trong hồ sơ vụ án.
Bị cáo nghi ngờ cả chữ ký được giám định của mình
Đại diện Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM cho biết, bà Diệp là người trực tiếp nộp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 57 Cao Thắng cho Sở. Nhưng sau đó cơ quan này nhận được công văn của Agribank nên Sở biết tài sản này đang thế chấp cho ngân hàng.
Người này cho biết, về nguyên tắc, sau khi hoàn thành thủ tục cấp giấy chứng nhận cho bà Diệp mà có công văn từ phía ngân hàng thì phải chuyển giấy chứng nhận cho ngân hàng.
Được gọi lên đối chất ngay sau đó, bà Diệp cho rằng, đại diện ngân hàng và Sở Tài nguyên - Môi trường trả lời không đúng sự thật. Toàn bộ tài liệu do Agribank và Sở cung cấp đều là giả mạo.
Ngay lập tức, Viện Kiểm sát cho rằng trong hồ sơ vụ án có rất nhiều chữ ký của bị cáo và đã được giám định là do một người ký ra. Bị cáo Dương Thị Bạch Diệp nói mình nghi ngờ tính xác thực của kết quả giám định chữ ký.
"Tôi nghi ngờ 90% tài liệu trong vụ án này đã bị làm giả, ngụy tạo", chủ công ty Diệp Bạch Dương trình bày tại tòa.
Chiều 16/3, tòa tiếp tục nội dung xét hỏi.