1. Dòng sự kiện:
  2. Nam shipper bị đánh tử vong
  3. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  4. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Đại biểu Quốc hội lật lại vụ công an “bảo kê” chợ ma túy Thanh Nhàn

(Dân trí) - 7 năm sau vụ phá chợ ma túy Thanh Nhàn, một thiếu tá công an bị kết tội nhận hối lộ, UB Kiểm tra TƯ giám sát vì có dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ. Và đại biểu Quốc hội cảnh báo chứng cứ buộc tội yếu, có thể oan sai với công dân…

Vụ án bắt đầu vào năm 2005, CQĐT Bộ Công an phá đường dây ma túy tại “chợ” ma túy Thanh Nhàn, bắt giam bà trùm Trần Thị Thuận và vợ chồng Bùi Trọng Bảy - Trần Thị Lan. Qua lời khai của các tội phạm ma túy trong vụ án này, CQĐT đã khởi tố và bắt giam một số cán bộ của Công an Hà Nội vì đã có vi phạm pháp luật trong công tác.

Trong nhóm cán bộ công an bị cho là “dính chàm” có thiếu tá Phạm Đình Tiếng (cán bộ công an TP.Hà Nội), bị khởi tố về tội “Nhận hối lộ” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” dựa vào lời khai của vợ chồng Bảy - Lan. 2 can phạm này tố cáo thiếu tá Tiếng nhận 8.000 USD của mình từ năm 2001 để “chạy tội” cho một người buôn bán ma túy khác là Nguyễn Viết Mạnh khi đối tượng này bị bắt. Ngoài ra, năm 2004, Phạm Đình Tiếng nhận 5.000 USD để chạy tội cho Trần Thị Lành với hành vi tương tự. Tiếng cũng bị tố đã cầm 12.000 USD để làm lơ cho hoạt động kinh doanh cái chết trắng của vợ chồng Bảy - Lan.

Trong phiên tòa sơ thẩm vào tháng 9/2009, TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt Phạm Đình Tiếng 17 năm tù. Tuy nhiên, sau đó bản án đã bị hủy để điều tra, truy tố, xét xử lại.

Bị cáo kháng án. Vợ bị cáo, bà Phan Thị Lê Tuyên – cán bộ công an Quận Ba Đình cũng bắt đầu hành trình kêu oan cho chồng, cho danh dự gia đình. Vụ án đến nay đã lập nhiều “kỷ lục” hy hữu khi bị cáo đã bị tạm giam 7 năm, qua 12 lần điều tra bổ sung, VKS đã thay đổi nội dung cáo trạng truy tố 2 lần, tòa án đã 3 lần xét xử (xử sơ thẩm 2 lần, phúc thẩm 1 lần với vô số những lần hoãn đi hoãn lại)… Và rất nhiều cơ quan tư pháp, cơ quan kiểm tra của Đảng, các đại biểu Quốc hội đã phải lên tiếng.
Nguyên thiếu tá công an Phạm Đình Tiếng trong một phiên xử sơ thẩm.
Nguyên thiếu tá công an Phạm Đình Tiếng trong một phiên xử sơ thẩm.

Đầu năm 2013, trong Hội nghị triển khai Nghị quyết 37 của Quốc hội về phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức, Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga nêu vụ việc nguyên thiếu tá công an Phạm Đình Tiếng đã bị tạm giam đến năm thứ 7 về tội nhận hối lộ. Và sau 7 năm, bị cáo này vẫn ở vào tình trạng “không tuyên rõ là có hay không có tội”. Bà Nga đề nghị các cơ quan tư pháp phải giải thích rõ vụ việc khó chấp nhận trong cải cách tư pháp như này.

Cũng đề cập đến vụ án, mới đây, trong văn bản ký ngày 29/7 của một Phó Chủ nhiệm khác trong UB Tư pháp, ông Nguyễn Văn Luật, gửi Chánh án TAND tối cao và Viện trưởng VKSND tối cao, ông Luật nêu, vợ và luật sư của bị cáo Phạm Đình Tiếng đều cho rằng tòa sơ thẩm kết án bị cáo về các tội “Nhận hối lộ”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” không đúng pháp luật. Nguyên thiếu tá công an bị oan.

“Vụ án đã kéo dài nhiều năm, nhiều cơ quan Đảng, nhà nước đã có ý kiến và quan điểm đề nghị các cơ quan tiến hành tố tụng xem xét lại vụ án. Tòa phúc thẩm TAND tối cao chuẩn bị đưa vụ án ra xử phúc thẩm lần 2. Trân trọng đề nghị các đồng chí xem xét, giải quyết và thông báo kết quả giải quyết đến UB Tư pháp để báo cáo Chủ tịch Quốc hội” – Phó Chủ nhiệm Nguyễn Văn Luật viết.

Được biết, trước đó, trong năm 2011, 2012, UB Kiểm tra TƯ đã có 2 văn bản gửi Lãnh đạo Bộ Công an và VKSND tối cao chỉ đạo thay đổi điều tra viên và kiểm sát viên để đảm bảo việc khách quan trong điều tra, truy tố đối với bị cáo khi giám sát vụ án.

Nhiều sai phạm trong quá trình tố tụng đã được chỉ ra như quá trình điều tra, truy tố, các chứng cứ gỡ tội cho bị cáo bị bỏ qua. Việc tổ chức đối chất giữa 2 vợ chồng Bảy – Lan về nội dung tố thiếu tá công an nhận hối lộ, bảo kê, chạy án được tổ chức theo hướng thiếu khách quan, không buộc mỗi người tự trình bày việc mà chỉ thực hiện theo kiểu chồng nói, vợ gật.

Ngoài ra, các cơ quan giám sát còn đặt vấn đề có việc sửa đổi, đánh tráo tài liệu của vụ án làm cho tài liệu đưa vào hồ sơ vụ án không còn nguyên giá trị ban đầu, không phản ánh đúng sự thật khách quan của vụ án, tài liệu bị sửa đổi được sử dụng, đánh tráo để kết luận về hành vi phạm tội của nguyên thiếu tá công an. Bước đầu, UB Kiểm tra TƯ kết luận, một số cán bộ điều tra và kiểm sát đã có sai phạm nghiêm trọng, có dấu hiệu “làm sai lệch hồ sơ vụ án”.

Gần đây, ủy viên thường trực UB Tài chính Ngân sách của Quốc hội – đại biểu Lê Thanh Vân cũng có công văn gửi Bộ trưởng Công an, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao yêu cầu lãnh đạo các cơ quan này “vì sự công minh của pháp luật, vì sự công bằng và bảo vệ quyền lợi chính đáng của công dân”, quan tâm chỉ đạo xử lý các “vấn đề” trong vụ án Phạm Đình Tiếng.

Trong công văn, ông Vân nhận định, “đây là một vụ án chứng cứ buộc tội yếu, có dấu hiệu sai phạm ở các giai đoạn tố tụng…”. Đại biểu chỉ ra hàng loạt điểm bất ổn từ quá trình điều tra, kiểm sát điều tra và truy tố tới xét xử.

Đại biểu Lê Thanh Vân cũng nhắc lại việc UB Kiểm tra TƯ có văn bản từ tháng 7/2012 yêu cầu thay đổi điều tra viên, kiểm sát viên tham giam kiểm sát điều tra đối với vụ án nhưng không được thực hiện nghiêm túc.

“Tôi cho rằng, các sai phạm đó có thể dẫn đến việc khởi tố, truy tố và xét xử oan sai đối với công dân Phạm Đình Tiếng” – ông Vân nhấn mạnh.

Sau phiên tòa sơ thẩm lần 2 tổ chức cuối tháng 4/2013, nguyên thiếu tá công an vẫn bị kết án với 2 tội danh “Nhận hối lộ”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” với hình phạt tăng thêm 1 năm tù so với lần xử sơ thẩm đầu tiên năm 2009. Ngày 22/8 tới, phiên tòa phúc thẩm lần thứ 2 được mở. Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về diễn biến, kết quả phiên xử này.

P.Thảo