Cựu Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc lĩnh án 3 năm tù
(Dân trí) - HĐXX sơ thẩm đánh giá hành vi phạm tội của cựu Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc đã gây thiệt hại, thất thoát, lãng phí nghiêm trọng nguồn tài nguyên của đất nước nên tuyên phạt mức án 3 năm tù.
Sau gần 10 ngày xét xử và nghị án, chiều 21/5, Hội đồng xét xử sơ thẩm Tòa án nhân dân TP Hà Nội tuyên án đối với cựu Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (cũ) Nguyễn Linh Ngọc cùng 26 bị cáo liên quan, trong vụ án Công ty Thái Dương và các đơn vị liên quan khai thác trái phép đất hiếm ở Yên Bái.
HĐXX sơ thẩm đánh giá, hành vi của các bị cáo là rất nghiêm trọng, xâm phạm đến trật tự trị an, an toàn quản lý kinh tế về thuế; xâm phạm đến uy tín danh dự của các cơ quan tổ chức liên quan; gây thiệt hại, thất thoát, lãng phí nghiêm trọng nguồn tài nguyên của đất nước...
Hành vi của các bị cáo còn gây ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư; gây bức xúc, bất bình trong dư luận xã hội,...
Từ những phân tích, nhận định trên, HĐXX sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Nguyễn Linh Ngọc mức án 3 năm tù về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Cùng tội danh trên, 6 người khác là cựu lãnh đạo, cán bộ tài nguyên môi trường bị tuyên phạt 2 năm 6 tháng đến 4 năm tù.
Tòa cũng tuyên phạt bị cáo Đoàn Văn Huấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Thái Dương (Công ty Thái Dương), tổng cộng 14 năm 6 tháng đối với 3 tội Vi phạm quy định về thăm dò, khai thác tài nguyên; Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; Gây ô nhiễm môi trường.
19 bị cáo còn lại bị tuyên phạt từ 30 tháng tù treo đến 16 năm tù về các tội Buôn lậu; Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có; Gây ô nhiễm môi trường; Vi phạm quy định kế toán,...
Tòa sơ thẩm buộc bị cáo Đoàn Văn Huấn phải khắc phục hơn 665 tỷ đồng; kiến nghị thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản của Công ty Thái Dương.
Trước đó, trong quá trình xét xử, bị cáo Nguyễn Linh Ngọc thừa nhận trách nhiệm cá nhân và cho rằng, nếu Công ty Thái Dương thực hiện đúng các điều khoản đã cam kết đã không xảy ra những sai phạm và phải đứng trước tòa như ngày hôm nay.
Bị cáo trình bày, giai đoạn 2011-2013, khi hồ sơ xin cấp phép của Công ty Thái Dương nộp và chiếu theo Luật Khoáng sản 2005 là hợp lệ.
Tuy nhiên, đến đầu năm 2012, Luật Khoáng sản 2010 có hiệu lực, cùng với Nghị quyết 02 của Bộ Chính trị và Chỉ thị 02 của Thủ tướng Chính phủ, thì các tiêu chí cấp phép đã thay đổi, khiến quy trình bị gián đoạn và hồ sơ không còn đủ theo luật mới; việc kéo dài thời gian cấp phép qua nhiều năm cũng là nguyên nhân khiến cơ quan có thẩm quyền gặp khó khăn.
Tại tòa, ông Ngọc khẳng định, bản thân hoàn toàn không có ai tác động hay can thiệp để bị cáo ký cấp phép cho Công ty Thái Dương khai thác đất hiếm tại Yên Bái, cũng không có mối quan hệ quen biết cá nhân nào với doanh nghiệp này trước đó.

Bị cáo Nguyễn Linh Ngọc tại phiên tòa (Ảnh: Phùng Anh).
Theo cáo buộc, năm 2012, ông Nguyễn Linh Ngọc được giao chỉ đạo, giải quyết lĩnh vực địa chất, khoáng sản và phụ trách Tổng cục Địa chất và Khoáng sản.
Đây là đơn vị có nhiệm vụ tiếp nhận, thẩm định hồ sơ cấp giấy phép khai thác khoáng sản.
Trong đó, hồ sơ xin cấp phép của Công ty Thái Dương chỉ có giấy chứng nhận đầu tư dự án khai thác, tuyển quặng do UBND tỉnh Yên Bái cấp năm 2011 (hết hạn năm 2012); không có giấy chứng nhận đầu tư nhà máy thủy luyện Yên Bái và nhà máy chiết tách Hải Phòng.
Vốn chủ sở hữu của Công ty Thái Dương không đạt tỷ lệ bằng 30% tổng số vốn đầu tư của dự án như quy định của Luật Khoáng sản.
Tuy nhiên, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản vẫn sử dụng kết quả thẩm định cũ từ năm 2011 để trình hồ sơ. Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc khi đọc và nghiên cứu hồ sơ vẫn ký chấp nhận cấp giấy phép cho Công ty Thái Dương vào năm 2013.
Hành vi của bị cáo Nguyễn Linh Ngọc và các bị cáo khác trong vụ án đã giúp Công ty Thái Dương tổ chức khai thác, tiêu thụ trái phép quặng đất hiếm, quặng sắt có tổng trị giá hơn 730 tỷ đồng.